Ngành giày dép Hải Phòng - Những cung bậc thăng trầm: Kỳ 3 - Đường dài còn lắm gian nan

09:53 19/07/2018

Có thể nói, trong những năm 90 của thế kỷ trước, công nghiệp giày dép Hải Phòng gặp nhiều thuận lợi. Đáng kể nhất là ưu thế sử dụng lao động phổ thông, trong bối cảnh lao động thất nghiệp nhiều nên bổ sung nguồn lực hết sức suôn sẻ. Cũng liên quan đến lao động, thời điểm đó mặt bằng thu nhập của người lao động rất thấp, nên chi phí nhân công trong cơ cấu giá thành sản phẩm chiếm tỷ lệ không cao. Cùng thời điểm đó, hàng hóa có xuất xứ Việt Nam được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thương mại quốc tế.

Gia công chiếm tỷ lệ cao dẫn đến hiệu quả kinh tế của ngành giày dép còn thấp

 Tuy nhiên, thời hoàng kim trên cũng chỉ kéo dài khoảng chục năm. Bước sang thế kỷ 21, nhờ chính sách mở cửa mạnh mẽ, cả nước đều tập trung phát triển kinh tế, việc đầu tư xây dựng khu công nghiệp diễn ra ở mọi nơi.

Tiền đề này đã tạo ra làn sóng đầu tư nước ngoài ồ ạt chảy vào Việt Nam, ngành giày dép Hải Phòng mất dần vị thế độc tôn về giải quyết việc làm, thậm chí một lượng lớn nhân lực còn bị thất thoát do người lao động bỏ về quê làm việc hoặc chuyển sang các ngành nghề khác. Từ vị thế “sang chảnh”, các doanh nghiệp giày dép lâm vào tình trạng bĩ cực vì thiếu lao động, không ít doanh nghiệp đã phải tìm hướng đầu tư xây dựng nhà máy ở khu vực ngoại thành chỉ để giải bài toán này.

Kể cả nhiều doanh nghiệp phải phân nhỏ sản xuất, xây dựng các cơ sở gia công trên khắp địa bàn thành phố để “tận thu” sức lao động, nhưng đến nay khó khăn này vẫn hiện hữu.

Bên cạnh đó, mặt bằng thu nhập của người lao động cũng được nâng cao, trực tiếp tác động vào ngành giày dép. Theo chia sẻ của một giám đốc doanh nghiệp, thì lấy mốc năm 1995 làm ví dụ, mặt bằng thu nhập của lao động phổ thông trong ngành giày là 35 USD, quy đổi khoảng gần 790.000 đồng hiện nay.

Còn tại thời điểm này, mức lương tối thiểu theo Nghị định  141/2017/NĐ-CP đã là 3.980.000 đồng, tương ứng khoảng 175 USD, gấp 5 lần thời điểm năm 1995. “Nhưng trên thực tế, tổng thu nhập của người lao động luôn cao hơn gấp rưỡi trở lên so với mức tối thiểu…”, vị giám đốc này nói. Mặt khác, vì đặc thù sử dụng đông lao động, nên quỹ lương của doanh nghiệp rất lớn, việc lo lương hàng tháng là cả một vấn đề.

Chẳng hạn thu nhập bình quân mỗi lao động là 6 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp sử dụng 2.300 lao động, quỹ lương xuất mỗi tháng đã là 13,8 tỷ đồng, nếu chẳng may bị gặp sự cố là phát sinh rất nhiều chuyện.

Nhìn ở tầm vĩ mô, kể từ năm 2006, việc Việt Nam gia nhập WTO đã đem lại cho nền kinh tế cả nước những lợi thế lớn. Nhưng sau 12 năm tham gia sân chơi lớn này, ngành giày dép Hải Phòng đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Vì như đã nói, sản phẩm giày dép ở Hải Phòng chủ yếu là gia công cho nước ngoài dưới các dạng hình liên doanh liên kết, hoàn toàn bị động về mọi mặt và chịu ảnh hưởng rất lớn từ bên ngoài.

Đặc biệt, khi Việt Nam không còn được nhiều thị trường đưa vào danh sách ưu tiên, ưu đãi, đồng nghĩa với việc phải chịu nhiều sự cạnh tranh về các chính sách rào cản thương mại. Mà vụ kiện chống bán phá giá từ EU và một số vụ tranh chấp quốc tế khác là những ví dụ điển hình.

Các ngành công nghiệp hàm lượng công nghệ cao đang tạo sức ép mạnh mẽ vào ngành giày dép

Trong một đánh giá mới đây của thành phố, thì ngành công nghiệp giày dép vẫn đứng thứ 5 trong danh mục 10 ngành công nghiệp chủ lực của Hải Phòng. Chỉ tính trong giai đoạn 2011-2016, tăng trưởng bình quân của ngành đạt khoảng 11,55%, cùng với ngành dệt may chiếm tỷ trọng 9,02% giá trị sản xuất công nghiệp tổng thể.

Tuy nhiên, những năm gần đây Hải Phòng có sự bứt phá mạnh mẽ của các ngành công nghiệp khác nói riêng và cả nền kinh tế nói chung, đã  khiến những hạn chế của ngành giày dép ngày càng bộc lộ. Trong đó hạn chế lớn nhất vẫn là hình thức gia công có giá trị gia tăng rất thấp, tiếp đó còn nhiều vấn đề nổi cộm khác như đời sống người lao động chậm được cải thiện, ô nhiễm môi trường vẫn còn bức xúc, tranh chấp lao động phát sinh thường xuyên cũng là vấn đề tiềm ẩn nhiều nguy cơ…

Trong một số cuộc hội thảo liên quan, có ý kiến cho rằng trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp giày dép phải đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường nội địa, thực hiện chuyển đổi phương thức để hạn chế và thoát thế gia công bị động. Về lý thuyết thì như vậy, nhưng “có thực mới vực được đạo”, vấn đề đặt ra quan trọng nhất vẫn là vốn, vì từ trước đến nay hầu hết các doanh nghiệp trong ngành giầy dép xuất khẩu đều “dính” với đầu tư nước ngoài dưới nhiều hình thức khác nhau.

Nay nếu tự thân vận động và chiếm lĩnh thị trường nội địa đồng nghĩa với tiềm lực tài chính thực tế phải đủ mạnh, mà điều này xem ra đang là cái nút khó tháo nhất mà các doanh nghiệp Hải Phòng đang mắc phải. Nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới còn diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp và áp lực canh tranh đến khá mạnh từ những nước có cùng năng lực như Ấn Độ, Trung Quốc, Băng-la-đét…

Chưa kể “sân chơi” nội địa dù có tới gần 100 triệu dân, nhưng hiện thị phần không nhỏ đã thuộc về những cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, phân phúc khác cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố cạnh tranh đến từ cả trong và ngoài nước, nên không dễ gì thỏa hiệp.

 Những năm gần đây, việc tập trung nguồn lực và cơ chế cho những dự án có hàm lượng công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường đã phần nào đẩy ngành giày dép vào tình thế đã khó càng gặp khó. Nhất là thời gian qua, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được tuyên truyền rộng rãi và cảnh báo ở mức độ ngày càng cao, đòi hỏi ngành giày dép cần phải có một cơ chế thích ứng.

Thiết nghĩ trong hoàn cảnh này, ngành cần được một định hướng rõ nét hơn về chính sách, bởi như đã đề cập, một phân ngành kinh tế đang đứng ở “tốp 5” trên bảng xếp hạng công nghiệp, không dễ gì thay thế trong “một sớm, một chiều”.

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích