“Ngôi nhà yêu thương”: Thương yêu dành cho tất cả mọi người…

10:24 12/05/2018

Tọa lạc trong một con ngõ nhỏ trên đường Lạch Tray, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, có một ngôi nhà là nơi nương tựa của những người vô gia cư, các em nhỏ mồ côi, các bạn sinh viên nghèo. Mặc dù chỉ mới khánh thành và đưa vào hoạt động chưa đầy một tháng nhưng “Ngôi nhà yêu thương” ấy lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười, chứa chan niềm hạnh phúc của những mảnh đời bất hạnh.

Những bữa cơm ấm áp tình người

Nơi nương tựa của những mảnh đời bất hạnh

Chiều cuối tuần đầu tháng 5, chúng tôi có dịp đến thăm “đại gia đình” đang sinh sống tại “Ngôi nhà yêu thương”. Gọi đó là “đại gia đình” bởi ở đây những người xa lạ bỗng trở nên thân thiết, họ coi nhau như trong một nhà, cùng tâm giao, tâm sự và sẻ chia niềm vui trong cuộc sống.

Vừa thấy chúng tôi ở đầu ngõ, cô Đặng Thị Minh Thảo (Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Hoàng Vũ) – “Mạnh thường quân” đã cùng gia đình đứng lên xây dựng ngôi nhà để đón những mảnh đời khó khăn về đây chăm sóc nở nụ cười tươi rói: “Trời nắng nóng thế này đi có mệt không các cháu? Vào đây ngồi uống cốc nước, trò chuyện với các cụ, rồi lát nữa cô dẫn các cháu đi thăm ngôi nhà”.

Vừa nhâm nhi cốc nước, cô Thảo vừa chia sẻ cho chúng tôi về hoàn cảnh của những thành viên trong ngôi nhà mới. Giọng cô run run, không giấu nổi cảm xúc: “Ngôi nhà mới đón được 9 cụ về sinh sống cùng một bạn sinh viên năm cuối trường Đại học Y Dược Hải Phòng.

Hầu hết các cụ ở đây đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải đi thuê nhà hoặc ngủ tạm ở các bến xe khách, bến ga hay gầm cầu. Ngày đi tìm, xác minh lý lịch và đưa các cụ về đây, ai cũng mừng như trút đi được gánh nặng mà bấy lâu nay cứ đè nén trong lòng”.

Cô Thảo cũng cho biết thêm, ròng rã suốt 3 tháng trời, từ khi ngôi nhà được hoàn thiện, cô cùng các bạn tình nguyện viên, các nhà hảo tâm phải lặn lội đi tìm các hoàn cảnh khó khăn. Khi tìm được các cụ, ban quản lý ngôi nhà lập tức đi xác minh hoàn cảnh của các cụ rồi mới chính thức đưa các cụ về chăm sóc. “Ngay sau khi tìm và đưa các cụ về đây, ban quản lý đã liên hệ với các nhà hảo tâm, bệnh viện để tổ chức thăm khám sức khỏe cho các cụ.

Mọi chi phí khám xét đều hoàn toàn được miễn phí. Có cụ đưa về vẫn khỏe mạnh, nhưng có cụ thì đau ốm liên miên. Để đảm bảo sức khỏe cho các cụ, ban quản lý ngôi nhà lại tiếp tục đưa các cụ đến bệnh viện điều trị”, cô Thảo chia sẻ.

Các nhà hảo tâm, tình nguyện viên thường xuyên đến thăm hỏi sức khỏe của các cụ nơi đây

Qua câu chuyện của cô Thảo, chúng tôi hiểu rằng, mỗi người đến với ngôi nhà yêu thương đều có một số phận, một câu chuyện về cuộc đời khác nhau, những góc khuất tủi hờn dường như vẫn còn hằn lên những nếp nhăn trên khuôn mặt của mỗi người.

Nhưng qua rồi những quá khứ chẳng ai còn muốn nhắc lại, ở ngôi nhà yêu thương, các cụ được chăm sóc, quan tâm một cách tận tình. Hơn thế nữa giữa các cụ và các tình nguyện viên dường như không có ranh giới, ở họ chỉ có yêu thương dành cho tất cả mọi người.

Cụ bà Phạm Thị Gái (tức bà Phương, sinh sống tại ngõ 229 Hàng Kênh, Lê Chân) năm nay đã 91 tuổi. Ở độ tuổi xưa nay hiếm, đáng ra phải được hưởng một cuộc sống an nhàn bên con cháu, vậy mà đến giờ cụ vẫn không có cho mình một ngôi nhà để sinh hoạt.

Dù vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn, nhưng chẳng ai biết rằng cuộc sống của cụ trước khi được ngôi nhà yêu thương đón về lại vất vả và lắm gian truân.

Cụ Gái tâm sự, cụ sinh ra trong một gia đình có đông anh em nhưng tất cả đều bỏ cụ ở lại mà ra đi hết. Một mình cụ phải lo bươn chải, ốm đau bệnh tật phải bán hết nhà cửa để chữa trị. Đến khi khỏi bệnh thì cụ không còn đủ sức mua cho mình một căn nhà mới để ở.

Từ ngày được đón về đây, cụ được các cô, các cháu tình nguyện viên chăm sóc; được ăn uống, tập thể dục điều độ nên cảm thấy khỏe ra rất nhiều. “Được ở đây là bà yên tâm rồi, giờ nắng không đến mặt, mưa chẳng đến đầu, lại có người bầu bạn, tâm sự mỗi ngày bà vui lắm”, cụ Phạm Thị Gái tâm sự.

Không được may mắn như cụ Gái, cụ Quang (87 tuổi) được ban quản lý ngôi nhà tìm và đưa về trong tình trạng toàn thân lở loét do vết cắn của côn trùng, bản thân cụ không thể đứng dậy đi lại được. Thế nhưng chỉ sau 5 ngày được các tình nguyện viên của ngôi nhà chăm sóc, sức khỏe cụ Quang đã dần ổn định. Giờ đây, cụ Quang đã có thể tự ăn, tự ngồi mà không cần ai giữ, cụ cũng có thể chống gậy đi lại được. Các vết lở loét trên người cũng đã se lại và dần lành da.

Ngôi nhà chan chứa “tình người”

“Ngôi nhà yêu thương” được xây dựng trên diện tích rộng 200 m2, gồm 3 tầng, đủ chỗ ở cho khoảng 50 người. Theo chia sẻ của cô Thảo, tầng 1 là nơi dành cho các cụ già vô gia cư, neo đơn, gồm 2 phòng riêng cho cụ ông, cụ bà, mỗi phòng có 8 giường đơn. Tầng 2 là nơi dành cho các bạn sinh viên nữ có hoàn cảnh khó khăn, các bé gái mồ côi.

Còn tầng 3 dành cho sinh viên nam có hoàn cảnh khó khăn và các bé nam mồ côi. Tất cả các phòng đều được trang bị đầy đủ các vật dụng phục vụ cho sinh hoạt bao gồm gối, chăn, tủ đồ cá nhân, điều hoà nhiệt độ, ti vi và có khu vệ sinh riêng biệt. Khu nhà bếp được bố trí ở giữa phù hợp cho việc sinh hoạt chung của cả 3 tầng.

Các phòng được thiết kế hiện đại, có đầy đủ vật dụng như chăn, gối, điều hòa, tivi,…

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm ngôi nhà, cô Thảo vừa kể, cô có may mắn được tham gia nhiều chuyến thiện nguyện, mỗi chuyến đi là một lần cô phải chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh không gia đình, không nơi nương tựa.

Trở về sau những chuyến thiện nguyện đó, xót xa trước những hoàn cảnh không may mắn đó, cô nuôi hy vọng có thể xây một ngôi nhà tình thương để chia sẻ phần nào khó khăn cho những cảnh đời đó nhưng khi đó điều kiện không cho phép.

“Một năm về trước, khi chia sẻ suy nghĩ của mình, cô được gia đình và các nhà hảo tâm ủng hộ và tâm niệm của cô cũng bắt đầu được thực hiện. Ngôi nhà sẽ luôn mở rộng cánh cửa chào đón những cụ già, trẻ em mồ côi, sinh viên nghèo.

Đặc biệt, với trẻ mồ côi, các em sẽ được nuôi ăn học cho đến khi tự lập. Các cụ già thì ở lại đến lúc mất, ban quản lý ngôi nhà sẽ đứng ra lo hậu sự cho các cụ. Mọi chi phí sẽ do ban quản lý ngôi nhà chi trả và kêu gọi thêm sự ủng hộ từ phía các nhà hảo tâm”, cô Thảo tâm sự.

Đến với ngôi nhà yêu thương, mọi người sẽ tìm thấy sự đồng cảm, sẻ chia giữa các thành viên trong ngôi nhà

Từ khi ngôi nhà được đưa vào sử dụng, có rất nhiều nhà hảo tâm đã đến chung tay cùng ban quản lý để hoàn thiện cơ sở vật chất cho ngôi nhà. Toàn bộ trang thiết bị phục vụ cho ngôi nhà đều được sớm mới hoàn toàn.

Chỉ tay vào chiếc điều hòa còn mới nguyên, cô Thảo vui mừng cho biết: “Có một nhà hảo tâm đã ủng hộ cho ngôi nhà toàn bộ trang thiết bị gồm điều hòa, quạt điện, bộ bàn ghế phòng ăn,… với trị giá lên tới 100 triệu đồng.

Ngôi nhà yêu thương giờ đây không chỉ là ngôi nhà, là mái ấm dành cho các cụ già có số phận có may mắn, là nơi đi về của các em nhỏ mồ côi, các bạn sinh viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn nữa. Mà giờ đây, ngôi nhà còn là mái nhà chung của tất cả mọi người, những nhà hảo tâm, những câu lạc bộ, của những người con trong và ngoài nước…”.

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng việc chăm sóc và san sẻ khó khăn là điều mà các thành viên trong ngôi nhà yêu thương đã làm được đối với những mảnh đời còn thiếu may mắn. Giờ đây, cuộc sống của những mảnh đời bất hạnh sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn bởi họ được sống trong một tập thể luôn tràn đầy tình yêu thương.

Hải Ngân

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích