09:49 15/08/2019 So với nhiều địa phương trong cả nước, Hải Phòng không có nhiều làng nghề truyền thống. Mặc dù vậy ngành nghề nông thôn cũng đóng góp một phần rất quan trọng vào các chỉ tiêu phát triển của Thành phố, tạo nhiều việc làm và thu hút nguồn lực lao động tại chỗ. Tuy nhiên gìn giữ và phát triển nghề truyền thống như thế nào, câu hỏi này nhiều năm nay vẫn là điều trăn trở.
Nghề đan mây tre ở Chính Mỹ (Thủy Nguyên)
Phát triển ngành nghề nông thôn là một trong những định hướng quan trọng của Chính phủ, trong đó có các làng nghề. Ở Hải Phòng theo số liệu thống kê, thành phố từng tồn tại hơn 60 làng nghề với 20 loại hình khác nhau, phần lớn là thủ công mỹ nghệ truyền thống, đến nay còn khoảng trên 30 làng nghề đang hoạt động hiện vẫn là kế sinh nhai của nhiều người ở nhiều địa phương như dệt thảm ở Đại Đồng (Kiến Thụy), thêu ở Cộng Hiền (Vĩnh bảo), gốm ở Dưỡng Động (Minh Tân-Thuỷ Nguyên)…
Xét về mặt kinh tế xã hội thì đóng góp của nghề truyền thống đang chiếm một vai trò nhất định, đặc biệt là đối với công nghiệp nông thôn. Cách đây khoảng 10 năm, Hải Phòng đã có chủ trương quy hoạch và phát triển làng nghề, mở hướng cho việc phát triển ngành nghề nông thôn. Tuy nhiên sau một thời gian khởi động, câu chuyện này dường như đã bị quên lãng.
Trong số hơn 30 làng nghề còn dấu vết, Hải Phòng chỉ có 12 làng nghề đủ tiêu chuẩn được công nhận, quá khiêm tốn so với trên 1.500 làng nghề của cả nước. Tuy nhiên, cũng theo số liệu thống kê, hiện ngành nghề nông thôn Hải Phòng đang giải quyết việc làm cho khá đông lao động. Nhiều sản phẩm ngành nghề nông thôn chất lượng tốt có sức cạnh tranh mạnh mẽ không chỉ ở thị trường Hải phòng.
Chẳng hạn như ở xã Đồng Minh (Vĩnh Bảo), nơi nhiều hộ gia đình đang kiếm sống nhờ nghề dệt chiếu, mộc, điêu khắc, làm nhạc cụ, nhưng đáng kể nhất là nghề điêu khắc ở làng nghề Bảo Hà. Ai đến đây cũng có thể được trực tiếp chứng kiến các nghệ nhân chế tác những sản phẩm đã rất nổi tiếng như tượng thờ, hoành phi, câu đối, cuốn thư, đại tự, nhang án, tượng…
Lịch sử nghề điêu khắc Bảo Hà đã có từ lâu đời, theo truyền tích thì thời Hậu Lê có cụ Nguyễn Công Huệ sau khi bị giặc Minh bắt lao dịch đã trở về quê truyền nghề này. Các thế hệ của làng tôn cụ là tổ nghề với đại danh “bách thế sư” nghĩa là người thầy của muôn đời, và chọn năm 1427 là năm phát tổ.
Tại miếu Cả Bảo Hà, nơi có những pho tượng quỳ, đứng lên ngồi xuống độc đáo, hiện còn lưu pho tượng cụ Nguyễn Công Huệ mà tương truyền là do chính tay cụ tự tạc. Người làng Bảo Hà có những nhát đục tài hoa, dù chỉ được truyền dạy bằng “khẩu thủ” nhưng mang đậm tính nghệ thuật.
Nghề đúc cơ khí ở Mỹ Đồng (Thủy Nguyên)
Còn ở Mỹ Đồng (Thủy Nguyên), nơi nghề đúc gang đã tồn tại hơn ba trăm năm, hiện đang là một trong những điển hình của cả nước. Thời kinh tế tập trung, nghề đúc chủ yếu gói gọn trong tổ hợp tác, rồi cơn gió nghiệt ngã của nền kinh tế thời gian đầu vận hành theo cơ chế thị trường đã thổi người thợ Mỹ Đồng lang bạt khắp nơi.
Còn nhớ cách đây vài chục năm người thợ đúc Mỹ Đồng (Thuỷ Nguyên) gồng gánh trên vai đi rao khắp thôn cùng ngõ hẻm đúc đổi thóc cho nông dân với nồi chảo xoong… Nhưng hơn chục năm trở lại đây, đúc Mỹ Đồng hồi sinh, những người thợ xa quê háo hức hồi hương, lập lên nhiều xưởng sản xuất với những sản phẩm tinh xảo như vỏ máy bơm, hộp số, chân vịt tàu… đã theo tàu viễn dương lượn vòng quanh trái đất.
Hàng năm, nguồn vốn đầu tư ở đây lên tới hàng trăm tỷ đồng, năng lực sản xuất đạt hàng trăm tấn sản phẩm/năm, các cơ sở được quy tụ về cụm công nghiệp, hoành tráng vượt cả quy mô của một làng nghề.
Cùng với Mỹ Đồng góp sức làm lên một Thuỷ Nguyên với nhiều cái nhất là nghề vận tải ở An Lư. Nếu xét về quy mô cấp xã thì An Lư có đội tàu vận tải biển lớn nhất nước, với hơn hàng tram chiếc thuộc quản lý của hơn 50 doanh nghiệp tư nhân. Đủ các cấp bậc trọng tải từ vài trăm đến vài ngàn tấn, giải quyết việc làm cho mấy nghìn lao động trong xã với mức thu nhập khá cao.
An Lư có chiến lược phát triển nghề khá hiện đại như việc thành lập hiệp hội vận tải, ngoài đội ngũ con em trong xã có đủ năng lực trúng tuyển vào đại học hàng hải, xã còn tổ chức các lớp tại chỗ cũng do giáo viên của trường này đào tạo. Không chỉ chuyên về vận tải, An Lư còn phát triển cả nghề đóng mới và sửa chữa tàu, với khát vọng vươn ra biển lớn, làng nghề An Lư xứng danh là niềm tự hào của thành phố biển.
Còn nghề mộc ở Kha Lâm (Nam Sơn/Kiến An) cũng là một ví dụ nổi bật cho sự tăng trưởng tích cực, với những sản phẩm gỗ cung cấp chủ yếu cho thị trường thành phố và các địa phương lân cận. Dù là sản xuất tại chỗ, chế tác gia công hay dịch vụ thương mại, thì Kha Lâm vẫn xứng đáng đứng ở vị trí dẫn đầu của Hải Phòng trong phân ngành đồ gỗ nội thất.
Bằng chứng là nhìn bằng mắt thường, trên đoạn đường khoảng 2km đường Trần Nhân Tông, có hàng trăm cửa hàng đồ gỗ nội thất hoành tráng, người mua kẻ bán tấp nập. Chưa kể đi sâu vào trong các ngõ ngách, có rất nhiều nhà xưởng mô hình hộ gia đình hoạt động, hàng ngày lượng phương tiện ra vào vận chuyển không kém phần nhộn nhịp.
Nhưng Bảo Hà, Mỹ Đồng, An Lư, Kha Lâm… mới chỉ là những điểm nhấn ấn tượng trong bức tranh toàn cảnh của làng nghề Hải Phòng. Bởi ở những nơi này, cốt lõi sự tồn sinh là thu nhập của người dân được bảo đảm, tương lai của nghề có thể định hướng phát triển. Trong khi đó những làng nghề còn lại đang đứng trước sự bấp bênh đầy rẫy những khó khăn trong cơn sóng mất còn.
Lê Minh Thắng (Còn nữa)
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão