14:18 25/10/2021 Dù ở giai đoạn nào, trong xã hội cũng luôn có bộ phận không nhỏ người dân tiết kiệm được một khoản tiền của dôi dư, nhiều người không có khả năng hoặc không muốn trực tiếp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nên chọn các kênh đầu tư gián tiếp để sinh lời. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn, thị trường vốn bộc lộ nhiều bất cập do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, bất động sản đóng bang, đầu tư công giải ngân chậm, việc đầu tư tiền nhàn rỗi của người dân cũng lâm vào lúng túng.
Nhiều người dân lúng túng khi sử dụng tiền “nhàn rỗi” (Ảnh minh họa)
Kẻ thiếu, người thừa khi đất… “sốt”
Cách đây hai năm, thị trường bất động sản thành phổ đột nhiên sôi động, sau khoảng thời gian dài chìm sâu trong ảm đạm. Đáng lưu ý là, cường độ “sốt” đất ở khu vực ngoại thành cao hơn rất nhiều so với nội thành, nhất là ở các huyện Thủy Nguyên, An Dương, An Lão…
Giá chuyển nhượng đất các loại tăng vùn vụt theo tuần, nhà nhà rủ nhau kẻ mua, người bán, những người cơ hội thì cầm cố tài sản ở ngân hàng để lấy vốn đầu tư. Cũng từ đây, hoạt động tín dụng “đen” với nguồn vận động chủ yếu là tiền dôi dư trong xã hội cũng được dịp trỗi dậy.
Theo kinh nghiệm của một số người trong cuộc, thì nguyên nhân sốt đất có nhiều, nhưng chủ yếu là do chủ trương điều chỉnh phát triển ở tầm vĩ mô, với định hướng chính có thể kể như mục tiêu đưa Thủy Nguyên lên thành phố; An Dương trở thành quận nội thành; An Lão thu hồi đất để phục vụ mở rộng khu công nghiệp Tràng Duệ…
Chỉ tính ở khu vực huyện An Lão, giá chuyển nhượng đất ở đã tăng gấp nhiều lần so với những năm trước đó. Ông Nguyễn Văn P. – một người quê ở xã Trường Thành (An Lão) tâm sự, nhà ông có hơn 3 sào đất vườn chỉ có một mình mẹ ông ở, anh chị em thoát ly hết, lâu nay gạ gẫm ai về ở giữ đất cha ông thì được hưởng cả mà chưa ai chịu nhận.
Vào cuối năm 2019, giá đất sốt mạnh, “cò” đất ngày nào cũng xộc vào nhà gọi mẹ ông P. xem đất gạ mua, có người trả 10 triệu đồng/mét vuông. “Tính ra nếu bán được giá ấy thật, tài sản toàn bộ anh chị em tôi trong phố cũng không bằng vườn bố mẹ tôi để lại, nhưng chúng tôi đã thống nhất không bán để giữ đất hương hỏa, chú bán chia nhau tiền thừa cũng chẳng biết làm gì…”- ông P. nói.
Báo hại cho mẹ ông P., cụ đã cao tuổi ở quê quen rồi nên nhất định không chịu theo con cháu vào phố, ở một mình thì ngày nào cũng phải tiếp người lạ, thành thử phải gọi con cháu về xây lại cổng mới, khóa luôn không tiếp khách.
Tình cảnh này không còn là chuyện lạ đối với nhiều gia đình trên địa bàn các huyện “sốt” đất nêu trên. Tuy nhiên, cũng như những đợt sốt đã từng xảy ra, thị trường bất động sản luôn chỉ là bong bóng ảo, lên nhanh và xuống dốc cũng không phanh. Hiện thị trường bất động sản nhìn chung đã lui về thế ảm đạm, nhưng một lượng tiền khổng lồ đang bị găm vào “đất” mà chưa có lối thoát ra.
Loay hoay với vốn dôi dư
Trở lại với câu chuyện tiền nhàn rỗi, song hành cũng tốc độ phát triển, hàng chục năm qua bên cạnh những dự án đầu tư bất động sản theo hướng đô thị hóa, còn một lượng rất lớn đất đai, nhà ở được thu hồi để phục vụ cho các dự án kinh tế, hạ tầng giao thông. Khó có thể thống kê chính xác được số tiền đền bù được chuyển cho những người dân, những chắc chắn là con số rất lớn, chưa kể một nguồn tiền không nhỏ của xã hội dôi dư từ các hoạt động khác.
Đợt sốt đất nêu trên cũng khiến không ít người dân “tự nhiên có tiền rơi xuống”, nhờ hưởng thừa kế khi đất hương hỏa ở quê được bán đi. Bà Vũ Thị Y. ở quận Lê Chân bộc bạch: “Là phận gái đã xuất giá theo chồng, tôi chẳng mong chia phần đất của cha ông để lại, nhưng khi đất được bán đi, anh chị em trong nhà vẫn thống nhất chia đều, nhà tôi cũng được gần một tỷ đồng.
Bà Y. cho biết, có chút vốn liếng mà chưa biết làm gì cho hiệu quả, buôn bán kinh doanh thì mình không có khả năng, gửi ngân hàng thì sợ trượt giá, mua vàng thì cũng sợ bấp bênh mà cho vay lãi ngoài thì sợ người ta lừa mất…
Cần phải thấy rằng, trong điều kiện mở cửa hội nhập, nếu kinh tế - xã hội ổn định thì cơ hội sinh lời cho đồng tiền nhàn rỗi rất đa dạng. Ngay như gửi tiết kiệm cũng có quá nhiều lựa chọn, chưa kể các hình thức khác như đầu tư chứng khoán, bảo hiểm, tích trữ ngoại tệ hay bất động sản, không ít người còn “liều” hơn khi rót tiền vào cho vay nặng lãi và bán hàng đa cấp.
Điều thấy rõ là, khi thị trường hàng hóa phát triển mạnh, việc lưu giữ bằng hàng hóa hiện vật truyền thống gần như không còn ai áp dụng nữa, thậm chí việc giữ tiền mặt trong nhà cũng hạn chế vì tính chất hoạt động yếu của đồng Việt Nam.
Nhưng nhìn lại những năm qua, dường như các kênh đầu tư vốn nhàn rỗi trong nhân dân đều gặp biến động mạnh. Ông Nguyễn Minh X. - một người dân ở quận Dương Kinh kể lại, thời kỳ giải phóng mặt bằng các khu nhà ở Anh Dũng, toàn bộ tiền đền bù gia đình ông nhận được là hơn 700 triệu đồng.
Xuất thân nông dân, không có khả năng kinh doanh, lại không còn đất để canh tác, ông X. đem tiền gửi ngân hàng để rút lãi ra chi tiêu. Thời điểm lãi suất cao nhất lên tới trên 15%/năm, gia đình ông sống tùng tiệm, nhưng giờ đây với mức lãi suất chỉ trên dưới 7%/năm, mỗi tháng ông chỉ rút ra được hơn 4 triệu đồng. Để thì lo tiền mất giá, mà rút gốc ra cũng không biết làm gì với… tiền.
Điều đáng nói là, dù có tiền nhưng nhiều người không có khả năng đầu tư kinh doanh, tự tái tạo và phát triển nguồn vốn. Một thời gian nền kinh tế thị trường đã làm phát sinh nhiều cơ hội, nhưng do trình độ của những người dân có hạn, chưa nhìn hết rủi ro tiềm ẩn nên rất dễ gặp thất bại.
Đơn cử như thị trường chứng khoán, thực tế cho thấy những người “ngập sâu” vào chứng khoán đã phải “ăn quả đắng” đến mức nào. Trong khi đó, một kênh tiết kiệm truyền thống khác là tích trữ ngoại tệ, thì ngay cả giá trị ngoại tệ cũng không đem lại hiệu quả như mong muốn.
Một số người mạnh dạn đem tiền dôi dư của mình đầu tư vào các hoạt động tín dụng “đen” hoặc xé nhỏ tự đem cho vay lãi, thời gian qua cũng gặp nhiều rủi ro. Trong khi tín dụng “đen” thời buổi hiện nay được trá hình dưới nhiều hình thức tinh vi hơn, tiềm ẩn rủi ro cũng cao hơn, mà không ít người đã “tan cửa nát nhà”. Hậu quả thấy rõ là những vụ vỡ nợ, lừa đảo, chiếm dụng tài sản liên tục xảy ra, nhiều gia đình mất trắng cả “chì lẫn chài” khi đầu tư ngoài luồng.
Có thể thấy thời điểm hiện tại, sau những biến cố do dịch bệnh Covid-19 gây ra, kinh tế đất nước đang có dấu hiệu phục hồi tích cực, nhưng việc giải quyết các nguồn vốn chính thống vẫn là điều nhức nhối, bởi lẽ ngay các ngân hàng cũng đang tìm cách kìm hãm lãi suất để tìm cách giải ngân nguồn tiền ứ đọng.
Nên nguồn tiền dôi dư trong nhân dân càng khó tìm được đường đi vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng thực chất. Nghĩa là một lượng không nhỏ nguồn vốn trong xã hội đang bị đóng băng, khi hầu hết các kênh hoạt động đều không đem lại hiệu quả như đã nói ở trên.
Lê Minh Thắng
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão