Ngành Y tế: Tăng tốc, tập trung toàn lực thực hiện chiến dịch “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng và ký số chứng nhận tiêm chủng Covid-19

    15:38 17/05/2022

    Bộ Y tế có Văn bản yêu cầu các địa phương, các đơn vị trực thuộc Bộ và Y tế các bộ, ngành phải khẩn trương hoàn thành “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng vắc xin Covid-19 trước ngày 1/6/2022. Việc này nhằm giúp cho việc ký xác thực hộ chiếu vắc xin điện tử của công dân. Tại Hải Phòng, tổng số mũi tiêm thực hiện đạt gần 4,5 triệu mũi, nhưng nhiều trường hợp chưa đồng bộ dữ liệu tiêm chủng với dữ liệu dân cư hoặc sai thông tin cơ bản. Điều này ảnh hưởng đến tiến trình liên thông dữ liệu tiêm chủng với dữ liệu dân cư và các vấn đề liên quan khác. Do đó, Ngành Y tế thành phố đag đẩy mạnh thực hiện tăng tốc, tập trung toàn lực thực hiện chiến dịch “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng và ký số chứng nhận tiêm chủng Covid-19.
    Trẻ chưa có số chứng minh nhân dân, căn cước công dân thì cần có mã số định danh cá nhân để kịp thời cập nhật dữ liệu tiêm chủng

    Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố, tính đến hết ngày 11-5, toàn thành phố tiêm tổng số 4.492.988 mũi vắc xin phòng, chống Covid-19, tổng số mũi tiêm cập nhật lên hệ thống đạt trên 90%. Trong đó, số mũi 1 cập nhật trên 98,08%, số mũi 2 cập nhật đạt trên 90%, số mũi bổ sung, nhắc lại cập nhật đạt gần 80%.

    Còn theo thống kê của Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), trong tổng số các mũi tiêm Hải Phòng đã triển khai tiêm chủng, có đến gần 200.000 trường hợp không có căn cước công dân hoặc sai định dạng, hơn 200.00 trường hợp sai thông tin cơ bản.

    Để bảo đảm cập nhật kịp thời và chính xác dữ liệu tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 lên nền tảng quản lý tiêm chủng quốc gia, Sở Y tế có văn bản gửi Sở Công Thương, Ban Quản lý các khu kinh tế, UBND các quận, huyện về việc phối hợp chỉ đạo “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng. Đồng thời, Sở phối hợp Công an thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ngành liên quan tập huấn công tác “làm sạch” số liệu và cập nhật lên phần mềm hệ thống quản lý tiêm chủng quốc gia.

    Đối với các đơn vị trực thuộc, Sở Y tế ban hành các văn bản đôn đốc công tác tiêm chủng vaccine, cập nhật số liệu và thiết lập “đường dây nóng” giải đáp thắc mắc, hướng dẫn người dân và các đơn vị triển khai hiệu quả cao công tác phối hợp cập nhật dữ liệu, thông tin tiêm chủng.

    Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong tiêm chủng Covid-19

    Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ cập nhật dữ liệu tiêm chủng trên địa bàn thành phố chưa đầy đủ, theo bác sĩ Phan Hồng Hải, Trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố), trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 12-2021, vắc xin được phân bổ liên tục và nhiều, yêu cầu tiến độ triển khai tiêm khẩn trương nên cán bộ y tế tập trung công tác tiêm chủng bảo đảm kế hoạch, an toàn, chưa chú trọng công tác thống kê, nhập liệu.

    Mặt khác, theo chủ trương của thành phố, không để dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi vận chuyển hàng hóa nên ngành Y tế tập trung tiêm đối với người lao động các khu công nghiệp, lái xe vận tải, trong đó nhiều người ở tỉnh, thành phố khác. Công tác báo cáo mới chỉ dừng lại ở số người tiêm được, nhiều trường hợp thiếu, sai thông tin nhưng do tính cấp bách của dịch bệnh nên vẫn phải triển khai tiêm...

    Ngoài ra, một số cơ sở tiêm chủng quản lý, lưu trữ chưa tốt danh sách tiêm, các phiếu khám sàng lọc, phiếu đồng ý tiêm chủng nên bị thất lạc các phiếu này, khi muốn nhập hồi cứu thì không rõ thông tin về người được tiêm để liên lạc bổ sung thông tin lên phần mềm.

    Theo yêu cầu của Bộ Y tế, các địa phương, các đơn vị trực thuộc Bộ và Y tế các bộ, ngành phải khẩn trương hoàn thành “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng vắc xin Covid-19 trước ngày 1/6/2022. Nếu dữ liệu tiêm chủng chưa đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, công an địa phương phải rà soát lại những thông tin nào chưa phù hợp, chưa chính xác, cập nhật và chuyển cho trạm y tế xã để cập nhật lên hệ thống tiêm chủng. Trước yêu cầu này, Sở Y tế thành phố tập trung “làm sạch” để cập nhật lên hệ thống quản lý tiêm chủng quốc gia.

    Theo Phó giám đốc Thường trực Sở Y tế Phan Huy Thục, với các trường hợp chưa kịp cập nhật, các cơ sở y tế bổ sung nhân lực tập trung “làm sạch”, cập nhật lên phần mềm. Với các trường hợp sai thông tin, ngành Y tế phối hợp Công an thành phố, chính quyền các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện xác minh thông tin bằng nhiều cách khác nhau.

    Ví dụ trường hợp số chứng minh thư, căn cước công dân không trùng tên, tuổi, địa chỉ trên hệ thống, công an tra cứu dữ liệu để có thông tin chính xác, từ đó tổng hợp gửi về các địa phương để tiến hành xác minh mũi tiêm.

    Đối với các trường hợp không có số điện thoại hoặc chỉ có số điện thoại bàn thì cần thêm tên, số điện thoại người con, người thân, người giám hộ tương tự như đối với trẻ em. Các trường hợp thất lạc sổ sách có thể xem xét việc rà soát theo hộ gia đình xem có trường hợp nào được tiêm nhưng chưa được cập nhật lên phần mềm hay không.

    Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết cách tự tra cứu thông tin tiêm chủng của mình lên phần mềm, nếu phát hiện sai sót hoặc chưa có thông tin phần mềm thì chủ động liên hệ cơ sở tiêm chủng hoặc trạm y tế xã, phường nơi cư trú để chỉnh sửa, bổ sung.

    Từ thực tiễn triển khai việc tiêm chủng và cập nhật dữ liệu tiêm chủng bảo đảm đồng bộ với dữ liệu dân cư, ngành Y tế kiến nghị Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) phối hợp chặt chẽ với Viettel bảo đảm hệ thống phần mềm hoạt động ổn định; Công an các cấp hỗ trợ lực lượng y tế và chính quyền địa phương trong việc cung cấp, xác minh số chứng minh nhân dân, căn cước công dân, mã số định danh cá nhân nhanh chóng, kịp thời bởi hiện một số địa phương vẫn chưa triển khai tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi vì chưa có mã số định danh cá nhân của trẻ...

    VŨ DUYÊN

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông

    Liên kết hữu ích