Người thầy thuốc Đam mê chữa bệnh cứu người

    17:47 27/02/2021

    “Tôi đến với nghề này cũng vì niềm đam mê, kính trọng ông nội và cha tôi cùng những bác sĩ, y tá những người đồng nghiệp của cha và ông tôi từ thưở đất nước còn chìm trong bom đạn. Tấm lòng yêu thương, sự chăm sóc, cứu chữa tận tụy của ông và cha dành cho những bệnh nhân đã truyền lửa cho tôi từ những ngày thơ ấu…”, Bác sĩ Nội Trú Phạm Thanh Hải, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp trải lòng về con đường đến với nghề thầy thuốc cao quý.

    Bác sĩ Nội Trú Phạm Thanh Hải đã 28 lần hiến máu cứu người

    Bác sĩ Nội Trú Phạm Thanh Hải, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp sinh năm 1985, tại quê hương đất Mỏ. Annh sinh ra trong một gia đình có truyền thống trong ngành y với ông nội và cha đều là bác sĩ quân y.

    Bác sĩ Nội Trú Phạm Thanh Hải là một bác sĩ tận tụy với người bệnh

    Anh kể, ngày nhỏ, hôm nào cũng thấy bố đeo chiếc túi cứu thương đạp chiếc xe lọc cọc đi làm, trong lòng anh cảm thấy thích thú lắm. Ngày bình thường không sao, có những đêm hôm khuya khoắt, hay trưa cha vừa về còn chưa kịp dựng chiếc xe đã có người gọi đi cấp cứu cho bệnh nhân.

    Cha lại hớt hải đạp xe đi. Ngày đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế còn thiếu thốn lắm nên đi làm vất vả vô cùng. Tôi thấy thương và kính trọng cha vô cùng. Ước mơ được trở thành một bac sĩ cứu người giống cha cũng được ấp ủ từ ngày ấy.

    Bác sĩ Nội Trú Phạm Thanh Hải tham gia các ca phẫu thuật khó

    Ngày bước chân vào cổng trường Đại học Y Hải Phòng, anh vui mừng biết bao vì ước mơ bấy lâu đã trở thành hiện thực. Duyên nghiệp với nghề, với mảnh đất Hải Phòng cũng bắt đầu từ ngày đó.

    Sau 6 năm miệt mài tu luyện tại Khoa Đa khoa và 2 năm đào tạo Bác sĩ Nội trú ngoại của Đại học Y dược Hải Phòng, năm 2011 anh về công tác tại Khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng, trở thành người thầy thuốc nhân dân, chữa bệnh cứu người.

    Bác sĩ Nội trú Phạm Thanh Hải, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp chia sẻ: Những năm mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm nên anh thường được theo phụ các kíp mổ của những bác sĩ có chuyên môn cao.

    Những năm đầu ấy có một kỷ niệm “thót tim” khiến anh nhớ mãi, đó là vào năm 2013, trong một ca mổ cấp cứu cho bệnh nhân viêm ruột thừa, do đòi hỏi phải thao tác nhanh nên không may anh bị kim đâm vào tay. Sau  đó, có kết quả xét nghiệm máu anh mới biết bệnh nhân mắc HIV.

    Anh không thể miêu tả hết được nỗi sợ hãi, lo lắng của anh lúc bấy giờ là như thế nào cho hết. Phải sau 1 tháng uống thuốc kháng HIV, cho kết quả anh không nhiễm bệnh thì anh mới “thở phào” nhẹ nhõm.

    Bên cạnh đó anh cũng có những kỷ niệm vui, ấm áp trong nghề. Đó là trong một lần điều trị, truyền máu cho bệnh nhân, anh nhận ra nguồn máu đó do chính anh hiến.

    Một niềm vui, hạnh phúc ngập tràn trào dâng trong tôi, không gì ý nghĩa hơn đối với một bác sĩ là được đem chính công sức và cả một phần sự sống của mình để cứu chữa, mang lại cuộc sống cho người bệnh.

    18 năm, từ ngày anh còn chàng sinh viên của Đại học Y Hải Phòng đến nay khi đã trưởng thành là Phó trưởng Khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng, Bác sĩ Nội trú Phạm Thanh Hải đã 28 lần hiến máu cứu người. Chính tấm lòng yêu thương đối với người bệnh luôn thôi thúc anh hiến dâng tất cả những gì mình có.

    Tận tâm cống hiến, hết lòng cứu chữa bệnh nhân, mỗi năm anh trực tiếp mổ cho khoảng 600 ca bệnh, tham gia hàng nghìn ca phẫu thuật trong đó có hàng trăm ca bệnh khó được phẫu thuật thành công.

    Bên cạnh đó, Bác sĩ Nội trú Phạm Thanh Hải, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học còn có niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Năm 2018, anh tham gia cùng các y bác sĩ thực hiện thành công trong nghiên cứu đề tài “Ứng dụng phương pháp phẫu thuật nội soi ngược dòng trong thận và ống mềm, điều trị sỏi thận tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp”.

    Ngay sau đó đề tài nghiên cứu được ứng dụng, mang lại hiệu quả thiết thực khi giúp cho bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện với chi phí thấp, tiết kiệm được khoảng 40% khi phải thực hiện tại các bệnh viện tuyến trên.

    Bác sĩ Nội trú Phạm Thanh Hải, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp trải lòng: Bên cạnh những điều tốt đẹp ấy, nghề thầy thuốc cũng chịu áp lực rất lớn từ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Đối tượng mà các y bác sĩ tiếp xúc chính là người bệnh và người nhà của họ. Mỗi người một tình trạng bệnh đến suy nghĩ, thái độ, cách cư xử đều khác nhau.

    Để gần gũi, hiểu được điều họ muốn không phải là chuyện dễ. Có trường hợp người nhà bệnh nhân không kiềm chế được cơn tức giận liền nổi nóng, la ó thậm chí xúc phạm đến chúng tôi. Nhưng chúng tối vẫn phải phải giữ thái độ niềm nở, nhẹ nhàng, bình tĩnh và đặt việc cứu chữa người bệnh là trên hết. Nếu không có một tình yêu nghề, yêu người thực sự, anh nghĩ những y, bác sĩ khó có thể theo được nghề này.

    Với những cống hiến trong những năm qua, Bác sĩ Nội trú Phạm Thanh Hải, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã được nhiều cấp biểu dương, khen thưởng, trong đó anh được UBND thành phố trao Bằng khen “Hoàn thành xuất sắc công tác Y tế giai đoạn 2015-2020”, liên tục giữ danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” từ năm 2015-2020.

    Thầy thuốc không đơn thuần chỉ là nghề để kiếm sống, mưu sinh mà là nghề thực hiện sứ mệnh thiêng liêng là cứu người từ "bàn tay tử thần”, đó là một chặng đường dài đầy gian khổ và đức hy sinh vô bờ bến của họ. Những người thầy thuốc như Bác sĩ Nội trú Phạm Thanh Hải như những ngọn nến luôn cháy hết mình cho sự sống của con người.

    Xuân Hạ

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông