21:10 28/12/2014
Đó là những người lính đồn Biên phòng A Pa Chải, thuộc xã vùng sâu biên giới đặc biệt khó khăn Sín Thầu, huyện Mường Nhé (Ðiện Biên). Ở ngã ba biên giới này - nơi được mọi người biết đến với mệnh danh "một con gà gáy cả 3 nước Việt Nam, Lào, Trung Quốc cùng nghe", những người lính quân hàm xanh hàng ngày kiên cường, bám trụ, đồng cam cộng khổ, bảo vệ biên cương và giúp đồng bào Hà Nhì trong "cuộc chiến" xóa đói giảm nghèo… Vững vàng nơi biên ải Từ thành phố Ðiện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, vượt chặng đường gần 300 cây số, xuyên qua núi rừng trùng điệp, chúng tôi đến đồn Biên phòng A Pa Chải. Không khí ấm cúng của buổi gặp gỡ dường như xua tan cái giá lạnh miền biên giới. Thượng tá Lê Văn Thinh, Chính trị viên đơn vị vui vẻ cho biết, đồn Biên phòng A Pa Chải có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 35,5km đường biên giới, với 14 cột mốc thuộc hai tuyến biên giới Việt - Lào và Việt - Trung cùng hơn 240 hộ dân, 1.200 nhân khẩu, trong đó người dân tộc Hà Nhì chiếm 95%. Nhớ lại gần chục năm về trước, thượng tá Lê Văn Thinh cho biết, khi đồn A Pa Chải mới tách từ đồn Biên phòng Leng Su Sìn, lúc đó đường vào đồn không có phương tiện gì vào được, kể cả xe đạp. Tất tần tật mọi thứ đều phải khuân vác. Lương thực, quần áo, quân tư trang… được phân cái gì, điện báo vào là anh em lại cắt cử nhau ra lấy. Mới sáng tờ mờ, anh em dậy, lùa vội bát cơm nguội và khúc cá khô cho ấm dạ dày, sau đó xếp hàng một, chân nọ nối chân kia đạp cỏ, đạp sương lạnh, giá buốt mà đi. Chiều về đến đồn cũng lại chân nọ đạp chân kia cùng giá buốt và sương lạnh đến tối mịt, mệt nhoài đến không muốn cả ăn nữa. Trong những tháng mùa hè thì liên tục phải chịu đựng cái nắng nóng của gió Lào, còn mùa đông gió từ phương Bắc tràn về lạnh tê tái. Ở đây người lính chỉ được nhìn mặt trời, không phải đắp chăn bông và mặc được áo mỏng trong độ 3 tháng, 9 tháng còn lại chỉ có áo bông. Thời tiết khắc nghiệt là vậy nhưng những người lính nơi cực Tây vẫn kiên cường bám địa bàn. Với hàng chục cây số đường biên, ngày ngày, những dấu chân người lính vẫn đi về không mỏi. Theo thượng tá Lê Văn Thinh, mỗi kíp, có đi nhanh thì cũng phải mất chừng 15 ngày mới kịp về Đồn. Kíp trực này về thì kíp khác lại lên đường, công việc tuần tra như vậy nên nhiều anh em cả năm không nhìn thấy mặt nhau để mà chào lấy một tiếng, hỏi thăm vợ con gia đình của bạn mình ra sao. Chia sẻ với chúng tôi, Chính trị viên Đồn Biên phòng A Pa Chải cho biết thêm, để bảo vệ, giữ vững biên giới quốc gia, trước hết phải xây dựng được biên giới trong lòng dân. Đơn vị tổ chức học tiếng, cùng nắm vững điều kiện tự nhiên, phong tục, tập quán và đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Hà Nhì. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể từ xã tới bản để tăng cường giáo dục, vận động đồng bào thông qua kênh tuyên truyền miệng về: Luật Biên giới quốc gia, Luật Cư trú, Luật phòng chống tội phạm ma túy... gắn công tác tuyên truyền với các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở xã, bản. Cùng với các biện pháp nghiệp vụ biên phòng, phối hợp tuần tra, nắm thông tin, đơn vị tổ chức kết nghĩa với đoàn thanh niên, dân quân, công an từ xã đến các bản, thành lập các tổ tự quản tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới. 45 hộ dân Hà Nhì ở hai bản Tá Miếu, Tả Kô Ky giáp biên giới Việt - Trung đã tham gia phong trào tự quản đường biên, cột mốc. Theo đó đến nay đã có hơn 230 hộ dân ở 6 bản đã đăng ký tham gia phong trào tự quản an ninh trật tự, tích cực đấu tranh với các loại tội phạm… Thắm tình quân dân Đến thăm Đồn Biên phòng A Pa Chải, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng Bí thư, kiêm chủ tịch xã Sín Thầu Pờ Dần Sinh. Ông khẳng định sự đoàn kết, kiên cường, bán trụ, mối quan hệ "máu thịt" và tình quân dân "cá nước" chính là điểm tựa vững chắc để Đồn Biên phòng A Pa Chải vững vàng nơi biên ải. Theo ông Pờ Dần Sinh, trong những năm qua, cán bộ, chiến sỹ Đồn A Pa Chải đã bám dân, bám bản, chung tay xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị phân công cán bộ đảng viên kết hợp cùng các ngành chức năng: Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Bảo vệ thực vật, Trung tâm Dạy nghề của huyện trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trong trồng trọt chăn nuôi. Với phương châm bắt tay chỉ việc, cán bộ, chiến sỹ hướng dẫn đồng bào trồng giống ngô lai cho năng suất cao, chuyển đổi nuôi cá truyền thống sang nuôi các loại cá trê, cá rô phi, cá chim trắng; trồng giống cỏ voi để làm thức ăn chăn nuôi cho trâu bò; trồng khoai tây vụ đông trên diện tích cấy lúa một vụ; trồng chuối tiêu hồng, trồng cây keo và sa mu... Với Sín Thầu, đất canh tác lúa nước ít, do đó các chiến sỹ quân hàm xanh cùng người dân khai hoang được 45ha ruộng nước, nạo vét 17km kênh mương phục vụ tưới tiêu.
Bằng những việc làm cụ thể, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng A Pa Chải đã giúp đồng bào dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất và đời sống. Từ mô hình trong sản xuất, chăn nuôi giỏi đã thuyết phục để nhân dân làm theo. Đến nay, toàn xã có 25 hộ làm kinh tế giỏi có thu nhập cao, điển hình là các hộ gia đình: Cháng Vảng Sinh, Lý Xuyến Phù, Sừng Sừng Khai, Pờ Dần Sinh, Pờ Tùng Cấu..., mỗi hộ có từ 2 - 4 ao cá, trâu bò từ 30 đến hàng trăm con, thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Cùng với giúp dân phát triển kinh tế, đơn vị còn chăm lo công tác an sinh xã hội, giúp làm 4 điểm trường mầm non, xây dựng 9 nhà đại đoàn kết với số tiền gần 500 triệu đồng. Quân y của đơn vị cũng tuyên truyền, vận động đồng bào ăn ở hợp vệ sinh, thường xuyên khám, chữa bệnh cho trên 3.000 lượt người. Chính trị viên Lê Văn Thinh cho biết, với nhiệm vụ xây dựng củng cố hệ thống chính trị, chi bộ cử một cán bộ tham gia Ban Chấp hành Đảng ủy, giữ chức Phó bí thư Đảng ủy xã. Đơn vị cùng cấp ủy chăm lo công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Chi ủy Đồn Biên phòng A Pa Chải cũng đã phân công đảng viên về cùng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ, tổ Đảng ở bản, trực tiếp hướng dẫn nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, chương trình công tác, nền nếp làm việc của chính quyền và các đoàn thể chính trị xã hội. TRẦN VĂN |