11:09 04/10/2022 Ngày 4-10-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh công bố Pháp lệnh phòng cháy chữa cháy. Sự kiện này đánh dấu sự thay đổi căn bản trong công tác quản lý nhà nước về PCCC, đồng thời mở ra một trang sử mới trong lịch sử phát triển của lực lượng Cảnh sát PCCC. Để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động phòng cháy và chữa cháy, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật PCCC (Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 04/10/2001), trong đó quy định lấy ngày 4/10 hàng năm là "Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy”.
Đổi mới công tác tuyên truyền
Trải qua 61 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền mà trực tiếp, thường xuyên là Đảng uỷ CATW, lãnh đạo Bộ Công an; Đảng uỷ, lãnh đạo CATP; sự phối hợp giúp đỡ của quần chúng Nhân dân; Cảnh sát PCCC và CNCH CATP đã phát huy vai trò nòng cốt, luôn bám sát địa bàn, cơ sở vận động Nhân dân tham gia công tác PCCC, xây dựng nhiều mô hình phong trào, điển hình tiên tiến trong công tác PCCC, qua đó góp phần bảo đảm ANTT, an toàn PCCC phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNC CATP đã điều động trên 100 lượt xe chữa cháy, xe chuyên dùng, tàu chữa cháy cùng lực lượng, phương tiện tại chỗ tổ chức chữa cháy kịp thời, hiệu quả 34/34 vụ, cứu được 1 người mắc kẹt trong đám cháy.
Đại tá Hoàng Văn Bình – Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - CAHP cho biết: Xác định một trong những việc làm quyết định sự thành bại trong công tác PCCC và CNCH đó là sự vào cuộc của các cấp, ngành, nhất là sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân trong chấp hành nghiêm các quy định về PCCC và CNCH. Do đó, thời gian qua, đơn vị luôn chú trọng đổi mới và linh hoạt, sáng tạo nhiều hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về PCCC.
Nếu như trước đây, đơn vị tập trung vào tuyên truyền miệng theo các chuyên đề phù hợp với từng đối tượng cụ thể và tăng cường giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục, tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC thì vài năm trở lại đây Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP đã chủ động xây dựng và đăng tải tin, bài, phóng sự định kỳ tuyên truyền về PCCC và CNCH trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng; Chuyên đề An ninh Hải Phòng; Báo Hải Phòng và Cổng Thông tin điện tử Công an thành phố.
Bên cạnh đó, đơn vị và Công an các quận, huyện chủ động tham mưu UBND cùng cấp tổ chức các lớp tuyên truyền PCCC cho cán bộ chủ chốt của quận, huyện, phường, xã, thị trấn, khu công nghiệp và một số trường học trên địa bàn. Các nội dung tuyên truyền chủ yếu về: Kiến thức cơ bản về PCCC và CNCH; thông tin về hoạt động PCCC và CNCH của các cấp, ngành và lực lượng công an; tình hình cháy, nổ, tai nạn, sự cố, các vụ cháy điển hình trên địa bàn thành phố, trong nước và thế giới; kỹ năng thoát nạn và xử lý khi có cháy, nổ xảy ra; các nguy cơ, nguyên nhân cơ bản dễ dẫn đến cháy, nổ và các biện pháp phòng cháy. Đồng thời, biểu dương và nhân rộng gương người tốt, việc tốt trong công tác PCCC và CNCH.
Xác định lực lượng tại chỗ đóng vai trò hết sức quan trọng, do đó, thời gian qua, Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP tổ chức hàng trăm lớp tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về PCCC đối với các tầng lớp Nhân dân, người đứng đầu cơ sở, lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở.
Theo thống kê của Công an thành phố, 9 tháng năm 2022, các đơn vị tổ chức 550 lớp tập huấn tuyên truyền kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH cho hơn 47.000 lượt người; 223 lớp huấn luyện PCCC và CNCH để cấp chứng chỉ cho hơn 9.000 người là cán bộ, đội viên Đội Dân phòng để từ đó đội ngũ này tiếp tục hướng dẫn tới Nhân dân tại các thôn, tổ dân phố và công nhân, lao động trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh; phát trên 230.000 tờ rơi, cuốn cẩm nang về công tác PCCC và CNCH tới lãnh đạo và Nhân dân các địa phương; vận động khoảng 10.000 người cài đặt app “Báo cháy 114” và theo dõi trang zalo “Cục Cảnh sát PCCC và CNCH”…
Song song với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC, thời gian qua, Cảnh sát PCCC và CNCH CATP tập trung duy trì và nhân rộng các mô hình an toàn PCCC. Đến nay, thành phố Hải Phòng đã xây dựng thành công nhiều mô hình an toàn PCCC tiêu biểu như: mô hình chợ kiểu mẫu đạt chuẩn về PCCC; mô hình khu chung cư, tổ dân phố, nhà tập thể an toàn PCCC; mô hình Làng nghề an toàn PCCC; Bến cảng an toàn PCCC; trường học an toàn PCCC, Ngôi nhà an toàn PCCC do Hội Phụ nữ Cảnh sát PCCC đảm nhận…
Các mô hình này đều có quy định về tiêu chí an toàn PCCC để mọi người dễ nhận biết và thực hiện. Từ khi triển khai thực hiện mô hình, tình hình cháy, nổ tại các địa phương đã cơ bản được cải thiện rõ rệt, các cấp, các ngành đã có sự quan tâm hơn đến công tác PCCC; ý thức trách nhiệm và hiểu biết về công tác PCCC của người dân được nâng lên rõ rệt. Hầu hết các tổ dân phố đã đạt 6 đến 7 tiêu chí an toàn PCCC, nhiều nơi đạt 8 đến 9 tiêu chí trên tổng số 10 tiêu chí an toàn PCCC.
Đặc biệt, từ tháng 8-2022, thực hiện Kế hoạch của Bộ Công an, Công văn của Cục C07 và kế hoạch của CATP Hải Phòng về tăng cường công tác PCCC và CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Công an các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã chủ động tham mưu với UBND cùng cấp triển khai xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” ở các tổ dân phố. Đến nay, 14/14 quận, huyện trên địa bàn thành phố đã ra mắt và đi vào hoạt động 2 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” tại các khu dân.
Thông qua việc xây dựng các mô hình nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC tới các thành viên tham gia mô hình, tới từng hộ gia đình, giúp cho mỗi gia đình và mỗi cá nhân nắm bắt được những kiến thức cơ bản nhất về công tác PCCC, góp phần làm giảm nguy cơ cháy, nổ và kịp thời cứu chữa khi có cháy, nổ xảy ra. Qua đó góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của mỗi gia đình, mỗi cá nhân; bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh chính trị và TTATXH trên địa bàn.
Thái Bình