Trong tiết sớm mai se se lạnh, đúng 6h45 phút ngày 4-4 con tàu ANEK chở khách của Hy Lạp đưa 1.015 lao động Việt Nam cuối cùng từ Libya cập cảng Cái Lân, Quảng Ninh. Trong niềm vui vỡ òa được nhìn lại bóng dáng quê hương sau hơn một tháng lênh đênh trên biển. Mỗi người một tâm trạng, mỗi người một nỗi niềm, tựu chung ai cũng đều cảm động trước ân tình của người thân, cộng đồng nơi xứ sở Việt.
| Tàu ANEK chở hơn 1.000 lao động |
Bến cảng Cái Lân hôm nay chật cứng người và xe. Biểu ngữ chào đón lao động từ Libya trở về nước, những bó hoa tươi muôn sắc tràn đầy cầu cảng 3 khi con tàu ANEK còn đang từ từ hạ neo. Tiếng hò reo chào mừng như sóng dậy. Quả là ngày đón tiếp chu đáo, nghĩa tình khó tả. Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Bộ LĐTB & XH, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, các chủ lao động Công ty Việt Thắng, Công ty Vinaconex, nhân dân Quảng Ninh, thân nhân người lao động từ các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Phú Thọ, Thái Bình, Hải Dương... đều có mặt sát nơi cầu tầu.
Người đầu tiên được các chiến sĩ Bộ đội biên phòng Quảng Ninh đưa lên bến cảng là anh Trần Văn Hiệp, sinh 1973, quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh. Anh Hiệp phải ngồi trên xe lăn vì hơn một tháng qua, trước lúc rời trại ra bến cảng Bengari (Libya) lên tàu ANEK về nước, anh bất ngờ mắc phải chứng co cơ vì không chịu nổi bão cát ở Libya. Những ngày trên tàu dù được sự chăm sóc chu đáo của anh em người Việt, Hiệp vẫn không thể nào bước đi được. Anh mong từng ngày trở lại quê hương chữa trị bệnh. Chiếc xe đẩy của Hiệp đầy ắp hoa, nụ cười thân thiện của mọi người, cảm động trước sự đón tiếp nồng hậu, Hiệp sung sướng không sao cầm được nước mắt.
Theo các y tá ở bệnh viện Quảng Ninh đưa Hiệp ra xe cứu thương để về bệnh viện theo dõi bệnh tình, chúng tôi chia sẻ với Hiệp về sức khỏe của anh cũng như mọi người trở về Việt Nam lần này, công việc của các anh bên Libya và điều kiện làm việc, thu nhập thực tế ra sao... phút bình tĩnh trở lại, Hiệp giãi bày, anh sang Libya được 10 tháng và đang làm việc cho một nhà thầu của Brazin theo hợp đồng đã ký với Công ty Việt Thắng. Công việc xây dựng, lắp đặt ống nước ở Libya không phải là vất vả, nhưng đối với riêng Hiệp điều kiện lao động ở Libya khắc nghiệt vô cùng.
Ngày lao động 8 tiếng và suốt thời gian đó con người phải chống chọi với thời tiết nắng nóng, bão cát ghê người. Ai có sức khỏe cũng phải mất vài tháng làm quen. So với 4 năm trước đây Hiệp từng có dịp lao động tại Malaysia, khí hậu vùng Đông Nam Á dễ chịu hơn nhiều. Điều quan trọng mức lương được nhận của những công nhân sang lao động ở Libya hầu như chỉ từ 230-250 USD/tháng nên nhiều anh em lao động Việt Nam phải làm thêm giờ, vì như vậy mới có thể gọi là tàm tạm có tích lũy gửi về cho gia đình, vợ con.
Ngày ở Việt Nam sang Libya, những người lao động như các anh thường là phải đóng một khoản tiền 25-30 triệu đồng mỗi người nếu là được Công ty Việt Thắng hay Vinaconex ký thẳng hợp đồng. Qua môi giới có khi còn cao hơn. Vì vậy thời gian sang Libya làm việc người dài nhất được hơn một năm, người mới sang vài tháng, hầu như chưa ai đủ tiền trả nợ ngân hàng trước khi xuất khẩu lao động. Những người sang Libya lao động chủ yếu thuộc lao động ở các vùng nông thôn ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ... Do điều kiện kinh tế khó khăn và không đòi hỏi tay nghề cao lắm, nhiều người chấp nhận sang đó là vì vậy.
Chiếc xe cứu thương của bệnh viện Quảng Ninh chuẩn bị rời cảng Cái Lân về bệnh viện khi Công ty Việt Thắng đón nhận thêm anh Lê Văn Minh - một trong hai người lao động Việt Nam trước khi lên tàu ANEK trong tình trạng bệnh tật. Gần bước sang tuổi 50, anh Lê Văn Minh quê ở Nghệ An từng có 3 lần sang lao động nước ngoài, mỗi nước anh ký hợp đồng lao động từ 3-5 năm. Lần này sang Libya được vài tháng do lao động trong điều kiện nắng nóng, bão cát triền miên nên anh Minh phát bệnh viêm đường tiết liệu. Đang phải điều trị bệnh và nếu không có chuyển biến tích cực, anh Minh cũng xin về nước trước hợp đồng. Vì, chữa bệnh ở Libya chẳng rẻ gì so với thu nhập của người lao động Việt Nam. Tiền bác sĩ, tiền thuốc ở đây cao hơn nhiều so với Việt Nam. Ở lại Libya không lao động, không làm việc, không có lương thì lấy tiền đâu ra chữa bệnh? Nội chiến xảy ra, lao động Việt Nam phải trở về nước có khi lại là điều may mắn đối với anh Minh.
Lao động say sóng khi xuống tàu Các lao động Việt Nam trên tàu ANEK đang lần lượt lên bờ, Công ty Việt Thắng và Vinaconex, mỗi doanh nghiệp chuẩn gần 50 ôtô đón người lao động về từng địa phương. Mỗi lao động được doanh nghiệp tuyển dụng cấp suất ăn tại chỗ, 1 triệu đồng tiền mặt và 1 sim điện thoại để liên lạc về gia đình thông báo đã về Việt Nam an toàn. Trong điều kiện đang lao động dở dang phải về nước, chẳng mấy người còn tích lũy được tiền nên hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp tuyển dụng đón họ trở về như thế nào. Họ về được Việt Nam là nhờ nỗ lực của Nhà nước, Chính phủ và các ngành chức năng khi có kiến nghị chính đáng của các doanh nghiệp tuyển dụng. Trong niềm vui khôn tả, anh Trần Đình Thành, sinh 1970, quê ở Thừa Thiên Huế, tâm sự với chúng tôi, khi tàu ANEK vào tới phao số 0 vùng biển Việt Nam lúc hơn 4 giờ sáng là đã có đại diện của các ngành chức năng Việt Nam lên tàu làm thủ tục nhập cảnh cho người lao động. Mọi người mừng khôn xiết vì hơn 30 ngày trên biển ai cũng lo không quen với sóng gió, có khi về Việt Nam lại ốm mất.
Thực tế có người lên tàu ANEK đã phải nằm “bẹp” cả tuần vì không chịu được sóng. Lại nữa, trên đường về Việt Nam liệu có sự cố gì trên biển không như sự cố nội chiến ở Libya, ai biết đâu mà lường. Bước chân lên cầu cảng, anh Trần Đình Thành mừng vui vì mọi người đã về tới đất nước an toàn. Với tư cách là người điều phối viên của Công ty Việt Thắng, anh Thành được công ty ký hợp đồng sang Libya làm quản lý lao động tại trại Aquiriyah ở thành phố Bengari, Libya. Trại Aquiriyah có 270 lao động Việt Nam, hầu hết số này ký hợp đồng lao động cho Công ty Querioz Galvao của Braxin trên đất Libya. Công việc của 270 lao động do Trần Đình Thành điều phối là xây dựng, lắp đặt ống nước, điện dân dụng, sửa chữa ôtô.
Thành phố Bengari là trung tâm xảy ra nội chiến đầu tiên, sự việc xảy ra khá bất ngờ nên trong thành phố nhiều nơi có lao động Việt Nam làm việc phải mất vài ngày mới thu quân được hết. Trong số 270 lao động ở trại Aquiriyah có 120 người sơ tán được sang các nước khác và đã về nước an toàn. Đợt này trên tàu Lissos số lao động còn lại của trại chỉ có 150 người trong số 350 lao động do Công ty Việt Thắng tuyển dụng. Đến hôm nay những lao động Việt Nam cuối cùng đã trở về đất nước Việt an toàn.
Trong câu chuyện với anh Trần Đình Thành chúng tôi được biết, anh từng đi làm công việc điều phối viên ở 3 nước khác nhau, mỗi nước 2-3 năm. Nhưng ở Libya người lao động của Việt Nam gặp nhiều cái khó. Trước hết về khí hậu khắc nghiệt hơn. Thứ nữa bảo hộ cho người lao động chưa đầy đủ như lao động ở các nước đang phát triển. Tuy lao động trong điều kiện khó khăn như vậy song thu nhập không cao. Thật ra, mức lương của các lao động đã biết từ trước, song điều kiện sinh hoạt chưa hẳn đã chi tiết. Ví như khoản 11% thuế thu nhập của nước sở tại là không có trong hợp đồng. Nên vậy người lao động Việt Nam ở Libya sẽ phải vất vả nhiều hơn những nơi khác.
Phải mất khoảng 2 giờ đồng hồ, 1.015 lao động Việt Nam trên tàu ANEK mới lên bờ hết vì còn phải làm một số thủ tục trên tàu và cấu trúc của tàu chỉ duy nhất có một cửa lên. Người cuối cùng rời khỏi tàu là anh Phạm Ngọc Linh, sinh 1969, ở Kỳ Lân, Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Anh Linh thuộc người của Công ty Vinaconex tuyển dụng. Sang Libya từ đầu tháng 8-2009 và làm thợ đường ống nước cho Công ty Ganavao của Braxin ở thành phố Bengari. Trên chuyến tàu này người lao động do Công ty Vinaconex tuyển dụng có đến 665 người và cùng là những lao động cuối cùng về nước. Lúc đầu anh Linh ký hợp đồng với công ty tuyển dụng với mức lương 230 USD/tháng. Trừ thuế thu nhập, người lao động chỉ được nhận khoảng 190 USD/tháng. Đi lao động gần 2 năm, Phạm Ngọc Linh mới chỉ gửi về cho vợ con được một khoản tiền 2.400 USD, gần đủ để trả số tiền mà gia đình anh vay trước khi đi Libya.
Thời hạn lao động theo hợp đồng của anh còn vài năm nữa. Có chăng những gì được hưởng thuộc về những năm sau này. Không ngờ nội chiến xảy ra về nước trước, anh Linh đi lao động Libya chẳng khác gì làm không công. Nằm trong số những người lao động sớm ở Libya, anh Linh biết luật ở đây khá ngặt nghèo. Ví dụ khi đi ra đường, hễ nhìn con gái là bị cảnh sát bắt liền. Hàng tháng công ty chở ra ngân hàng lĩnh lương theo thẻ, nhưng chẳng được ưu tiên gì, có tháng phải mất 3 ngày mới lĩnh được lương. Vì vậy khi sự kiện ở Libya xảy ra nhiều lao động Việt Nam còn một tháng lương chưa kịp lĩnh. Không biết về Việt Nam, công ty tuyển dụng sẽ giải quyết cho anh em như thế nào. Người lao động ở Libya quá thiệt thòi.
Chia tay những người lao động Việt Nam cuối cùng trở về nước, 1.015 người đã được các công ty tuyển dụng đón sẵn đưa về quê mình. Ai cũng cảm động trước nghĩa tình sâu đậm của người Việt Nam ta. Sự thành công của chiến dịch sơ tán người lao động Việt Nam ra khỏi Libya an toàn tỏ rõ sự nhanh nhạy của Đảng, Nhà nước đã hết mình vì công dân nước Việt. Trước khi lên xe trở về quê hương Việt Trì, Phú Thọ, anh Nguyễn Quang Hồ, sinh 1959, không quên nói với các phóng viên rằng, anh cũng như 1.015 lao động Việt Nam từ Libya về nước bình an xin gửi lời cám ơn đến Đảng và Nhà nước đã không quên quyền lợi của nhân dân. Đó còn là ân tình cao cả...
HÀ ĐỨC HUY |