11:19 03/07/2018 “Tập thơ 100 trang và 80 bài thơ, số lượng không nhiều nhưng tất cả là nước mắt, nụ cười của mẹ, những miền đất mẹ đã đi qua.” – Nhà thơ Trần Thị Bảo Thư nói vậy về tập thơ của mẹ mình – Nguyễn Thị Hoài Thanh: “Tôi ở Hải Phòng”, do NXB Thế giới ấn hành, mới ra mắt những người yêu thơ thành phố Cảng.
Nhà thơ Nguyễn Thị Hoài Thanh sinh năm 1936, là hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng, Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng, bắt đầu viết thơ từ năm 1952 cho đến nay. Tập thơ “Tôi ở Hải Phòng” được xuất bản vào tháng 3-2018 với những sáng tác được viết chủ yếu ở Hải Phòng, viết về Hải Phòng của tác giả.
Bà là nhà thơ nữ duy nhất của giai đoạn chiến tranh chống Mỹ ở Hải Phòng, nay đã ngoài 80 tuổi và đang sinh sống ở thị xã Long Khánh (Đồng Nai).
Tập thơ “Tôi ở Hải Phòng” xuất bản tháng 3-2018 của Nguyễn Thị Hoài Thanh
Vừa qua, trong buổi ra mắt tập thơ tại Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng, vì sức khỏe yếu nên nữ thi sĩ không thể có mặt tại chương trình. Qua điện thoại, bà chia sẻ: “Với tôi, tập thơ này chưa phải là tập thơ hay nhưng chính là tất cả tình cảm của tôi dành tặng cuộc đời này”.
Người đọc dễ dàng kiểm chứng được điều đó qua 100 trang thơ của tập “Tôi ở Hải Phòng”, tất cả là những tình cảm dung dị, mộc mạc của bà dành tặng thành phố quê hương. Nơi đó gắn nhiều kỷ niệm với nhà thơ, là nơi bạn bè văn chương, người thân và cả những người yêu thơ luôn nhớ đến một Nguyễn Thị Hoài Thanh nhân từ, hiền dịu trong thi ca và lao đao, truân chuyên trong đời thường.
Bài thơ “Tôi ở Hải Phòng” được chọn làm chủ đề của tập thơ như lời khẳng định một tình yêu đậm sâu mà tác giả dành cho thành phố Hải Phòng. Bài thơ được bà viết năm 1979, có người còn ví nó như thẻ căn cước bằng thơ mà thành phố Hải Phòng cấp riêng cho nữ thi sĩ vậy. “Tôi ở Hải Phòng/ Dù mai sau tôi sẽ chẳng còn/ Thì hoa phượng khắp nẻo đường vẫn cháy lên mong ngóng/ Thành phố hôm nay cất mình gió lộng/ Tôi xin làm gió đời đời ôm thành phố hát ca”.
Rải rác khắp tập thơ, Hải Phòng được nhắc tới rất nhiều với những địa danh sống Cấm, cầu Rào, cầu Xi Măng, Kỳ Sơn, Hạ Lũng qua các bài như: Thành phố mùa thu, Hoa phượng, Thi sĩ, Cầu xi măng… Mỗi địa danh là một kỷ niệm thân thương của nhà thơ, dù vui hay buồn.
Người yêu thơ nhận xét thơ của bà giản dị, đằm sâu những suy nghĩ mà vẫn giữ được sự hồn nhiên trong sáng. Và chính sự chân, mộc ấy làm cho người đọc luôn nhớ tới bà. Còn nhà thơ Phạm Ngà thì cho rằng thơ Hoài Thanh toát ra một vẻ nhân hậu, bao dung đối với con người và cuộc đời.
Ngay cả trong lĩnh vực tình yêu, nếu như các tác giả viết nhiều về đề tài này thường viết với những ngôn từ, cung bậc cảm xúc say đắm nhất hoặc đau buồn nhất thì Hoài Thanh cũng chỉ viết ít, tình cảm đằm thắm, không đam mê, dù có chút nuối tiếc ngậm ngùi nhưng không than vãn trách cứ.
Phải nói rằng, tình yêu lớn lao nhất của Hoài Thanh là tình yêu gia đình. Tập thơ “Tôi ở Hải Phòng” ngoài những bài viết về thành phố hoa phượng đỏ nơi bà có nhiều kỷ niệm gắn bó thì phần lớn vẫn là những bài thơ viết về gia đình.
Những cảm xúc chân thật cứ thế đi vào trong thơ Nguyễn Thị Hoài Thanh khi nhắc đến từng thành viên thân thương của tổ ấm, là con, là cháu, những bóng hình bé bỏng của bà. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, bởi nhà thơ một mình ấp ủ đàn con từ tấm bé, trải qua biết bao vất vả mưu sinh của cuộc sống thường ngày. Vì thế tình yêu lớn lao bà gửi cả nơi gia đình, rồi được trải lòng trong thơ.
Kể câu chuyện gia đình từ những vần thơ mà mẹ mình viết, nhà thơ Bảo Thư xúc động: Mẹ tôi “Trò chuyện với con” khi bà vừa qua tuổi tứ tuần, cái tuổi người ta lẽ thường còn nồng mặn với đời thì mẹ đã nghĩ về sự “ra đi khi chưa kịp làm bà”, lo cho “hai chị em” tôi không còn được “đón mẹ đi chợ về” mỗi buổi. Người dặn dò: “Đừng khóc con ơi/ Mẹ chỉ ra đi như đêm tối”… Những câu thơ cứ chập chờn trong giấc mơ của tuổi nhỏ để mỗi lần đi xa, tôi luôn khao khát ngày về…
Thế rồi nay, tác giả Hoài Thanh đã 83 tuổi, là mấy chục năm hai chị em nhà thơ Bảo Thư đi dọc bài “di chúc” của mẹ để biết yêu thương và trân trọng cuộc sống hơn, cả khi mẹ vẫn hàng ngày cười nói, giảng dạy con tất cả những vui buồn để họ biết trân quý từ cỏ cây và hơi thở muôn loài.
Với “Tôi ở Hải Phòng”, người đọc cảm nhận rõ những ký ức, tình yêu, những nỗi nhớ trong thơ Nguyễn Thị Hoài Thanh. Lời ít nói nhiều, những vần thơ dung dị, gần gũi đã nói lên cả cuộc đời tác giả. Thơ Hoài Thanh là lời tự sự ôn tồn, nhẹ nhàng mà thấm thía.
Huyền Trâm
14:29 23/11/2024