Người đồng tính và khát khao được sống thực

17:30 26/12/2015

 

Đăng ký tham gia Hành trình hiểu về con
Đăng ký tham gia Hành trình hiểu về con

Ngày 24-11 vừa qua là một ngày hết sức đặc biệt đối với những người đồng tính khi Quốc hội thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi), trong đó có quy định về chuyển đổi giới tính và các quyền, nghĩa vụ liên quan. Và mặc dù Bộ luật này phải đến năm 2017 mới có hiệu lực thi hành song hiện tại, cộng đồng LGBT (viết tắt của các từ tiếng Anh, gồm: Lesbian (đồng tính nữ), Gay (đồng tính nam), Bisexual (song tính luyến ái nam hoặc nữ), Transsexual/Transgender (hoán tính/người chuyển giới)) tỏ ra rất hào hứng vì tới đây họ sẽ tự tin sống thật với bản thân, với giới tính của mình. Tuy nhiên thực tế thì vẫn có những niềm vui chưa trọn vẹn...

Sự sẻ chia

Phải nói rằng, những người đồng tính ngày càng được thừa nhận, không bị xa lánh, kỳ thị như trước đây nữa, và xu hướng công khai giới tính "thứ ba" cũng là chuyện không hề mới. Cộng đồng LGBT Hải Phòng cũng vậy, nhiều người đã vượt qua rào cản của xã hội để khẳng định bản thân, thực sự sống cho trái tim, cho tình yêu mà họ theo đuổi. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, chương trình "Hành trình hiểu về con" được cộng đồng LGBT tổ chức ở nhiều địa phương - trong đó có Hải Phòng - đang tạo được có sức lan tỏa lớn, làm lay động biết bao thân phận cũng như sự sẻ chia của những bậc cha mẹ có con là người đồng tính.

Chị Lê Thu H., ở quận Ngô Quyền, phải đắn đo lắm khi tham gia "Hành trình hiểu về con", bởi thực sự trước nay chị chưa thể chấp nhận đứa con gái duy nhất của mình là người đồng tính. Đau khổ biết bao khi nhìn đứa con gái xinh xắn, đáng yêu lại mang tâm hồn của một gã đàn ông, và càng sốc hơn khi con gái thú nhận đang "để ý" một người bạn gái cùng lớp. Xót con, người mẹ đã tìm mọi cách để làm thay đổi "khúc ruột" của mình. Thậm chí, nhiều khi bực quá chị đã đánh con, cấm không cho mặc đồ con trai, rồi thì dẫn con đến bác sỹ tâm lý nhưng đứa con vẫn trơ lỳ, không hợp tác với những nỗ lực của chị. Hết cách, chị còn đánh liều cho tiêm hóc-môn để con chị vẫn là con gái. Song tất cả những gì chị làm không những mang lại tác dụng ngược mà còn lấy đi của vợ chồng chị không biết bao nhiêu là nước mắt. Kể cả đứa con bé bỏng của chị cũng rất khổ sở vì sự "khác biệt" của mình.

Đất không chịu trời, trời phải chịu đất, không còn cách nào khác, chị H. đành coi con gái của mình như là thằng coi trai, cho dù bản thân chẳng muốn một chút nào. Rồi qua giới thiệu, chị biết cộng đồng LGBT Hải Phòng đang thực hiện chương trình 'Hành trình hiểu về con", chị đã đăng ký tham gia. Thực sự qua chương trình, chị nhận ra rằng, là người đồng tính là một khiếm khuyết về mặt sinh học mà con chị phải đối diện.

"Với các chuyên đề và hoạt động như: Chia sẻ những câu chuyện, kiến thức đúng về đồng tính; Gặp gỡ những đứa con của chúng ta; Đứng cùng với nhau để không đơn độc, "Hành trình hiểu về con” là hành trình lan tỏa tình yêu thương mà những bậc phụ huynh như chúng tôi đã trải qua và mong muốn chia sẻ nó lại với mọi người, đồng thời là những kinh nghiệm có ích, chắc chắn sẽ giúp cho cuộc sống sắp tới của những đứa con chúng tôi tươi sáng hơn. Và trên tất cả, chúng tôi tin tưởng những nụ cười sẽ trở lại với mỗi gia đình, đó là trách nhiệm mà chúng tôi nghĩ rằng mình cần phải làm để con cái được sống hạnh phúc trọn vẹn" - chị H. tâm sự.

Không riêng gì chị H., nhiều bậc phụ huynh có con là người đồng tính cũng đã và đang mỉm cười với hoàn cảnh hiện tại. Những đứa con của họ dù tâm hồn không giống với hình hài nhưng đó chỉ là những "cay nghiệt" của tạo hóa mà cần lắm nghị lực để vượt qua, cần sự sẻ chia và tình yêu thương. Như anh Nguyễn Văn T., ở quận Lê Chân là một ví dụ. Theo anh T. thì anh phát hiện ra con trai mình "khang khác" từ khi nó bước vào tuổi dậy thì. Khác với các bạn cùng trang lứa suốt ngày chạy theo trái bóng  hay những trò chơi cảm giác mạnh thì nó lại chúi đầu vào mấy trò chơi con gái. Lớn lên một chút, nó lại thích để tóc dài, hay chải chuốt. Quần áo thì thích lựa những bộ mềm mại, nữ tính và lại biết cách kết hợp màu sắc, kiểu dáng giống như con gái. Biểu hiện của con khiến anh T. hết sức lo lắng, sợ con mình bị đồng tính. Cuối cùng điều lo lắng ấy trở thành sự thật, dù hơi choáng nhưng anh đủ bình tĩnh để đón nhận. Anh coi đó là một thiệt thòi của con mình nên cần phải quan tâm, yêu thương nó nhiều hơn, không để cho nó phải mặc cảm về giới tính của mình.

Giờ thì con trai của anh T. đã mạnh dạn dẫn "bạn trai" về nhà giới thiệu và được bố mẹ gật đầu. Anh T. còn hứa một thời gian nữa sẽ cho con ra nước ngoài phẫu thuật chuyển giới, bởi theo anh hai ca sỹ Lâm Chi Khanh và Hương Giang Ido - những người trước đây sống trong hình hài đàn ông - giờ đã lột xác và đều đã rất xinh đẹp, nữ tính, khá thành đạt, biết bao nhiêu người mơ ước, vậy cớ sao để con trai phải cứ khổ sở với nổi niềm sâu kín của mình...

Mượn sân khấu để sống thực

Vẫn biết xã hội đang dần có những cái nhìn cởi mở hơn đối với cộng đồng LGBT, song không hẳn là không có những định kiến đối với những người thuộc "thế giới thứ ba". Đâu đó vẫn hiện hữu sự miệt thị, xa lánh, thậm chí phản bác những người công khai thật giới tính, cho rằng người đồng tính là bệnh hoạn, là "xăng pha nhớt", đồng bóng... Không những vậy, còn có những người bình thường lại đi "đua đòi" để trở thành người đồng tính như là cái mốt. Mặc nhiên, trừ những người tự biến mình là người đồng tính để mưu sinh như mại dâm nam, những người đồng tính cũng chẳng sung sướng gì với sự lệch lạc giữa thể xác và tâm hồn, nhất là chuyện tình cảm "trái ngang" với người đồng giới. Câu chuyện sau đây của một đồng tính nam rất đáng để suy ngẫm.

Đó là câu chuyện đầy nước mắt của anh Nguyễn Vũ B., 38 tuổi, ở huyện An Dương. Anh này vốn được mệnh danh là nghệ sỹ hài bởi tài năng diễn xuất của anh thật vô đối, nhất là cái khoản giả gái thì khó ai bằng. Tuy nhiên, đằng sau những tràng cười nghiêng ngả của khán giả là những giọt nước mắt chảy ngược trong tim anh. Anh thật sự thất vọng với bản thân mình, bởi bên trong thân hình hết sức chuẩn men là tâm hồn của một người phụ nữ. Anh khát khao được làm con gái, sống cuộc đời của người con gái, nhưng chẳng ai cho anh làm vậy, thế nên anh đành mượn những vở kịch, những vai diễn để sống thực cuộc đời của mình.

Sự tráo đổi giữa sân khấu và đời thực đôi khi khiến B. không còn nhận ra mình đang ở đâu nữa, anh cũng không đủ can đảm để thú thực với gia đình về giới tính của mình. Và anh cũng phải chịu quy luật của cuộc sống "trai khôn dựng vợ, gái ngoan gả chồng" như những người bình thường khác. Oái oăm, mỗi lần thực hiện "nghĩa vụ" với vợ, anh cảm thấy như tra tấn. Thực sự B. chẳng thể có cảm xúc với vợ mình, người mà anh hàng đêm nghĩ đến lại là anh bạn hàng xóm.

Anh vẫn thường oán trách ông trời sao không cho mình là một người bình thường như bao người khác. Tại sao lại cho anh hình hài của một người đàn ông nhưng trái tim và tâm hồn lại là của người phụ nữ. Và bí mật này B. chưa bao giờ dám chia sẻ với ai bởi có quá nhiều rào cản mà anh thấy khó vượt qua.

Trước đây, lúc còn đi học, sở thích của B. là ngắm các bạn nữ mặc váy, để tóc dài và làm điệu với những kẹp nơ xinh xắn… để rồi mơ ươc mình được mặc, được chơi như các bạn nữ. Có nhiều lúc B. cảm thấy như đang rơi vào mớ bòng bong, khao khát một lối thoát nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu và sẽ làm như thế nào. Để rồi hằng đêm, anh đành lên sân khấu để sống thực với giới tính của mình...

QUẢNG BÌNH


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông