Người nhạc sỹ già 2 lần xuyên Việt

16:12 04/10/2015

 

 

...
...

Một buổi sáng tháng 9, trời chuyển mùa, mưa như trút nước, tôi được nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ, Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng báo gấp một tin: người nhạc sỹ hai lần xuyên Việt lấy đất 63 tỉnh, thành để tạo hình bản đồ đất nước và xin chữ ký vì biển đảo quê hương vừa “cập bến” Hải Phòng, đang ở trụ sở hội. Tôi lập tức có mặt tại đây, và khi nghe được câu chuyện về ông, mới cảm nhận sâu sắc về một tấm lòng yêu nước…

1. Tuổi thất thập vẫn “trên từng cây số”. Nhạc sỹ Đỗ Lập (tên thật Đỗ Thành Lập) vóc người xương gầy nhưng ấn tượng của tôi về ông là khuôn mặt luôn sáng bừng nụ cười phóng khoáng, mái tóc thưa chấm vai lãng tử và giọng nói nhanh, mềm mại tiếng Nam. Tác phong nhanh nhẹn và chặng đường hàng ngày ông đi suốt hơn 9 tháng qua làm cho tôi khó có thể tin vào tuổi tác đã 70 của ông. Nhạc sỹ Đỗ Lập cho biết, chuyến đi xuyên Việt này của ông được chuẩn bị từ tháng 11-2014, đến tháng 12 thì bắt đầu khởi hành.

Ông xuất phát từ quê nhà Hậu Giang vào ngày 22-12-2014 và đến Hải Phòng vào ngày 17-9. Trong hơn 9 tháng qua, ông đã đi qua 53 tỉnh, thành phố trên suốt chiều dài đất nước. Mỗi tỉnh, thành phố ông dừng chân vài ngày, nửa tháng để hoàn thành đúng mục đích chuyến đi của mình, rồi mới đi tiếp. Ông dự định đến khoảng tháng 10-2015 sẽ hoàn thành chuyến đi của mình qua toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước…

Nhạc sỹ cùng các chiến sỹ Đồn biên phòng A pa chải
Nhạc sỹ cùng các chiến sỹ Đồn biên phòng A pa chải

Hành trình xuyên Việt của nhạc sỹ Đỗ Lập không phải người nào cũng thực hiện được, ngay cả với thanh niên chứ chưa nói đến một người cao niên đã vào tuổi 70 cần được nghỉ ngơi như ông. Một mình một “ngựa sắt”, với chiếc xe máy cà tàng được người nhà tặng, ông tự hào là đã 2 lần xuyên Việt. Ông kể: “Tôi không phải chỉ đến những nơi dễ đi mà chọn đến những điểm xa xôi nhất như vùng địa đầu tổ quốc. Tại tỉnh Điện Biên, từ trung tâm, tôi phải đi thêm hơn 200 mét lên đến A-pa-chải, là khu vực biên giới và cũng là cực Tây tổ quốc. Tại Hà Giang, tôi một mình một xe ngược đến Lũng Cú - cực Bắc Việt Nam. Tại Vũng Rô - cực Đông và Cà Mau - cực Nam tổ quốc thì tôi đã đến được dễ dàng hơn vì địa hình đồng bằng dễ đi.

Khó đi nhất là qua miền Tây Bắc. Đây là khu vực đồi núi, vẫn còn nhiều đoạn đường tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Nhất là đoạn đường từ trung tâm Hà Giang lên Lũng Cú (Đồng Văn), đèo dốc quanh co. Có đoạn đường nhìn xuống lạnh xương sống bởi một bên là núi, một bên là vực sâu thẳng đứng. Chỉ đi mất một ngày, song chuyến đi Lũng Cú làm tôi nhớ mãi. Mới đây nhất, tại tỉnh Quảng Ninh, tôi cũng đi đến tận Móng Cái ra bãi biển Trà Cổ…”.

Tuy không phải người giỏi “phượt” song tôi vẫn có thể hình dung được sự khó khăn nguy hiểm của những tuyến đường mà nhạc sỹ Đỗ Lập nhắc đến trong chuyến hành trình của mình. Tôi nhớ một anh bạn thời đại học, tuổi mới đôi mươi mà khi đi đường núi lên Tây Bắc bằng phương tiện xe máy, lúc trở về gặp đúng mùa mưa phùn, đành để xe máy ở lại để bắt xe đò về vì sợ bùn dầy, đường trơn dễ tai nạn. Vậy mà bác Lập nói về chuyện đi hàng tháng trời, khắp các địa hình khó đi còn hơn như thế một cách rất bình thản khiến tôi không khỏi ngạc nhiên và khâm phục.

Nói về “sự thôi thúc” nào đã tạo động lực để ông lên đường, không chút quản ngại, ông cho biết: “Chuyến đi của tôi nhằm mục đích lớn nhất là thu thập chữ ký, lưu bút, ghi lời tâm huyết của đồng bào cả nước hướng về Biển Đông, nhất là thế hệ trẻ, đồng bào tại những vùng xa xôi nhất của tổ quốc, do vậy dù phải hành trình khó khăn gian khổ đến mấy tôi cũng không ngại. Cũng trong chuyến đi này tôi cảm nhận được sự chia sẻ của mọi người, chung sức chung lòng để tôi hoàn thành tâm nguyện của mình…”.

2. Người con miền Nam một lòng hướng ra đất Bắc. Quê hương của nhạc sỹ Đỗ Lập tại xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, cũng là nơi có dòng kinh xáng Xà No, là mạch nguồn khơi gợi dòng chảy nghệ thuật và máu lãng tử trong con người nhạc sĩ tài hoa, hiền hậu ấy. Sinh ra trong chiến tranh, Đỗ Thành Lập từ nhỏ đã mất mẹ, đến năm 6 tuổi, người cha làm xã đội trưởng cũng bị giặc giết trong một trận chống càn. Mới tám tuổi, hai chị em Đỗ Thành Lập lên tàu theo dòng người tập kết ra Bắc.

Người nước ngoài cũng tham gia lưu bút trên chuyến hành trình của nhạc sỹ
Người nước ngoài cũng tham gia lưu bút trên chuyến hành trình của nhạc sỹ

Tuổi thơ Đỗ Thành Lập được nâng niu, ấp ủ trong vòng tay yêu thương của người chị gái và các thầy, các bạn trong Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc. Cho đến ngày hôm nay, đối với người nhạc sỹ miền Nam già thì đất Bắc đã được ông coi là quê hương thứ hai, nơi ông có những kỷ niệm êm đềm và luôn nhớ đến, mong muốn được tri ân.

Năm 1974, trước cảnh quê hương miền Nam vẫn đang rên xiết dưới gót giày quân xâm lược, chàng thanh niên Đỗ Thành Lập lên đường nhập ngũ, trở thành người lính Trường Sơn, góp phần giành lại hòa bình cho mảnh đất quê hương. Đất nước thống nhất, Đỗ Lập trở về quê hương Hậu Giang sinh sống, làm giáo viên dạy nhạc tại một trường cấp 2 cho đến tuổi nghỉ hưu. Dòng máu nghệ thuật luôn thôi thúc ông sáng tác. Hơn 10 năm nay, nhạc sĩ Đỗ Lập là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang, chuyên ngành âm nhạc.

Đến nay, người nhạc sĩ tài hoa ấy đã in thu hoàn chỉnh 5 đĩa nhạc, trong đó có 1 đĩa viết cho thiếu nhi, dự thi một số ca khúc và có giải thưởng. 4 người con ông Lập đã phương trưởng, nỗi day dứt muốn trở về miền Bắc lại bắt đầu thôi thúc người nhạc sỹ già. Ý tưởng về một chuyến đi xuyên Việt bằng xe máy để thu thập mẫu đất của 63 tỉnh, thành cả nước về đắp lên tấm sa bàn nước Việt Nam thu nhỏ đã được nung nấu trong ông suốt 10 năm, từ lúc ông còn sung sức. Cuộc mưu sinh, rồi cuộc sống đời thường… đã khiến cho ông không thực hiện được ý tưởng của mình. Mãi đến khi nhà nước phát động toàn dân hướng về Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhạc sỹ Đỗ Lập mới có cơ hội thực hiện ý định của mình…

3. Hai cuộc hành trình xuyên Việt giàu ý nghĩa. Năm  2010, được sự ủng hộ của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang, ông đã thực hiện chuyến đi xuyên Việt bằng xe máy lần thứ nhất với chủ đề “Về nguồn” nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ông bắt đầu xuất phát từ bến Nhà Rồng (thành phố Hồ Chí Minh) vào tháng 3-2010, đến tháng 5-2010 kết thúc ở thủ đô Hà Nội.

Chuyến đi 63 tỉnh, thành phố của ông dài trên 10.000km. Mỗi tỉnh, thành phố, ông đều đến những địa danh linh thiêng, nổi tiếng để làm “nghi lễ lấy đất” làm bản đồ Việt Nam. Chuyến đi “Về nguồn” của ông với mong muốn lấy đất của 63 tỉnh, thành trong cả nước để làm một tấm bản đồ bằng đất “độc nhất vô nhị”, bởi ông quan niệm “đất đi đôi với nước”, hai từ này ghép sẽ thành “Đất nước”. Cho dù đã qua hơn 5 năm song nhạc sỹ Đỗ Lập vẫn không thể nào quên từng chặng đường mà ông đã trải qua trong chuyến đi ấy.

Ông kể: “Tôi đã đi chuyến đi đó chỉ trong hơn 2 tháng, tức là khoảng hơn 60 ngày. Mỗi địa phương tôi chỉ đi mất một ngày, nhiều lắm là hơn một ngày chứ chưa bao giờ đến 2 ngày. Trong suốt chuyến đi, lạy trời là tôi không ốm và xe cũng không bị hỏng lần nào. Mỗi địa phương, tôi chọn lấy một địa danh tiêu biểu tại nơi đó, đến đúng địa điểm ấy và chọn một người, hoặc nhóm người điển hình trao cho tôi nắm đất, chụp ảnh, quay phim lại để ghi dấu, làm kỷ niệm. Khi trở về, tôi mua một tấm kính loại tốt đặt trên tấm bản đồ hành chính Việt Nam, lấy bút khắc kính, vẽ hình thù của mỗi tỉnh lên tấm kính một cách chuẩn xác. Đất khô của từng tỉnh trộn với nước, tạo ra hình thù của tỉnh đó, rồi lại phơi khô. Khi miếng đất khô, tôi lấy keo dính chặt vào tấm kính. Riêng Thủ đô Hà Nội, ngoài đất tôi còn đặt thêm một trái tim màu hồng bằng đá. Xung quanh bản đồ làm khung kính, giúp bản đồ được bền vững, bảo quản được lâu dài. Tấm bản đồ “đất của 63 tỉnh, thành phố” hiện đặt tại Bảo tàng Hà Nội, thu hút được nhiều du khách tới xem, tìm hiểu.

Nói về chuyến xuyên Việt lần 2 được ông “đặt tên” là “Chung sức một lòng hướng về Biển Đông”, nhạc sỹ Đỗ Lập tâm sự: “Ý tưởng chuyến đi này cua tôi có từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trên biển Đông. Tôi mong muốn ghi lại những ý kiến của đồng bào cả nước luôn hướng về biển Đông và đồng bào chiến sỹ nơi hải đảo xa xôi, đang canh giữ lãnh hải đất nước…”. Tính đến thời điểm này, nhạc sỹ Đỗ Lập đã thu thập được gần 20 nghìn ghi chép, lưu bút, chữ ký của nhân dân cả nước…

4. Dành tình yêu cho thành phố Hải Phòng. Chia sẻ về hành trình của mình tại Hải Phòng, nhạc sỹ Đỗ Lập vui vẻ: “Nếu cứ để tôi tự đi trên đường phố Hải Phòng thì cũng không bị… lạc, bởi dù Hải Phòng có đổi thay bao nhiêu thì những con đường thân thuộc với tuổi thơ của tôi, tôi mãi không quên…”.

Thì ra, những năm tập kết ra Bắc, nhạc sỹ Đỗ Lập được nuôi dưỡng tại thành phố Cảng. Bác có kể với tôi những kỷ niệm khi còn là một cậu học trò nhỏ của trường cấp 1 tại địa chỉ 14 phố Cầu Quay và học trường cấp 2 tại 19 phố Cầu Rào (mà theo bác là địa điểm Trường đại học Hàng hải Việt Nam bây giờ). Những con phố quen thuộc của đất Cảng vẫn còn dư âm ngọt ngào trong lòng người nhạc sỹ già khi ông nhớ những ngày niên thiếu đi nhặt quả bàng rơi cùng những người bạn. Biết bao năm tháng đã trôi qua nhưng kỷ niệm về bạn bè thuở ấu thơ, những góc phố quen vẫn thôi thúc ông một ngày tìm lại.

Trong chuyến xuyên Việt “Về nguồn”, ông đã tìm lại được một người bạn cũ, cũng là cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc, hiện sống tại Cầu Niệm. Người bạn ấy đã trao cho ông nắm đất tại Nhà hát thành phố để gắn vào địa danh Hải Phòng trên tấm bản đồ “đất của 63 tỉnh, thành phố” hiện đặt tại Bảo tàng Hà Nội…

Đến với Hải Phòng trong chuyến xuyên Việt lần 2 này, nhạc sỹ Đỗ Lập có dự định sẽ liên hệ với Thành đoàn, đi đến các trường học của thành phố để ghi lưu bút và chữ ký trong cuốn sổ dày cộm mà ông giới thiệu là cuốn thứ Tư rồi. Giở đến trang gần cuối, tôi thấy dòng chữ của nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ, Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng vừa ráo mực trên trang viết: “Chia sẻ và trân trọng tấm lòng của nhạc sỹ Đỗ Lập về biển đảo và tổ quốc Việt Nam. Chúc anh khỏe và có nhiều sáng tác hay về biển đảo quê hương…”.

Tôi  tin rằng cùng với lời chúc đầu tiên này, trong những ngày ở Hải Phòng, nhạc sỹ Đỗ Lập tiếp tục nhận được nhiều dòng lưu bút và chữ ký của nhân dân thành phố và các tỉnh, thành phố khác để gửi tình cảm đến nơi biển đảo yêu thương…

NHẬT LAM


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông