Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên – Gửi tâm tình qua gốm phù điêu

10:06 25/02/2019

Chiều ngày 22-2, tại Trung tâm triển lãm và mỹ thuật thành phố, Sở Văn hóa – Thể thao thành phố tổ chức triển lãm trưng bày các tác phẩm gốm phù điêu của nghệ nhân Phạm Văn Tuyên (tức Đại đức Thích Chánh Tịnh). Triển lãm là sự kiện văn hóa đánh dấu bước thành công mới của nghệ nhân trong việc phục dựng tinh hoa của nghệ thuật men gốm phù điêu thời nhà Trần, nhà Mạc; khẳng định sự bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật gốm sứ Việt Nam nói chung, gốm phù điêu nói riêng trong dòng chảy văn hóa trải hàng nghìn năm lịch sử…

 Phó chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam và lãnh đạo Sở VH-TT thành phố cắt băng khai mạc triển lãm

Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên quê ở xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy (pháp danh Thích Chánh Tịnh, tu tập ở chùa Đống Phúc, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) vốn là người xuất gia tu học đã nhiều năm. Qua tìm hiểu, nghiên cứu các công trình chùa chiền, đại đức Thích Chánh Tịnh cảm nhận được nhiều nét tinh hoa quý báu trong các họa tiết phù điêu của dân gian, nhưng cũng không khỏi xót xa bởi thời gian và những biến thiên lịch sử đã bào mòn, làm hư hao nhiều giá trị văn hóa ẩn hiện trong các họa tiết đó. Vì vậy, đại đức Thích Chánh Tịnh đã quyết tâm tìm tòi, say sưa nghiên cứu, miệt mài lao động để tái hiện, phục dựng lại những đồ gốm phù điêu, đắp nổi các họa tiết hoa văn trên các bình gốm, bằng màu men Tam Thái, thể hiện sự thâm trầm đặc trưng của gốm sứ thời Lê, thời Mạc, mang phong cách quyền quý của hoa văn thời Lý, thời Trần...

Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên (Thích Chánh Tịnh) thuyết minh các sản phẩm gốm phù điêu tại triển lãm.

Nét độc đáo trong gốm phù điêu của nghệ nhân Phạm Văn Tuyên thể hiện ở chỗ, mỗi sản phẩm bình gốm chỉ sản xuất độc bản, vì thế nó mang phong cách đặc trưng riêng của bàn tay nghệ nhân làm ra, từ khâu chế tác, khắc khuôn âm bản, nặn khắc tinh xảo, công phu, tất cả được làm thủ công qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân. Bình gốm phủ men gio, nung củi, hoàn toàn theo công thức truyền thống thuần Việt từ ngàn xưa cha ông để lại.

 Phó chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam thăm quan triển lãm

Triển lãm gốm phù điêu của nghệ nhân Phạm Văn Tuyên trưng bày 115 tác phẩm mẫu bình gốm được dày công chế tác trong nhiều năm. Giới yêu nghệ thuật gốm sứ bày tỏ sự khâm phục, trầm trồ khi được chiêm ngưỡng các tác phẩm mang dáng vẻ dung dị, mộc mạc nhưng lại vô cùng tinh tế, khoáng đạt. Các họa tiết được thể hiện trên các bình gốm rất phong phú, ngập tràn hương hoa âm sắc của thiên nhiên, của trời đất, qua đó gửi gắm tâm hồn và hoài bão nghệ thuật của nghệ nhân Phạm Văn Tuyên đối với chất liệu gốm phù điêu.

 Bình gốm phù điêu chào mừng 89 năm ngày thành lập Đảng.

Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao thành phố Lê Văn Qúy đánh giá: “Triển lãm gốm phù điêu của nghệ nhân Phạm Văn Tuyên là hoạt động văn hóa thiết thực, giàu ý nghĩa đối với du khách và nhân dân thành phố trong dịp đầu xuân mới, đồng thời triển lãm cũng mang đến một không gian ngập tràn hơi ấm của đất, của lửa, đậm đà bản sắc dân tộc.”

Một tác phẩm gốm phù điêu của nghệ nhân Phạm Văn Tuyên được trưng bày tại triển lãm

Đại đức Thích Chánh Tịnh cho biết: Tôi mang về quê hương Hải Phòng nghề gốm, vốn là một giá trị tinh hoa của dân tộc. Thời gian qua, tôi đã chế tác thành công bộ “Bách Bình” gồm 100 bình gốm có họa tiết khác nhau, thể hiện nét đặc trưng của hoa văn cổ Việt Nam. Tôi vô cùng vinh dự khi thành phố chọn tổ chức Triển lãm lần này như là một hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng CSVN. Hoạt động này là niềm khích lệ lớn đối với tôi, tiếp tục sáng tạo, chế tác gốm phù điêu, sử dụng gốm sứ phù điêu để diễn tả vẻ đẹp của đất và người Hải Phòng, vùng đất hội tụ khí thiêng sông núi từ ngàn xưa”.

Triển lãm mở cửa đến ngày 3-3-2019, thu hút rất đông người đến thăm quan, thưởng lãm

Trầm trồ trước những tác phẩm gốm phù điêu được trưng bày tại triển lãm, ông Ngô Minh Khiêm, Trưởng BQL Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (Hải Phòng) vốn là một họa sỹ mỹ thuật công nghiệp đánh giá: “Mỗi tác phẩm của nghệ nhân Phạm Văn Tuyên là một sự kỳ công, là lời thông điệp được gửi gắm qua cái hồn của đất, của lửa, của nước, qua bàn tay, khối óc tài hoa của nghệ nhân.  Từ năm 2017, Khu tưởng niệm Vương triều Mạc chúng tôi vinh dự được trưng bày đôi đèn gốm men Tam Thái, một trong các tác phẩm đầu tiên phục dựng phong cách gốm sứ thời Mạc của nghệ nhân Phạm Văn Tuyên”.

*

Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên (Thích Chánh Tịnh) từng dày công tạo dựng không gian văn hóa nghệ thuật sắp đặt “Vườn Xưa” tại xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy. Ông cũng là tác giả bộ Văn phòng tứ bảo, nghiên bút mực, ống quyển bằng đá xanh có kích thước lớn tại Khu tưởng niệm Vương Triều Mạc (huyện Kiến Thụy) và 2 khẩu pháo thần công bằng đồng, trưng bày tại chính điện cung vua Mạc. Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên đã được Hội nghệ nhân – thợ giỏi Hải Phòng phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Tháng 10 năm 2018, Trung ương Hội kỷ lục gia Việt Nam, Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao chứng nhận Kỷ lục Việt Nam cho bộ gốm “Bách Bình” được trưng bày triển lãm lần này.

THẾ KHOA

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông