09:32 28/08/2023 Tại Điều 21, Mục 2, Chương II, Nghị định 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2023, đã đưa ra những quy định cụ thể về “Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong kinh doanh dịch vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm quảng cáo”.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm quảng cáo chỉ được sử dụng dữ liệu cá nhân của khách hàng được thu thập qua hoạt động kinh doanh của mình để kinh doanh dịch vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm quảng cáo khi có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu.
Việc xử lý dữ liệu cá nhân của khách hàng để kinh doanh dịch vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm quảng cáo phải được sự đồng ý của khách hàng, trên cơ sở khách hàng biết rõ nội dung, phương thức, hình thức, tần suất giới thiệu sản phẩm.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm quảng cáo có trách nhiệm chứng minh việc sử dụng dữ liệu cá nhân của khách hàng được giới thiệu sản phẩm đúng với quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Về “Thu thập, chuyển giao, mua, bán trái phép dữ liệu cá nhân”, tại Điều 22 Nghị định này quy định rõ:
Tổ chức, cá nhân có liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân phải áp dụng các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân để ngăn chặn tình trạng thu thập dữ liệu cá nhân trái phép từ hệ thống, trang thiết bị dịch vụ của mình. Việc thiết lập các hệ thống phần mềm, biện pháp kỹ thuật hoặc tổ chức các hoạt động thu thập, chuyển giao, mua, bán dữ liệu cá nhân không có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu là vi phạm pháp luật.
Đáng chú ý, tại Điều 23, Mục 2, Chương II của Nghị định quy định chi tiết về “Thông báo vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân” như sau:
Một là. Trường hợp phát hiện xảy ra vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân thông báo cho Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) chậm nhất 72 giờ sau khi xảy ra hành vi vi phạm theo Mẫu số 03 tại Phụ lục của Nghị định này. Trường hợp thông báo sau 72 giờ thì phải kèm theo lý do thông báo chậm, muộn.
Hai là. Bên Xử lý dữ liệu cá nhân phải thông báo cho Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân một cách nhanh nhất có thể sau khi nhận thấy có sự vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Ba là. Nội dung thông báo vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân:
a) Mô tả tính chất của việc vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân, bao gồm: thời gian, địa điểm, hành vi, tổ chức, cá nhân, các loại dữ liệu cá nhân và số lượng dữ liệu liên quan;
b) Chi tiết liên lạc của nhân viên được giao nhiệm vụ bảo vệ dữ liệu hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân;
c) Mô tả các hậu quả, thiệt hại có thể xảy ra của việc vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân;
d) Mô tả các biện pháp được đưa ra để giải quyết, giảm thiểu tác hại của hành vi vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Bốn là. Trường hợp không thể thông báo đầy đủ các nội dung quy định tại khoản 3 Điều này, việc thông báo có thể được thực hiện theo từng đợt, từng giai đoạn.
Năm là. Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân phải lập Biên bản xác nhận về việc xảy ra hành vi vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân, phối hợp với Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) xử lý hành vi vi phạm.
Sáu là. Tổ chức, cá nhân thông báo cho Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) khi phát hiện các trường hợp sau:
a) Phát hiện hành vi vi phạm pháp luật đối với dữ liệu cá nhân;
b) Dữ liệu cá nhân bị xử lý sai mục đích, không đúng thỏa thuận ban đầu giữa chủ thể dữ liệu và Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân hoặc vi phạm quy định của pháp luật;
c) Không bảo đảm quyền của chủ thể dữ liệu hoặc không được thực hiện đúng;
d) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật. (Còn nữa)
KC