16:26 18/03/2017
Liệu pháp "thiến" hóa học có thể gây ra một số tác dụng phụ, điển hình là suy giảm năng lực lao động sáng tạo - một chuyên gia y học cho biết. Trước các vụ xâm hại tình dục trẻ em đang gây phẫn nộ dư luận, ngày 14/3, tại một cuộc tọa đàm về xâm hại tình dục trẻ em đã có luật sư đã đưa ra biện pháp "thiến" hóa học với tội phạm ấu dâm. Về mặt khoa học, đây là cách tiêm chất kháng hormone testosterone khiến hàm lượng này trong cơ thể giảm xuống mức trước tuổi dậy thì nên sẽ làm giảm tới mức thấp nhất những nhu cầu về tình dục. Nói cách khác, người bị "thiến" hóa học sẽ không có cảm giác ham muốn tình dục nữa. Mặc dù luật “thiến” hóa học này được nghiên cứu và thông qua tại nhiều quốc gia nhưng cũng có nhiều luồng ý kiến phản đối về hình phạt này. Đồng thời, các nhóm hoạt động nhân quyền, bao gồm Tổ chức ân xá Quốc tế đã gọi hình phạt “thiến” là vi phạm nghiêm trọng Công ước Nhân quyền Liên hợp quốc. Hiện tại, luật pháp Việt Nam chưa áp dụng, tuy nhiên, nếu "thiến" hóa học được áp dụng như một hình phạt thì vấn đề quan trọng là cách làm này có thực sự xóa bỏ hoàn toàn dục vọng xâm hại tình dục hay không và người bị tiêm sẽ phải chịu những tác hại gì đối với sức khỏe?
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, bác sĩ Lê Thị Kim Dung (Trung tâm Y khoa Thái Hà, Hà Nội) phân tích: Nếu sử dụng chất kháng hormone để ức chế ham muốn tình dục thì không phải lúc nào cũng có thể giải quyết được. Để giảm ham muốn tình dục của một người không hề đơn giản, vì còn phụ thuộc vào trí óc và các vấn đề khác. Thực chất, để giảm ham muốn của con người còn phụ thuộc nhiều chức năng và liệu pháp "thiến" hóa học bằng cách tiêm chất kháng hormone không thể xóa bỏ hoàn toàn ham muốn dục vọng trong một con người. Việc này cũng có thể gây ra những ức chế ảnh hưởng tâm lý đối với người bị tiêm. Bà nói: "Thứ nhất, nếu hóa chất có thể hủy hết ham muốn thì đồng nghĩa cũng có thể tiêu hủy rất nhiều chức năng khác của con người. Thứ hai, thuốc có thể hủy khả năng quan hệ tình dục nhưng nếu diệt hoàn toàn vấn đề ham muốn thì không phải đơn giản. Testosterone là một nội tiết tố gây ham muốn nhưng thực chất ham muốn tình dục không chỉ phụ thuộc vào testosterone. Ham muốn tình dục phụ thuộc vào bộ não chứ không chỉ riêng testosterone nên các hành vi xâm hại tình dục không chỉ là hành vi quan hệ tình dục mà còn các hành vi khác như thích sờ soạng, nhìn ngắm người khác làm điều đó…" Giảm năng lực sáng tạo Với góc độ liệu pháp "thiến" hóa học có thể giảm tối đa sự ham muốn tình dục, bà Dung cho biết, khi đột nhiên hàm lượng testosterone trong một người bị giảm đáng kể thì có thể dẫn đến một số tác dụng phụ cho cơ thể. Tuy không nhiều tác hại nhưng khả năng sinh lý, khả năng lao động sáng tạo của người đó sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. "Thường thì những người có hàm lượng hormone testosterone khá cao thì khả năng lãnh đạo và sáng tạo của họ cũng rất cao. Giờ cho họ uống thuốc vào để giảm khả năng tình dục, giảm hưng phấn đi thì cũng có thể kéo theo một loạt chức năng khác bị giảm sút, cụ thể là các giảm sút như trên".
Đồng thời, bác sĩ này đánh giá biện pháp "thiến" hóa học cũng chưa phổ biến và quan trọng là muốn xem xét một người tại sao lại không kiềm chế được ham muốn dục vọng thì phải tìm hiểu rất nhiều vấn đề, vì những người có những hành vi lệch lạc chuẩn mực xã hội này thường mắc bệnh lý về gene hoặc do tâm thần. "Phải đưa họ đi khám xem họ có vấn đề về bệnh lý hay tâm thần không, có bị rối loạn nhiễm sắc thể hay không. Vì những người bị rối loạn nhiễm sắc thể thì bản thân họ có vấn đề về di truyền và gene khiến họ không thể điều khiển được hành vi. Cách xử lý đúng đắn nhất là đưa họ đi khám xem họ có vấn để tâm thần hay là vấn đề về gene. Nếu là tâm thần thì phải chữa theo hướng trị liệu tâm thần. Còn những người bị rối loạn về gene thì đến nay vẫn chưa thể can thiệp xử lý được, nhưng nếu như vậy thì vẫn sẽ phải cách ly họ". Vấn đề phải nghiên cứu là tại sao họ lại như vậy, trong khi họ biết là mình làm trái những chuẩn mực của loài người, phải tìm ra nguyên nhân bệnh lý hay tâm thần để đưa ra cách xử lý thích hợp" – bà Dung nhấn mạnh. Theo một số chuyên gia trên thế giới phân tích, loại thuốc dùng cho việc "thiến" hóa học chỉ có hiệu quả trong vòng 3 tháng và chi phí rất tốn kém. Vì thế, việc tiêm thuốc đều đặn 3 tháng/lần cho tội phạm ấu dâm sau khi họ được phóng thích là rất khó khăn. Ngoài ra, biện pháp này sẽ mất tác dụng nếu những đối tượng sau đó bí mật tiêm lại hormone nam vào cơ thể. Đồng thời, biện pháp này còn gây ra vô số tác dụng phụ khác như tăng nguy cơ bệnh tim, giảm khối lượng cơ, loãng xương và các vấn đề về hành vi, nam giới dễ có xu hướng nữ tính hóa. Lời xin lỗi muộn 55 năm Tháng 9-2009, Thủ tướng Anh đã thay mặt chính phủ nước này công khai nhận sai và xin lỗi một công dân nước này là Alan Mathison Turing (nhà toán học, người được coi là cha đẻ của ngành khoa học máy tính). Năm 1952, sau khi Turing tự thú có quan hệ đồng tính, ông bị kết án về tội có những hành vi khiếm nhã nặng nề và chấp nhận “thiến hóa học” thay vì ngồi tù, song vì những tác dụng phụ của hóa chất này cùng ức chế về tâm lý, ông đã tự sát bằng xyanua vào năm 1954. Theo Nông Thuyết (Gia Đình & Xã Hội) |
22:29 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão