17:32 06/06/2024 Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trên địa bàn huyện An Dương xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất kết hợp đạt hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, các xã trên địa bàn đang hướng đến nhân rộng các mô hình nhằm đa dạng hóa sinh kế và nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân.
Sản xuất liên kết với tiêu thụ hiệu quả
Với tư duy đổi mới, nhạy bén với thị trường, nhiều nông dân trên địa bàn huyện An Dương đã mạnh dạn đầu tư, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, cho hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế, không ít nông dân đứng ra làm đầu mối bao tiêu sản phẩm, định hướng các hộ dân địa phương sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân.
Nói về mô hình kết hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, trước tiên phải nhắc đến mô hình sản xuất hành lá xanh xuất khẩu ở thôn Đoài (xã An Hưng, huyện An Dương). Từ năm 2019, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, cơ sở triển khai mô hình, đến nay, diện tích trồng đạt 11 ha.
Theo bà Đào Thị Hải Ninh, chủ cơ sở, quy trình trồng hành bảo đảm các tiêu chuẩn sạch; cùng với đó các khâu sơ chế, bảo quản, đóng gói xuất khẩu được thực hiện theo quy trình khép kín. Mô hình được cấp mã vùng trồng và được UBND thành phố công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao. Sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.
Hiện sản lượng của mô hình đạt bình quân từ 100-150 tấn/năm. Tổng doanh thu khoảng 2,5-3 tỷ đồng/năm, trừ chi phí, thu nhập bình quân đạt khoảng 350 – 500 triệu đồng/năm. Mô hình góp phần giải quyết việc làm cho 10-20 lao động, với thu nhập ổn định.
Hay như mô hình trồng hoa, cây cảnh của gia đình anh Đỗ Văn Sanh ở xã Tân Tiến (huyện An Dương). Từ 1,5 ha đất gia đình tích tụ được, trên cơ sở nghề trồng hoa, cây cảnh của gia đình, anh Sanh đầu tư trồng các loại hoa lay ơn, hướng dương, loa kèn, sen…
Mô hình phát huy hiệu quả, gia đình tiếp tục đầu tư thuê thêm diện tích đất canh tác của các hộ dân, mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, diện tích trồng của gia đình lên đến 12,7 ha; tổng doanh thu khoảng 7-8 tỷ đồng/năm, trừ chi phí đạt khoảng 800 triệu đồng -1,2 tỷ đồng/năm và góp phần giải quyết việc làm cho 8 -10 lao động thường xuyên.
Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong đó có mô hình vùng sản xuất nguyên liệu khoai tây hàng hoá tập trung gắn với liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông ở các xã: An Hoà, An Hồng, Đại Bản; nuôi cá rô phi đơn tính tại xã Đặng Cương; gà lông màu tại các xã: Đặng Cương, An Đồng; mô hình trồng hoa gắn với du lịch sinh thái của hộ ông Phạm Văn Khải ở xã Tân Tiến…
Ngoài ra, toàn huyện có 125 cánh đồng, với tổng diện tích 1.685 ha đất sản xuất 4 vụ/năm, trong đó có 20 cánh đồng cho thu nhập từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm; 25 cánh đồng cho thu nhập từ 300-500 triệu đồng/ha/năm, 85 cánh đồng cho thu nhập 250-300 triệu đồng/ha/năm… Với hơn 4917,4 ha đất sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện tăng đều qua các năm. Riêng năm 2023 đạt hơn 1017 tỷ đồng; giá trị sản xuất/ha canh tác đạt 245 triệu đồng/ha; quý 1-2024, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 272,9 tỷ đồng, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Bà Đào Thị Hải Ninh, chủ cơ sở sản xuất hành lá xuất khẩu tại xã An Hưng chia sẻ, sản xuất hành lá của cơ sở hiện tại cung chưa đủ cầu. Do đó, cơ sở mong muốn các cấp chính quyền địa phương tiếp tục tạo điều kiện về đất đai để mở rộng quy mô sản xuất. Còn ông Đỗ Văn Sanh (xã Tân Tiến) cho biết, định hướng phát triển thời gian tới của trang trại là phát triển mô hình theo hướng sản xuất sạch gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp sạch.
Hỗ trợ kịp thời bằng các chính sách
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Dương, để khuyến khích nông dân phát triển mô hình, thời gian qua, huyện thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thuỷ sản của thành phố trên địa bàn.
Trong đó, hỗ trợ cấp 13 mã vùng trồng tại 12 xã; 10 cơ sở chăn nuôi, trồng trọt tại 9 xã thực hiện mô hình VietGap, gắn với tem nhãn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo Nghị quyết 15 của HĐND thành phố; phối hợp sở, ngành chức năng hỗ trợ mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất một số loại hoa có giá trị kinh tế cao trên đất trồng lúa kém hiệu quả gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị…
Thời gian tới, huyện An Dương tiếp tục tăng cường các giải pháp hỗ trợ nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng tập trung, tích tụ ruộng đất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện huyện hoàn thành đề án phát triển nông nghiệp. Điểm nhấn nổi bật của đề án là toàn bộ các dữ liệu, số liệu và bản đồ được số hoá thành hệ thống dữ liệu trực tuyến cho phép truy cập và khai thác thông tin thuận lợi, dễ dàng giúp hộ dân, tổ chức, doanh nghiệp nắm thông tin đất đai, các thế mạnh của huyện cũng như thông tin quy hoạch, từ đó khai thác sử dụng đất đai, phát triển bền vững, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả nhất.
Về định hướng sản xuất nông nghiệp và quy hoạch vùng sản xuất đến năm 2030, huyện tập trung phát triển các vùng trồng cây ăn quả, trồng hoa cây cảnh, trồng rau, nuôi trồng thuỷ sản, trang trại sinh thái, nông nghiệp đô thị. Từ định hướng này, huyện xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích nông dân phát triển mô hình, vùng trồng theo định hướng.
Cũng theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Dương, bên cạnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ để việc thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” đi vào chiều sâu, mỗi hội viên nông dân trên địa bàn cần đổi mới tư duy, chủ động trang bị thêm kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, nhanh nhạy với thị trường, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao để nhân rộng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, cải thiện thu nhập, đời sống cho nông dân.
TRUNG KIÊN
09:46 21/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão