Người lao động trong doanh nghiệp FDI-Cơ hội và thách thức

16:01 06/08/2019

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (gọi tắt là FDI) hiện đã và đang góp phần tích cực giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho lực lượng lao động của thành phố Hải Phòng và một số địa phương lân cận.

 

 

Theo thống kê của Sở KH&ĐT thì con số người lao động làm việc tại các doanh nghiệp FDI trên toàn thành phố sau hơn 30 năm thực hiện chủ trương thu hút đầu tư đã là hơn 160.000 người. Ngoài việc tạo công ăn việc làm, ổn định an sinh xã hội, các doanh nghiệp FDI còn có thể tạo cơ hội cho lực lượng cán bộ, công nhân Việt Nam có điều kiện tiếp cận, học hỏi và tiếp thu kỹ thuật mới, công nghệ mới, cách thức điều hành và quản lý tiên tiến, tác phong công nghiệp và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Thông qua đội ngũ lao động này cũng tác động đến các doanh nghiệp khác trong việc nâng cao trình độ công nghệ, thiết bị chung của các doanh nghiệp Hải Phòng. Đó sẽ là nguồn lực đáng quý phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của thành phố.

Nhìn chung, tất cả các lao động được tuyển dụng vào các doanh nghiệp FDI đều được đào tạo hoặc đào tạo bổ sung, do vậy, khu vực FDI góp phần tạo ra lực lượng lao động lành nghề cho thành phố. Nhiều doanh nghiệp còn đưa những lao động chủ chốt đi đào tạo tại nước ngoài như Cơ khí Việt-Nhật, San Miguel Yamamura Hải Phòng, LS-VINA, Tohoku Pioneer, Bridgestone, Toyota Nankai Hải Phòng...

Một điều quan trọng là lực lượng lao động quản lý đã tiếp thu được phương cách quản lý tiên tiến của các doanh nghiệp nước ngoài, phù hợp với cơ chế thị trường.

Ngoài ra, các doanh nghiệp ngay từ khi thành lập đã nghiên cứu khá kỹ hệ thống pháp luật hiện hành của Nhà nước Việt Nam nói chung, trong đó có pháp luật lao động, từ đó đã chấp hành khá tốt các quy định, đã xây dựng được mối quan hệ hài hòa, cơ bản cân bằng được lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động. Tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội chiếm tỷ lệ cao với hơn 90%.

Đồng thời với việc chăm lo đời sống cho người lao động, một số doanh nghiệp FDI còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện tại địa phương và các tỉnh, thành phố khác trên cả nước, trong đó tiêu biểu có Công ty Xi măng Chinfon, Công ty Cổ phần Công nghiệp nhựa Phú Lâm, Công ty TNHH Công nghiệp giày Aurora Việt Nam…

Nhiều doanh nghiệp FDI thành lập tổ chức công đoàn với các hoạt động ngày càng sôi nổi, thiết thực; tham gia ủng hộ các hoạt động như “Chương trình tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa”, “Lá lành đùm lá rách”, quỹ “Mái ấm công đoàn”, ủng hộ nhân dân vùng thiệt hại do thiên tai, ủng hộ xây dựng nông thôn mới… 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đó vẫn còn những vấn đề tồn tại, hạn chế dẫn đến xung đột về lợi ích trong quan hệ lao động ở một số doanh nghiệp làm ảnh hưởng chung đến môi trường đầu tư và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Những tồn tại, hạn chế đó cũng là nguyên nhân chính xảy ra tình trạng đình công, lãn công, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động và an ninh trật tự trên địa bàn. 

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã xảy ra hơn 100 vụ tự ý ngừng việc tập thể của người lao động tại các doanh nghiệp FDI. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ việc này là do mẫu thuẫn tranh chấp về quyền lợi giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, tập trung chủ yếu vào các đòi hỏi quyền lợi liên quan đến tiền lương, phụ cấp, thời gian, điều kiện môi trường làm việc…

Trong khi các chủ doanh nghiệp là người nước ngoài, gặp trở ngại về ngôn ngữ và hiểu biết về văn hóa địa phương, chưa nghiêm chỉnh chấp hành quy định về pháp luật lao động, sử dụng - sa thải lao động tùy tiện, cắt giảm chi phí cho người lao động thì về phía người lao động cũng còn nhiều hạn chế. Đơn cử như lao động phổ thông nên trình độ văn hóa, tay nghề thấp, chưa quen tác phong môi trường lao động công nghiệp cường độ cao, kỷ luật lao động và hiểu biết pháp luật còn kém…

Điều này dẫn đến phát sinh mâu thuẫn là không thể tránh khỏi. Nhiều vụ việc xảy ra đã thu hút hàng nghìn công nhân lao động tham gia kéo dài nhiều ngày gây phức tạp về an ninh trật tự.

Mặc dù tại một số trong những doanh nghiệp này có tổ chức công đoàn nhưng hoạt động của công đoàn chưa thực hiện tốt vai trò đại diện cho tập thể người lao động nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của người lao động để phản ánh, bàn bạc, thương lượng với chủ doanh nghiệp giải quyết kịp thời, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Có thể thấy, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề, có tác phong công nghiệp, có hiệu quả và năng suất lao động cao.

Đồng thời, từng bước nâng cao nhận thức, vai trò trách nhim của các bên trong việc thực hiện pháp luật lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hòa cũng là một thế mạnh, cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Kim Oanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông