Người 35 năm làm nghề tắm cốt

20:55 19/03/2011

Với 58 tuổi đời nhưng có tới 35 năm ông làm nghề tắm xác cho người chết (hay còn gọi là bốc mộ). Trong gia đình không chỉ một mình ông hành nghề mà cả vợ và 3 con trai ông đều thành thạo công việc này. Đó là gia đình ông Nguyễn Nếm, ở phường Đằng Lâm, quận Hải An...
Với 58 tuổi đời nhưng có tới 35 năm ông làm nghề tắm xác cho người chết (hay còn gọi là bốc mộ). Trong gia đình không chỉ một mình ông hành nghề mà cả vợ và 3 con trai ông đều thành thạo công việc này. Đó là gia đình ông Nguyễn Nếm, ở phường Đằng Lâm, quận Hải An...

Cảnh bốc mộ lúc nửa đêm
Cảnh bốc mộ lúc nửa đêm

Từ “tắm” của nhà… tới làm nghề

Theo trí nhớ của ông Nếm, vào cuối năm 1975, gia đình có dự định bốc mộ cho cụ thân sinh. Nhưng đến sát ngày bốc rồi mà trời rét “cắt da, cắt thịt”, gia đình ông đi khắp nơi thuê người bốc mộ nhưng không ai đứng ra làm giúp. Tìm mãi không nhờ được người giúp, ông Nếm quyết định sẽ trực tiếp “tắm” cho cụ thân sinh, không cần phải thuê người. Ông cho biết lần đầu làm việc này thấy cũng ngại, cũng run, nhưng do bốc cho người thân nên cũng đỡ sợ hơn.

Để chuẩn bị, ông đích thân đến nhà các “tiền bối” làm nghề này trong làng để học hỏi. Tuy bốc lần đầu nhưng với những gì học được, ông tỏ ra khá thành thục, “tắm” sạch sẽ, xương được xếp đâu vào đấy. Từ sau lần đó, nhiều người tìm đến nhờ ông giúp, lúc đầu là anh em, sau đến là dân làng. Những lúc ấy, ông chỉ nghĩ giúp dân làng làm vài lần rồi cũng bỏ, nhưng “nhặt” nhiều cũng thấy quen tay, không thấy ngại. Và cứ thế, ông làm nghề từ dạo ấy cho tới nay.

Ông Nếm cho biết, nghề “tắm xác” gần như là độc nhất vô nhị trên cõi trần gian, lúc mà mọi người lăn ra ngủ thì mình đi làm, đến khi mọi người thức giấc, đi làm thì mình lại về ngủ. Công việc bốc mộ chỉ diễn ra vào khoảng từ cuối tháng 9 đến hết tháng 11 âm lịch, diễn ra từ 12 giờ đêm đến 6 giờ sáng, khi mặt trời mọc thì cũng là lúc công việc phải hoàn thành. Tuy nhiên, cũng có gia đình sang tháng Chạp vẫn nhờ ông bốc giúp và có năm 28 tết vẫn có người đến nhờ bốc mộ. Mặc dù sắp tết nhưng ông vẫn nhận lời giúp, vừa là làm phúc mà cũng là có thêm chút tiền để tết “vui xuân”.

Dụng cụ cho việc “tắm xác” của ông chỉ bao gồm có dây thừng, mấy chiếc đòn, vài ba chiếc rổ. Ông cho biết: “Từ ngày làm nghề cho đến nay tôi chưa khi nào sử dụng găng tay để làm việc này. Có gia đình nhờ bốc mộ giúp có chuẩn bị đầy đủ ủng cao su, bao tay, khẩu trang… nhưng tôi bảo mấy thứ đó chỉ tổ vướng, dùng tay không chuẩn hơn. Vào dịp cuối năm, trung bình mỗi tháng tôi làm khoảng trên 50 mộ, có nhà tin tưởng nhờ tôi bốc 3, 4 mộ người thân. Như hôm vừa rồi, tôi nhận 6 mộ, 4 ở nghĩa trang Đằng Lâm, 2 ở nghĩa trang Tràng Cát, không có mộ nào trùng giờ nên tôi nhận làm hết. Chỉ khoảng hơn 1 giờ đồng hồ là tôi làm xong 1 mộ”. Sau mỗi vụ ông Nếm “đút túi” được từ 500.000 đến 700.000 đồng.

Ông Nếm cho biết, muốn làm nhanh thì cũng cần phải có kinh nghiệm; khi mà tấm ván thiên được mở ra là nhảy xuống mò từ cuối ván mò lên. Vì thật ra, các khúc xương đều nằm hết trong bít tất và quần áo, cứ lần theo mò từ dưới lên, vừa nhanh mà lại không bị sót. Các đốt xương cổ và đầu tuy ở bên ngoài nhưng chỉ cần khéo một chút là nhấc được hết. Sau đó cho vào chậu rửa bằng nước sạch, rồi rửa lại bằng nước thơm và cho vào tiểu sành.

Ông còn cho biết, xếp xương vào tiểu cũng phải có bí quyết, nếu không biết cách xương sẽ nhô lên, không đậy được nắp tiểu, hoặc xếp sai có khi bị gia chủ phản ứng. Cách xếp của ông, và cũng là cách theo dân gian truyền nhau, là xếp xương theo hình bào thai trong bụng. Cầm các mẩm xương trên tay ông có thể phân biệt chính xác đâu là xương bên phải, xương bên trái…
35 năm làm nghề ông Nếm không thể nhớ hết tự tay mình đã bốc bao nhiêu mộ, chỉ nhớ là mình đã “hành nghề” ở hầu hết các huyện của thành phố Hải Phòng. Thậm chí có những chuyến bốc ở tận Hà Nội, Quảng Ninh, họ đều về nhờ ông giúp.

Cả nhà cùng làm nghề

Gia đình ông Nếm có 3 người con trai thì 3 con ông đều “biết” nghề cả. Trước đây các nghĩa trang chưa có đội quản trang, ông nhận “trọn gói” từ đào đất, bốc xương… “Cứ chiều đến là 4 bố con vác mai, kéo ra đào, khi nào cách ván thiên khoảng 10 cm thì để lại, đêm được giờ đào tiếp và đưa xác lên. Nhưng bây giờ có đội quản trang họ đào, bố con tôi chỉ nhận phần bốc xương” - ông Nếm tâm sự.

Người con trai cả của ông Nếm là anh Chiến cho biết: Khoảng 13, 14 tuổi anh đã quanh quẩn ở các nghĩa trang phụ giúp bố mẹ làm các công việc đơn giản như cầm cuốc, mai, kéo… rồi dần dần cũng rửa xương - làm rồi cũng thấy quen, không thấy sợ. Anh còn cho biết đã theo bố làm nghề này được gần 20 năm. Ngoài anh Chiến, 2 người con còn lại của ông Nếm cũng đều thuần thục công việc này. Có những hôm nhận nhiều vụ, không làm xuể ông Nếm phải chia cho các con làm cùng để kịp giờ cho gia chủ.

Người giúp 4 bố con ông Nếm gắn bó và “say” với nghề bốc mộ chắc phải kể tới bà Giang - vợ ông Nếm. Trước đây, bà Giang vẫn thường xuyên tham gia vào công việc “tắm cốt” nhưng từ khi các con lớn “biết làm” thì bà ít khi tham gia. Bà thường ở nhà chuẩn bị cho mấy bố con nồi cháo ăn đêm, chuẩn bị lá nấu nồi nước thơm để mấy bố con tắm rửa sau khi hành nghề. Có lẽ vì sự chu đáo của bà Giang mà bố con ông Nếm chưa tính tới chuyện “nghỉ ngơi”, giải nghệ. Ông nói: “Khi nào còn người gọi thì tôi còn làm, mình làm nghề này “lấy công làm phúc” nên bao giờ không làm được nữa mới thôi”.


THUỲ DƯƠNG


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông