17:37 11/01/2014 Chúng tôi tìm đến nhà vợ chồng anh Chu Thanh Tùng, ở ngõ 279 đường Đà Nẵng, trong một chiều đông lạnh giá. Căn nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ ngách ngoằn ngoèo, tách biệt với âm thanh ồn ào, náo nhiệt quen thuộc của phố phường. Trái ngược với không khí giá lạnh bên ngoài, trong nhà luôn được sưởi ấm bởi sự nồng nhiệt của anh chị, tiếng cười vui vẻ giòn tan của hai đứa trẻ.
Chúng tôi tìm đến nhà vợ chồng anh Chu Thanh Tùng, ở ngõ 279 đường Đà Nẵng, trong một chiều đông lạnh giá. Căn nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ ngách ngoằn ngoèo, tách biệt với âm thanh ồn ào, náo nhiệt quen thuộc của phố phường. Trái ngược với không khí giá lạnh bên ngoài, trong nhà luôn được sưởi ấm bởi sự nồng nhiệt của anh chị, tiếng cười vui vẻ giòn tan của hai đứa trẻ. Số phận đã cướp đi của họ đôi chân lành lặn nhưng lại đền bù cho họ một gia đình hạnh phúc, ngập tràn yêu thương…
Những sản phẩm lỗi của tạo hóa Gia đình anh Tùng đặc biệt nhất trong khu ngõ nhỏ này bởi lẽ nhà chỉ có 4 người nhưng 3 người phải chịu dị tật: anh bị liệt cả hai chân và nửa người bên trái, vợ anh - chị Nguyễn Thị Phương bị liệt chân trái do sốt bại liệt năm 2 tuổi, con trai lớn của anh - bé Chu Đình Phúc bị đục thủy tinh thể khi mới lọt lòng. Tuy bị khiếm khuyết về cơ thể nhưng họ luôn lạc quan, nỗ lực sống tốt hơn từng ngày. Ngồi kể chuyện về cuộc đời mình mà anh bình thản như kể chuyện của người khác vậy. Giống như bao thanh niên mới lớn cùng thời, chàng trai Chu Thanh Tùng cũng ấp ủ những ước mơ, dự định tốt đẹp. Nhưng mọi thứ bỗng nhiên sụp đổ trước mắt khi anh bị tai biến trong một trận cảm nặng năm 18 tuổi, mấy năm sau anh bị tai biến lần 2. Từ một người thanh niên khỏe mạnh biến thành một người tàn tật, anh cảm thấy vô cùng mặc cảm, thu mình vào “vỏ ốc cô độc” của bản thân, suốt ngày nhốt mình trong nhà, không tiếp xúc với ai. Có khi hàng tháng trời anh không bước chân ra khỏi nhà vì không chịu nổi ánh mắt thương hại của người đời. Năm 2002, trong một chuyến đi chơi lên Hà Nội, định mệnh cho anh gặp Phương - người con gái quê Vĩnh Phúc - cùng chung số phận thiệt thòi. Ấn tượng với cô bé hiền dịu kém mình 13 tuổi, anh chủ động theo đuổi. Ròng rã 4 năm trời, mưa dầm thấm “sâu”, cuối cùng anh đã thỏa ước nguyện "rước nàng về dinh" bằng một đám cưới giản dị mà ấm cúng. “Ban đầu, mình chả có ấn tượng gì với anh Tùng cả, chỉ thấy anh hiền hiền, lại nhiệt tình giúp đỡ mình lúc xuống Hải Phòng mổ chân nên dần cũng quý mến. Lúc hai đứa ra mắt thì họ hàng hai bên phản đối ghê lắm. Bố mẹ mình thương con gái chịu thiệt thòi. Còn bố mẹ anh lại sợ con trai bị lừa vì nghĩ rằng làm gì có ai chịu yêu một người ốm yếu, tàn tật như anh. Tìm mọi cách thuyết phục, thậm chí nói dối là có bầu, bọn mình rồi cũng nhận được sự chúc phúc của hai bên gia đình. Bố mẹ và anh chị em nhà chồng tuy nghèo nhưng rất thương và hay giúp đỡ hai vợ chồng mình”, chị Phương hồi tưởng lại cuộc tình của hai người. Mưu sinh nghề bán bóng dạo Lấy nhau về, hai vợ chồng anh chị không có việc làm ổn định, mọi sinh hoạt hàng ngày phải sống nhờ mẹ già đã ngoài 70 tuổi. Thương cụ vất vả, họ cố gắng dành dụm tiền mua chiếc xe lăn để anh có phương tiện đi bán hàng. Để mua chiếc xe này, hai người đã phải vận động mẹ chồng rất lâu, vì cụ lo anh tàn tật như vậy ra đường dễ bị tai nạn. Giờ đây, chiếc xe là công cụ di chuyển hữu ích, giúp anh hòa nhập với xã hội.
Bé Phúc giúp bố đi giày trước khi đi bán hàng Bước vào nghề bán bóng được 2 năm, anh đã trải qua bao khó khăn để mưu sinh nuôi gia đình. Ban đầu khi mới đi bán, anh bị không ít người trong nghề cạnh tranh, dọa đánh, rồi giở đủ trò chơi khăm: thả bóng bay đi, làm rối dây buộc để anh không bán được… Đơn giản vì họ nghĩ rằng anh chính là mối đe dọa “cướp” miếng cơm manh áo của họ. Đã bao lần chị Phương lao vào đánh nhau với người ta để bảo vệ chồng và để cho người ta biết: Dù là người khuyết tật nhưng họ không dễ bị bắt nạt. Mặc dù được nhiều khách hàng nhiệt tình mua ủng hộ, đôi khi anh vẫn phải chịu cảnh bị người xấu trêu chọc ăn trộm bóng, lừa mất tiền, rồi có lần còn bị người ta đâm xe ngã bị thương. Anh tâm sự: “Mình chủ yếu bán hàng ở dọc tuyến đường Đà Nẵng, những ngày nghỉ lễ thì đến cả Vườn Trẻ và Nhà hát lớn để bán. Có lần đang trên đường bán hàng thì bị người ta đụng xe, ngã nhào xuống đất. May mắn được mọi người xúm vào đỡ dậy rồi đưa vào tiệm sửa xe. Người đó bảo mình ngồi chờ rồi chạy mất hút. Đến mãi tối xe không sửa được vì bị hỏng nặng, mình phải gọi vợ ra đẩy về. Nghĩ lại vừa tủi thân vừa ức”. Trung bình mỗi ngày anh chỉ bán được chục quả bóng, lãi 20-25 ngàn đồng nên mọi việc chi tiêu trong gia đình đều trông vào nghề may của vợ. Mỗi tháng anh chị thu nhập hơn 3 triệu nhưng hơn nửa số tiền đó để chi dùng cho việc học của đứa lớn và tiền bỉm sữa cho đứa bé…, cuộc sống hết sức tằn tiện. Tuy vậy vợ chồng anh rất được lòng hàng xóm, tuy nghèo nhưng mọi người lại rất quý mến, đùm bọc, có bát canh ngon cũng đem sang cho, quần áo không dùng đến cũng đem cho hai đứa nhỏ… Niềm hạnh phúc nhỏ nhoi, giản dị ấy khiến anh chị cảm thấy ấm lòng. Vượt qua nỗi đau Lúc chúng tôi đến thăm gia đình anh là lúc bé Phúc - con trai lớn của anh vừa đi phẫu thuật thay thủy tinh thể về. Nghe anh chị chia sẻ quá trình chữa bệnh cho con mới thấy hết niềm thương yêu vô tận mà bố Tùng, mẹ Phương dành cho bé Phúc. Gia đình nhỏ hạnh phúc của anh Tùng, chị Phương Năm 2008, anh chị sinh bé Chu Đình Phúc. Chưa kịp hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc thì hai người đau xót phát hiện ra bé bị đục thủy tinh thể. Vậy là bắt đầu những chuỗi ngày bồng bế con đi khắp nơi khám chữa bệnh. Ròng rã hàng năm trời, cứ 1 tuần, rồi nửa tháng chị Phương lại đưa bé Phúc lên Viện Mắt TW hút tinh thể. Là lao động chính trong nhà, nay lại nghỉ để chăm con, chị Phương gặp vô số khó khăn cả về tài chính lẫn sức khỏe. Chân trái bị liệt nên chị đi lại rất vất vả, thường xuyên bị ngã. Thời gian này chị lại mang thai nên “cứ mỗi lần ngửi thấy mùi bệnh viện là mình không chịu nổi, nôn ọe suốt, mệt mỏi vô cùng”. Thế nhưng người mẹ này chưa bao giờ bỏ cuộc, không ngừng hi vọng đôi mắt của con sẽ sáng trở lại. Sự hi sinh cao cả ấy cũng được đắp đền xứng đáng. Cuối tháng 12-2013, bé Phúc được thay thủy tinh thể mới. Hiện bé đang trong quá trình theo dõi nhưng nhìn con có thể chơi đùa và nhìn mọi thứ sáng rõ bình thường cũng đủ làm anh chị vui mừng, hạnh phúc siết bao. Anh Tùng nhắn nhủ: Trong suốt thời gian bé đi chữa bệnh, anh chị nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của những người biết và cảm thương với hoàn cảnh gia đình. Có cả những người chỉ biết hoàn cảnh anh chị qua lời kể của bạn bè nhưng vẫn nhiệt tình đóng góp tiền của giúp bé Phúc đi mổ mắt. Chính những sự quan tâm ấy là động lực giúp anh chị vượt qua giai đoạn đen tối của cuộc đời, nhen nhóm lại ngọn lửa yêu thương trong gia đình nhỏ. Thông qua bài báo này, anh chị muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới những tấm lòng hảo tâm ấy. Khép lại câu chuyện gia đình anh Tùng, mong sao mọi người luôn có cái nhìn thiện cảm hơn về những con người khuyết tật giàu nghị lực vươn lên, hòa nhập với cộng đồng. Và, cũng thấy rằng còn nhiều lắm những tấm lòng nhân ái trong cuộc sống quanh ta. |
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão