21:35 11/08/2014
Người Hải Phòng và giới chơi đồ cổ cả nước ai cũng biết ở Hải Phòng có hai nhà sưu tầm đồ cổ khá nổi tiếng. Đó là ông Hải Đồ cổ và bạn tôi - Hiếu đồ cổ. Những chuyện li kì, bí hiểm về lĩnh vực này thì khỏi phải bàn: phải có một trí tưởng tượng phong phú, quái kiệt, phiêu lưu, say mê tìm tòi ghê lắm may ra mới hiểu lĩnh vực này. Tôi có một kỉ niệm vui với Phạm Xuân Hiếu: Năm 2009, tôi viết kịch bản phim “Cổ vật” (20 tập), đạo diễn Bùi Huy Thuần dàn dựng đã phát trên VTV1, phim xem được, có người khen. Nhưng khi gặp Phạm Xuân Hiếu, anh chê tôi hết lời: Ông chả hiểu gì về đồ cổ cả, những hiện vật nham nhở được trưng lên phim mà dám nói là đồ cổ đời Minh, đời Lý, liều đến thế là cùng. Cả tay đạo diễn phim cũng chả biết quái gì về đồ cổ! Tôi cười nhận ngay: “Vì “cổ vật” chỉ là cái cớ để tôi bịa phim Cổ vật khi về thăm làng Chu Đậu ở Hải Dương chứ tôi có chơi đồ cổ bao giờ mà biết”. Từ đó tôi thích Phạm Xuân Hiếu, chơi với anh, thấy ở anh nhiều chuyện lạ. Anh có lắm tài đặc biệt như chỉ với một chiếc nhẫn vẫn đeo trên tay, buộc chỉ vào đung đưa qua lại trên chiếc bát, chiếc đĩa, chiếc bình cổ mà anh xác định chính xác niên đại của chiếc bát, chiếc đĩa, chiếc bình đó thuộc thời nào. Có lúc anh có thể để chiếc cốc, đĩa, chiếc thìa dính trên trán vài phút. Anh có trực giác mạnh mẽ, đặc biệt tiên đoán khá đúng những điều trong tương lai, những chuyện có thể xảy ra trước vài ba tháng, những nhóm tìm vàng đã từng mời anh lên chỉ cho họ hướng tìm đào kho báu ở sâu trong lòng đất. Chuyện về Phạm Xuân Hiếu rất nhiều, nếu có dịp đến nhà anh chơi, ăn với anh bữa cơm, tỉ mẩn xem những đồ cổ, những bức tranh giá trị anh sưu tầm được ta sẽ thấy anh thật giàu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Tiền thì khỏi phải bàn, nhưng sự hiểu biết của anh về đám cổ vật kia, nghe anh dẫn giải từng món cổ vật làm ta thích thú và đó cũng là lý do cho ta có một cây bút viết truyện ngắn trẻ trung, đặc biệt khá ấn tượng - nhà văn Phạm Xuân Hiếu hôm nay. Tôi nhớ cách đây 4-5 năm, hồi anh quyết định kể lại các câu chuyện của mình bằng thể loại truyện ngắn, có lẽ là lí do bạn bè xui bẩy, thúc ép, thách đố. Biết bao chuyện hay của những người chơi đồ cổ chúng mình mà không có ai viết ra, kể cho mọi người biết nó đặc biệt, ly kỳ, hấp dẫn nhưng cũng rất nhân văn như thế nào. Chứ cứ để người ta nêu người chơi mua bán đồ cổ là lừa đảo, lọc lừa, là mua thần bán thánh, yểm bùa, luyện ngải gì đó thì thật buồn. Và Phạm Xuân Hiếu đã kể những câu chuyện về giới đồ cổ một cách giản dị, chân thành, thấm đẫm tình người trong tập truyện ngắn đầu tay dày dặn của anh “Người đàn bà và chiếc chén bạc” (NXB Hội nhà văn in năm 2011) với 18 truyện ngắn, trong đó 2/3 đã đăng ở các tờ: Báo văn nghệ công an và báo Văn nghệ, Tạp chí Cửa biển và một số tạp chí địa phương khác. 18 truyện ngắn lạ, ấn tượng được viết bằng lối văn giản dị, mộc mạc. Anh kể lại những câu chuyện trong giới đồ cổ chân thực, không hư cấu, màu mè. Truyện ngắn của anh vì thế hấp dẫn, làm người đọc hồi hộp, say mê, ai cũng muốn biết kết quả câu chuyện thế nào, như truyện ngắn “Người đàn bà và chiếc chén bạc” của anh. Từ chiếc chén bạc cổ một lần rót nước vào lại hiện ra hình ảnh cô lái đò xinh đẹp, bộ chén quý giá vậy mà bỗng nhiên mất một chiếc quý nhất. Từ chuyện mất chén bạc, đến chuyện người lấy cắp chén bạc và những lí do tình cảm xa xưa, bí hiểm làm vợ chồng anh bất hoà. Đến lúc nghe chồng kể lại chuyện xưa, người vợ được gặp tình địch, nghe cô ta giãi bày, người đọc mới hiểu ngọn nguồn về chiếc chén bạc. Một tình yêu xưa giữa cô gái nhiều tham vọng với chàng trai đi bộ đội trở về, vì bộ chén quý đầy bụi bám chàng trai mua ở ven đường của một bà ve chai mà quên mất người yêu nên cô đã bỏ đi và quyết định xa anh từ ngày ấy. Sau bao năm lặn lội thương trường, giờ gặp lại anh đã trở thành đại gia giàu có, cô đến thăm, nghe anh kể lại kỉ niệm bộ chén bạc quý giá ấy, nỗi tiếc nuối đã khiến cô quyết định lấy cắp chiếc chén bạc của anh để buộc anh phải gặp lại cô, nghe những lời hối hận muộn màng của mình. Một câu chuyện buồn, xúc động về tình người, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Các truyện ngắn: Lão Sìu và khỉ con, Người mẫu bí ẩn, Đồng tiền cổ, Chiếc hàng cổ đều có dáng dấp những câu chuyện cổ, hư ảo nhưng lại rất hiện thực gần gũi với cuộc sống. Truyện “Phận bèo” anh viết về đời một cô gái hầu thật cảm động. Chỉ tiếc cái kết hơi hẫng hụt… Thành công của tập truyện ngắn đầu tay của Phạm Xuân Hiếu ngoài tưởng tượng của nhiều người. Rất nhiều bạn văn chương ở Hải Phòng nghĩ là anh viết chơi chơi cho vui hoặc rảnh rỗi quá thì thử bút xem sao. Nhưng tôi biết khi cầm bút, Phạm Xuân Hiếu thật nghiêm cẩn, thành tâm, cao độ hệt như việc tìm tòi, đánh giá các đồ cổ quý báu của anh. Những tờ báo văn nghệ ở trung ương không nhầm khi đăng các truyện ngắn của anh. Đó là một điều đặc biệt. Nhưng cũng còn nhiều nhà văn Hải Phòng vẫn không tin anh viết được tập truyện ngắn thứ hai. Họ bảo “Chắc chỉ đến thế, còn gì nữa mà viết” hay “tay ấy chỉ cần ra một tập truyện ngắn cho oai với bạn bè gói đồ cổ thôi chứ văn chương tay ấy thiết gì, nhuận bút không bằng một món đồ vặt trong nhà tay ấy. Họ đã nhầm, vì hôm nay Phạm Xuân Hiếu xuất bản tập truyện ngắn thứ 2 “Cây đèn gia bảo” với 14 truyện ngắn dày dặn không kém và những truyện ngắn ở tập thứ 2 này hay hơn, hấp dẫn hơn. Với lời văn xúc tích, trong sáng, lối dẫn chuyện già dặn với nhiều chi tiết đắt giá. Các truyện ngắn được xây dựng chặt chẽ về cốt truyện, mở và kết chọn lọc, gây được ấn tượng với người đọc. Truyện ngắn “Chiếc đèn gia bảo” là một tác phẩm hay, lạ, có nhiều tìm tòi, xây dựng khá công phu. Câu chuyện một chàng trai đi tìm mua chiếc đèn gia bảo của dòng họ mình thất lạc, được Phạm Xuân Hiếu tưởng tượng khá phong phú như mối tình của công nương Media và chàng nghệ nhân da đen gắn với việc chàng tạo ra chiếc đèn nghệ thuật bằng đôi tay tài hoa với cả tâm hồn mình nên tạo ra chiếc đèn đã trở thành kiệt tác, mang tâm hồn của chàng nghệ nhân trong đó. Một thông điệp nhân văn về cái đẹp rất ý nghĩa của Phạm Xuân Hiếu. Các truyện Bản di chúc số 3, Đồng đôla cổ, Vũ nặn tò he thể hiện vốn sống phong phú, sự từng trải của Phạm Xuân Hiếu. Anh đã vượt ra khỏi thế giới cổ vật của mình để có những truyện ngắn hay như Bản di chúc số 3 hay Tiếng hát mảnh đời. Đọc tập “Chiếc đèn gia bảo”, tôi mừng và trân trọng anh hơn vì anh thật nghiêm túc, chịu học. chịu viết, chịu đi đây đó để có thêm tư liệu viết. Lần đi Côn Đảo về, anh đã có một bài ký rất hay về những người lính cộng hoà giữ cho Côn Đảo yên bình, yên ổn thế nào để trao trả cho quân giải phóng. Một điều nữa tôi muốn nói về Phạm Xuân Hiếu đó là sự khiêm tốn, nhún nhường của anh trong giới văn chương. Với một người có điều kiện kinh tế, vật chất thuận lợi như anh mà đến với văn chương thì thật đáng quý. Vì thế anh được bạn bè quý mến, anh được mời đi chơi đây đó có lẽ phải chiếm đến 2/3 thời gian của năm. Đấy là điều hạnh phúc ít người có. Tôi tin rằng Phạm Xuân Hiếu sẽ có cuốn tiểu thuyết hay về cổ vật và sẽ có 1-2 kịch bản phim 1 tập hay, dựa theo truyện ngắn của anh. Tôi đã giục anh thử sức trên lĩnh vực này. Nguyễn Long Khánh |