16:41 19/07/2014
Nằm cách đất liền chừng 20 hải lý, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được thiên nhiên ban tặng cho cảnh quan và rất nhiều sản vật tuyệt vời. Đây còn là hòn đảo tiền tiêu của tổ quốc. Trong những ngày này, khi Biển Đông “dậy sóng”, nhưng vẫn có hàng trăm tàu cá của ngư dân trẻ Lý Sơn có mặt trên vùng biển Hoàng Sa, tạo thành những cột mốc sống. Cùng với triệu con tim Việt, người dân đất Cảng Hải Phòng lại hướng về Lý Sơn với một niềm cảm phục và tự hào... Vững vàng trước biển... Đồng hành trong chuyến đi lần này ra với Lý Sơn có Phó bí thư Quận ủy Kiến An Lê Trí Vũ. Đặc biệt còn có những người bạn không cùng quê Hải Phòng nhưng họ gắn kết với nhau đã nhiều năm, bởi trong họ có chung suy nghĩ là trách nhiệm xã hội bằng những nghĩa cử cao đẹp. Đó là 4 chiến sỹ trên chiếc xe tăng mang số hiệu 390, đã húc đổ cổng Dinh độc lập vào buổi trưa lịch sử, ngày 30-4-1975. Vượt qua gần 1.000 cây số đường bộ và 1 giờ đi tàu thủy, những người con đất Cảng đã đặt chân được lên đảo Lý Sơn. Hầu hết các thành viên của đoàn trước đó mới chỉ biết tới Lý Sơn qua các phương tiện thông tin đại chúng. Dường như cuộc sống khắc nghiệt trên đảo là những nắng, gió, là sóng biển đã tạo nên sự kiên trung trong mỗi con người. Giữa những ngày Biển Đông “dậy sóng”, nhưng Lý Sơn vẫn bình yên cũng như lòng người vẫn bình thản trước mọi sự đe dọa của những kẻ lăm le chiếm biển của nước ta. Cuộc sống bình yên ở Lý Sơn mang lại cảm giác an lòng cho người đến... Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Thanh cùng nhiều lãnh đạo địa phương đã ra tận cầu cảng đón đoàn bằng những cái bắt tay thật chặt, thân thiết như những người thân yêu lâu ngày gặp lại. Không giấu nổi niềm vui, ông Bí thư cho biết Lý Sơn có 3 xã là An Hải, An Vĩnh và An Bình. Diện tích tự nhiên khoảng 10km2, dân số chừng 2 vạn người. Nghề mưu sinh của cư dân trên đảo chủ yếu bằng đánh bắt hải sản trên biển và trồng hành tỏi. Cuộc sống của bà con trên đảo những năm gần đây đổi thay rất nhiều, cả huyện không còn hộ nghèo, trẻ em đến tuổi đi học đều được đến trường, hệ thống y tế phát triển đến tận xã... Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Thanh cho biết, mặc dù Biển Đông đang có diễn biến phức tạp nhưng bà con Lý Sơn vẫn kiên trì bám biển. Những năm gần đây, Trung Quốc liên tục ngăn cản, bắt bớ, đập phá tài sản của ngư dân Lý Sơn. Đặc biệt là từ thời điểm tháng 5-2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở thềm lục địa của Việt Nam càng làm cho ngư dân khốn đốn và họ càng phẫn nộ trước các hành động của Trung Quốc. Biến lòng yêu nước thành hành động, ngày ngày, những ngư dân trẻ đảo Lý Sơn nói riêng và ngư dân Việt Nam nói chung vẫn sát cánh cùng lực lượng thực thi pháp luật trên biển, chung sức bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của tổ quốc. Với họ, biển đảo quê hương luôn trong tim và họ sẵn sàng ngã xuống vì tiếng gọi của tổ quốc. Tinh thần của ngư dân Lý Sơn vẫn không hề nao núng. Họ vẫn bình tĩnh, kiên trì bám biển. Đặc biệt trong thời gian vừa qua, khi cả nước hướng về biển đảo, trong đó có Lý Sơn thì những tình cảm, sự đóng góp của toàn dân tộc đã hỗ trợ lớn về mặt tinh thần, động viên ngư dân Lý Sơn tiếp tục vươn khơi bám biển và bảo vệ chủ quyền của đất nước. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cùng các tổ chức thực thi pháp luật của Việt Nam để bằng mọi giá kiên quyết đòi Trung Quốc phải rút giàn khoan ra khỏi thềm lục địa của nước ta” - Bí thư Huyện ủy Lý Sơn khẳng định. Không chỉ được tận mắt chứng kiến cuộc sống và tinh thần quả cảm của người dân Lý Sơn, những người con đất Cảng còn được cảm nhận tinh thần yêu nước bảo vệ lãnh thổ từ nhiều đời nay khi đến thăm nhà lưu niệm Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Theo các tài liệu lịch sử thì Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải là một tổ chức khá đặc biệt trong thời kỳ các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Nhiều ngư dân ở đảo Lý Sơn nhận được tờ lệnh tòng quân, gia nhập hải đội Hoàng Sa để làm nhiệm vụ đo đạc, canh giữ chủ quyền Việt Nam trên vùng biển hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nhiệm vụ nặng nề, công việc hiểm nguy, biển sâu khó lường, trong khi phương tiện của thời đó còn rất thô sơ nên các dân binh trong đội Hoàng Sa luôn phải đối mặt với cái chết. Thế nhưng trong suốt nhiều thế kỷ qua, các đội hùng binh của vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa vẫn liên tục ra khơi xác lập và thực thi chủ quyền của người Việt Nam trên hai quần đảo này. Và giữa trùng khơi, tượng đài Hải đội Hoàng Sa màu đá xám với hình ảnh ba người lính đứng sừng sững giữa biển khơi, gồm một vị cai đội chỉ tay về hướng biển Đông, tay kia đặt lên cột mốc chủ quyền, đứng hai bên là hai dân binh, trong đó có một người cầm ngọn giáo và một người vác lưới trên vai, đang cùng với vị cai đội thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Tri ân những người giữ biển Trong những ngày này, hàng triệu con tim Việt lại hướng về Lý Sơn một niềm cảm phục và tự hào là nơi phên giậu của tổ quốc đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta. Một chút tấm lòng thơm thảo của người con đất Cảng sẽ chẳng thể nào làm vơi bớt khó khăn trong cuộc sống của ngư dân trên đảo, nhưng đó là tấm lòng chân thành nhất, tri ân những người giữ biển bằng tất cả tài sản, tính mạng của mình mà không mang đến danh vọng. Anh Văn Trần Hoàn, Giám đốc Công ty CP Sông Hồng chia sẻ, lần đầu tiên được ra đảo Lý Sơn đã rất tự hào và cảm phục tình cảm của người dân nơi đây. Bởi vậy mà anh luôn mong muốn sẽ được đồng hành, sát cánh cùng bà con ngư dân kiên trì bám biển, giữ vững từng tấc đất quê hương. Nhân dịp này, Công ty CP Sông Hồng và một số nhà hảo tâm thành phố Hải Phòng đã tặng 45 triệu đồng để sửa chữa 1 phòng học của Trường mầm non xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn. Cùng với đó là những món quà gói biết bao tâm tư, tình cảm của người Hải Phòng và bạn bè họ, những người con xa tổ quốc hướng về quê hương, những người trong đoàn còn tổ chức hiều hoạt động ý nghĩa thiết thực cho cuộc sống người dân trên đảo như tham gia trồng rừng chắn sóng và hỗ trợ xây dựng các công trình công ích khác. Trong chuyến đi lần này, những người con của đất Cảng còn đến thăm gia đình thầy giáo Nguyễn Văn Thành, 31 tuổi, vừa qua đời sau cơn bạo bệnh để lại gia cảnh đáng thương với người mẹ già, người vợ trẻ luôn đau yếu cùng đứa con thơ dại. Hay như gia đình chị Trương Thị Tiền, ở xã An Hải, có chồng mới mất do tai nạn trên biển, bản thân chị bị ung thư dạ dày đã trị xạ 5 lần và phải nuôi 3 con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học. Đoàn đã vận động các thành viên đóng góp ủng hộ gia đình những người xấu số, những mong động viên mọi người vượt qua mất mát, đau thương. Ông Phạm Văn Vinh, PGĐ Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Minh Châu, khi được tận mắt chứng kiến cuộc sống người dân trên đảo Lý Sơn đã xúc động chia sẻ. Tất cả bà con đã đoàn kết bám biển, khiến cho người dân cả nước thấy vô cùng trân trọng và luôn hướng về cùng Lý Sơn. Một địa chỉ nữa mà đoàn háo hức tìm đến là nhà ngư dân Huỳnh Văn Lắm, 43 tuổi, một người thường xuyên giáp mặt tàu Trung Quốc, bị chúng đánh đập dã man và phá hỏng tàu nhiều lần nhưng anh vẫn ra khơi, không hề sợ hãi. Câu chuyện anh Lắm kể lại không khỏi làm cho cả đoàn xúc động. Những người ngư dân Việt Nam dũng cảm, họ chỉ nghĩ đơn giản, giữ biển là giữ nồi cơm cho gia đình mình. Xúc cảm trào dâng trong mỗi người khi chứng kiến biết bao điều giản dị nơi này. Nơi mà đời này qua đời khác luôn có những ngư dân đã thấm đẫm tình yêu nước qua mỗi chuyến ra khơi. Anh hùng lao động Vũ Đức Thiện, nguyên TGĐ BQL Dự án cầu Hải Phòng được tận mắt chứng kiến cuộc sống và con người Lý Sơn đã thật sự xúc động và tự hào về truyền thống yêu nước của bà con nơi đây. Phó bí thư Quận ủy Kiến An Lê Trí Vũ cho biết, chuyến đi lần này như một trải nghiệm quý giá, để khi trở về địa phương sẽ trao đổi, thông tin đầy đủ về tình hình biển đảo, đặc biệt là những tấm gương ngư dân trẻ của huyện đảo Lý Sơn. Thông qua đó giúp cho thế hệ trẻ thêm hiểu biết và suy nghĩ sâu sắc hơn về tình yêu với biển đảo quê hương cũng như nâng cao ý thức học tập phấn đấu, góp sức trẻ của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. TRẦN VĂN |