16:14 10/03/2016
"Tắm nước nhiễm mặn khiến mặt tôi dị ứng, nổi mẩn ngứa nhưng phải ráng chịu. Mấy đứa con khi tắm xong thì xả vài ca nước ngọt nhưng vẫn còn khó chịu", chị Thẫm ở Bến Tre cho biết. Từ cầu Cổ Chiên giáp với Trà Vinh, phóng viên đi qua huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách, Giồng Trôm, Ba Tri… của tỉnh Bến Tre. Những nơi này, người dân đa phần sử dụng nước nhiễm mặn, rất ít hộ có nước ngọt được trữ trong bồn xi măng, phuy nhựa hoặc ao nhỏ trong vườn nhà. "Tắm nước mặn ngứa nhưng cố chịu" Chị Đoàn Ngọc Thẫm bán quán cơm ở xã Khánh Thạnh Tân (Mỏ Cày Nam) cho biết, nước mặn đã khiến mọi sinh hoạt của gia đình đảo lộn kể từ trước Tết Nguyên đán Bính Thân. Theo nữ chủ quán, nước máy không còn súc miệng được vì "mặn đắng".
"Tắm nước mặn khiến mặt tôi dị ứng, nổi mẩn ngứa nhưng ráng chịu. Thương các con, tắm xong nước nhiễm mặn, tôi xả lại cho chúng vài ca nước lọc nhưng, con nói vẫn khó chịu lắm. Từ khi nước máy bị mặn, mỗi ngày tôi dùng cả thùng nước lọc 10.000 đồng để nấu súp", chị Thẫm nói. Chứng minh điều mình nói là sự thật, chị Thẫm vặn vòi hứng ca nước máy đưa cho khách. Phóng viên hớp một ngụm, cảm nhận được vị rất mặn, khó súc miệng được. Tương tự, bà Võ Thị Cơ ở xã Thành Thới B của huyện Mỏ Cày Nam cũng sử dụng nước mặn để tắm, giặt hơn tháng nay. Nghe đài thông tin dự báo mặn xâm nhập đến tháng 6, cụ bà 86 tuổi này ngưng sử dụng nước mưa để nấu cơm. "Tôi nấu cơm bằng nước mặn luôn, để dành nước ngọt uống. Tắm nước mặn ngứa khắp người, đành chịu thôi", cụ Cơ chia sẻ. Nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng và hạn hán kéo dài đã khiến trên 13.000 ha lúa ở Bến Tre bị thiệt hại. Nhiều trà lúa ở huyện Ba Tri đang trổ bông gặp nước mặn đã chết đỏ đồng. "Tôi trồng 7 công lúa, gặp nước mặn thất trắng, thiệt hại hơn 5 triệu đồng. Không có lúa đồng nghĩa với thiếu rơm rạ cho bò ăn. Giá rơm vì vậy cũng tăng từ 30.000 lên 35.000 đồng/bó", anh Tư Sơn ở huyện Ba Tri nói. Đưa xe bồn qua Tiền Giang chở nước ngọt Tại cuộc họp phòng chống xâm nhập mặn ngày 7/3, ông Võ Thành Hạo - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho biết, địa phương này đến 160/164 xã, phường, thị trấn có nguồn nước sinh hoạt bị ảnh hưởng xâm nhập mặn. Trạm cấp nước huyện Chợ Lách đặt tại xã Sơn Định có nước ngọt nên xe bồn vượt hàng chục km từ TP Bến Tre đến đây để vận chuyển về cho bệnh viện tỉnh. Tuy nhiên, sáng 8/3, điều mà lãnh đạo tỉnh Bến Tre nói hôm trước đã không còn nữa khi nước sông ở xã Sơn Định và các vùng lân cận bị nhiễm mặn. Nhân viên trạm Chợ Lách đặt máy đo lúc nước ròng cho kết quả độ mặn là 0,8‰.
"Chiều và tối nay nước lớn, mặn được đẩy sâu thêm nên dự kiến có thể đạt trên 1‰. Đơn vị đã báo về trên và xe bồn ngưng xuống đây lấy nước ngọt", ông Phan Thanh Bình - Giám đốc Chi nhánh cấp nước huyện Chợ Lách nói. Qua phà Tân Phú hơn 10 km, dưới chân cầu Cái Cỏ ở huyện Châu Thành (Bến Tre) có công trình trạm bơm nước thô sắp hoàn thành. Hai ngày nay, trạm bơm 47.000 m3/ngày đêm này đã vận hành thử được khoảng 1/3 công suất. Tại TP Bến Tre, hàng chục công nhân đang khẩn trương lắp thêm đường ống để Nhà máy cấp nước Sơn Đông nhận "nguyên liệu" thô từ trạm Cái Cỏ trong vài ngày tới. Trao đổi với phóng viên Zing.vn, bà Nguyễn Thị Diễm Phượng - Tổng giám đốc Công ty cấp nước tỉnh Bến Tre cho biết, nước nhiễm mặn lấy ngoài sông tại Nhà máy Sơn Đông (TP Bến Tre) những ngày qua đã lên 3‰. Nhờ nguồn pha loãng từ Trạm bơm Cái Cỏ, công ty cho hòa mạng để dân sử dụng nước nhiễm mặn khoảng 1,2‰. Hiện, mỗi ngày Công ty Cấp nước Bến Tre cung ứng cho người dân toàn tỉnh khoảng 52.000 m3 từ các nhà máy như Sơn Đông, Chợ Lách, Hữu Định và Lương Qưới. Ngoài ra, người dân còn sử dụng hàng nghìn m3 nước nhiễm mặn từ các trạm của ngành nông nghiệp. "Để Trạm bơm Cái Cỏ có nước nhiễm mặn dưới 0,5‰, một đoạn sông Hàm Luông đã được chặn lại. Sáng nay, xe bồn có sức chứa 5 m3 của công ty phải chạy sang Tiền Giang chở nước ngọt về Bến Tre cho bệnh viện. Xe cũng chở nước cho một số doanh nghiệp, khách sạn có nhu cầu, giá cả chưa tính", bà Phượng nói. Theo Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo, lúa của địa phương này thiệt hại đã thấy rõ, không phục hồi được, thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng. Vì vậy, tỉnh đang tính đến phương án cho mùa vụ tới, chỉ sản xuất 2 vụ, đông xuân sớm và hè thu muộn, còn vụ đang trên đồng như hiện nay là ngưng sản xuất. "Không sản xuất thì thiếu trầm trọng rơm cho bò ăn. Tỉnh từng khuyến cáo nhưng người dân vẫn sản xuất lúa để kiếm rơm cho bò ăn. Vì vậy, chúng tôi khuyến khích chuyển đổi ruộng cao để trồng cỏ nuôi bò. Thiếu rơm cho bò nên nông dân phải bán bớt, mỗi con lỗ 10 triệu đồng", ông Hạo nói đến thiệt hại của ngành nông nghiệp Bến Tre khi gặp hạn, mặn.
Người đứng đầu Tỉnh ủy Bến Tre cũng khuyên người dân nên dự trữ nước mưa. Chính quyền địa phương tuyên truyền cho họ hiểu sự cần thiết của việc dự trữ nước ngọt cho mỗi nhà. "Một số người dân đã dùng nhựa trải xuống ao để giữ nước mưa. Đây cũng là cách giữ nước để sinh hoạt và tưới cho cây trồng. Về lâu dài, Bến Tre đề nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh xây hồ chứa nước ngọt", ông Hạo nói. Tại cuộc họp ngày 7/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành miền Tây phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng với nhân dân khắc phục hạn, mặn để ổn định đời sống của bà con. “Cái gì làm được là làm ngay để dân ta bớt khó khăn khi đối mặt thiên tai”, Thủ tướng chỉ đạo. Đối với tình trạng thiếu nước, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải tìm cách đảm bảo nước ngọt hợp vệ sinh cho dân. Từng địa phương có mỗi cách, nước phải hợp vệ sinh để tránh dịch bệnh. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ duyệt kinh phí hỗ trợ 34 địa phương khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn là 532,7 tỷ đồng. Thủ tướng quyết định hỗ trợ 9 tỉnh miền Tây 137 tỷ đồng. Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu ngân hàng khoanh nợ ngay cho những hộ bị thiệt hại do thiên tai. Theo Việt Tường/Zing |
22:29 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão