09:58 22/02/2019 Ngày 24-1-2019 vừa qua, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW (NQ45) về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Có thể nói đây là dấu ấn vô cùng quan trọng, mở ra trang mới cho công cuộc phát triển của Hải Phòng, sau lộ trình 15 năm thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX trước đó.
Bộ Chính trị làm việc với Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng về tổng kết Nghị quyết 32-NQ/TW (ảnh- TTXVN)
Trước khi nói về NQ45, cần phải nhắc đến thành quả 15 năm của Hải Phòng kể từ ngày 5-8-2003, khi Bộ Chính trị khóa IX ban hành Nghị quyết 32-NQ/TW (NQ32) “về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Ngay tại thời điểm đó, Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “Hải Phòng nằm ở vị trí trung tâm vùng duyên hải Bắc Bộ… là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc…”. Đồng thời định hướng lớn cho Hải Phòng đến năm 2020 là: “thành phố cảng, công nghiệp hiện đại, đô thị trung tâm cấp quốc gia, cực tăng trưởng của vùng kinh tế động lực phía Bắc, một trong những trung tâm công nghiệp, thương mại lớn của cả nước và trung tâm dịch vụ, du lịch, thủy sản, giáo dục và y tế của vùng duyên hải Bắc Bộ…”
Cách đây 5 năm, trên cơ sở đánh giá tổng kết 10 năm triển khai thực hiện NQ32, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 72-KL/TW về “tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX”. Sự kiện này không chỉ một lần nữa khẳng định vai trò, vị thế của Hải Phòng, mà còn tạo động lực to lớn để Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thành phố, tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành Trung ương và địa phương bạn, đưa Hải Phòng bứt phá hướng tới những mục tiêu cao hơn, phù hợp với xu hướng phát triển tất yếu. Đánh giá về điều này, các Ban bộ ngành Trung ương và nhiều chuyên gia kinh tế có kinh nghiệm đều cho rằng: “Sau thời kỳ hơi chững lại do nhiều yếu tố ngoại cảnh, những năm gần đây Hải Phòng tăng tốc rất ngoạn mục, chứng tỏ thành phố đã mạnh dạn tìm ra hướng đi phù hợp, nhất là trong phát huy nội lực, khai thác hiệu quả tiềm năng…”.
Còn tại buổi làm việc với Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng vào trung tuần tháng 12-2018, đánh giá mang tính chất tổng kết 15 năm triển khai thực hiện NQ32, Bộ Chính trị thống nhất đánh giá: Trong 15 năm qua, nhất là từ khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 72, Hải Phòng đã nỗ lực phấn đấu, phát triển mạnh mẽ hơn, nhanh và bền vững hơn. Trong đó kinh tế Hải Phòng tăng trưởng khá cao, bình quân gấp 1,68 lần mức tăng chung cả nước. Năm 2017, quy mô kinh tế gấp 4,27 lần so với năm 2003; giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt 3.964 USD, gấp 1,54 lần bình quân cả nước; tăng 5,43 lần so với năm 2003… thời điểm Nghị quyết 32-NQ/TW được ban hành.
Diện mạo đô thị Hải Phòng có sự thay đổi mạnh mẽ sau 15 năm thực hiện NQ32
Đáng chú ý, cơ cấu kinh tế của Hải Phòng chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa; mô hình tăng trưởng chuyển mạnh từ chiều rộng sang chiều sâu; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội; chú trọng phát triển tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, liên kết vùng và phát triển kinh tế đối ngoại. Ngành công nghiệp phát triển đột phá với nhiều khu công nghiệp, củng cố vị trí là trung tâm công nghiệp lớn. Hải Phòng khẳng định là thành phố cảng, đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc.
Bộ Chính trị khẳng định, Hải Phòng đã tạo được thế và lực mới cho phát triển nhanh, bền vững và cao hơn so với nhiều địa phương khác; đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, cũng như xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; có được nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng phân tích bối cảnh tình hình, chỉ rõ những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đặt ra đối với thành phố Hải Phòng trong quá trình xây dựng và phát triển. Cho rằng, kinh tế Hải Phòng phát triển chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế. Hải Phòng chưa phát huy rõ nét vai trò là một cực tăng trưởng của tam giác kinh tế Hải Phòng - Hà Nội - Quảng Ninh; liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội còn mờ nhạt. Kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ, một số dự án, công trình ghi trong Nghị quyết số 32-NQ/TW nhưng đến nay chưa triển khai hoặc đã triển khai nhưng tiến độ còn chậm. Quy hoạch và quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển của thành phố…
Kết luận tại buổi làm việc này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Hải Phòng là một trong những thành phố có vị trí hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng và đối ngoại. Thực tế cho thấy, việc thực hiện Nghị quyết 32 đã tạo cú hích quan trọng cho sự phát triển của thành phố, những chỉ tiêu cụ thể đều cơ bản đạt được, tuy mức độ cao, thấp khác nhau. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Hải Phòng cần tiếp tục phát huy truyền thống trung dũng, kiên cường trong kháng chiến, thành phố hoa phượng đỏ đi đầu trong đổi mới, phải nắm bắt được nhu cầu mới, khả năng tiềm lực mới để phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước hoan nghênh Hải Phòng đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể trong giai đoạn mới, đồng thời chỉ đạo: “đã đề ra thì phải phấn đấu làm cho bằng được”, phải có quyết tâm cao, đồng thuận; có cơ sở hạ tầng hoàn thiện, cơ chế chính sách thông thoáng thì sẽ làm được, mặt yếu thì đầu tư, mặt mạnh thì khuyến khích phát huy... Những nội dung trên đây chính là tiền đề cơ sở, để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW, một Nghị quyết chuyên đề mới có tính kết nối đột phá tiếp theo NQ32, tạo đường băng để Hải Phòng cất cánh vào tương lai tươi sáng hơn.
(còn nữa)
Lê Minh Thắng