Nhiều cách làm sáng tạo trong khắc phục ruộng bỏ hoang tại Tiên Lãng

17:28 18/10/2023

Trước thực trạng nông dân bỏ ruộng, huyện Tiên Lãng đã triển khai nhiều giải pháp để hồi sinh một diện tích lớn ruộng hoang hóa…

Hơn 185 ha ruộng bỏ hoang

Mới đây, trước thực trạng nông dân trên địa bàn huyện bỏ ruộng không canh tác, huyện Tiên Lãng đã tổ chức tọa đàm với sự tham gia của các ngành và đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện nhằm bàn giải pháp khắc phục tình trạng trên.

Thông tin từ buổi tọa đàm cho thấy, diện tích đất lúa bỏ ruộng qua các năm chiếm từ 2 đến 5% diện tích gieo cấy (từ 100 đến 200 ha), do đó làm ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện. Cụ thể, qua điều tra thực tế, đến ngày 31/5/2023, toàn huyện Tiên Lãng có tổng số hộ bỏ ruộng là 1021 hộ với diện tích 185,23ha.

Đây là con số rất đáng báo động. Tại xã Toàn Thắng, trong 3 năm gần đây diện tích đất bỏ hoang tại địa phương từ 1 – 1,5 ha/vụ, vụ mùa nhiều hơn vụ chiêm, tập trung ở khu đồng trũng, thấp, ruộng bị bỏ không thường xa khu dân cư, chi phí đầu tư cao, lợi nhuận thấp. Khó khăn, rủi ro, thách thức bủa vây nên người nông dân không mặn mà với sản xuất nông nghiệp.

Huyện Tiên Lãng tổ chức tọa đàm tìm giải pháp khắc phục tình trạng bỏ ruộng hoang

Ông Vũ Hồng Nam, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Lãng, nhận định: Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến sự ổn định trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đời sống xã hội, tác động đến tâm lý người dân ở khu vực nông thôn, mà còn khiến đất đai màu mỡ bị hoang hóa trong khi nhu cầu lương thực ngày càng gia tăng, gây lãng phí trong việc sử dụng quỹ đất nông nghiệp.

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, nguyên nhân nông dân bỏ ruộng hoang hóa không sản xuất do giá vật tư, chi phí đầu vào tăng cao, người dân, tổ chức các nhân lo sợ rủi ro khi đầu tư vào sản xuất. Việc thực hiện các dự án trọng điểm có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, khu công nghiệp, đường giao thông lấy đi một phần sản xuất nông nghiệp dẫn đến phát sinh nhiều diện tích đất xen kẹt, gây ảnh hưởng hoặc ách tắc hệ thống thủy lợi gây khó khăn trong việc tổ chức sản xuất trồng trọt…

Đặc biệt, một phần lớn bộ phận nông dân ở một số xã, thị trấn bỏ ruộng, bỏ chăn nuôi, trồng trọt để đi làm việc khác có thu nhập cao hơn, ổn định hơn tại các nhà máy, xí nghiệp. Do giá trị ngày công lao động nông nghiệp quá thấp nên lao động nông nghiệp chủ yếu là người cao tuổi và phụ nữ. Đó là những nguyên nhân khiến người nông dân không còn mặn mà mới những cánh đồng bờ xôi, ruộng mật của mình.

Thực hiện nhiều giải pháp

Xác định được những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nông dân bỏ ruộng, không sản xuất, nhiều xã trên địa bàn huyện Tiên Lãng đã thực hiện một số giải pháp mang lại hiệu quả cao.

Điển hình, tại xã Toàn Thắng, hàng năm chính quyền địa phương đã ban hành nghị quyết, xây dựng kế hoạch, chỉ đạo HTX dịch vụ Nông nghiệp tích cực tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung khoai tây và măng tây…; thành lập Tổ hợp tác cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất Nông nghiệp.

HTX liên kết với các hộ nông dân ký kết với doanh nghiệp để giải quyết vấn đề đầu ra và đưa các sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử…

Ông Vũ Văn Bản, Phó Chủ tịch UBND xã Toàn Thắng cho biết, từ những giải pháp trên, hàng năm địa phương giảm được đáng kể số hộ bỏ ruộng không canh tác.

Ngoài ra, tại các xã Kiến Thiến, Đoàn Lập và đại diện HTX dịch vụ Nông nghiệp huyện Tiên Lãng cũng chia sẻ khá nhiều những giải pháp khắc phục thực trạng nông dân bỏ ruộng không canh tác và đều có hiệu quả.

Nguyên nhân nông dân bỏ ruộng hoang hóa không sản xuất do giá vật tư, chi phí đầu vào sản xuất tăng cao 

Để giúp nông dân gắn bó với đồng ruộng, các cơ quan hữu quan cần khảo sát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hỗ trợ nông dân trong sản xuất và tiếp cận thị trường, cần tăng cường quản lý đối với thị trường vật tư đầu vào thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống; loại trừ các loại phân bón giả, giống kém chất lượng và tìm cách giảm chi phí đầu vào cho người nông dân.

Cùng với đó, thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tích cực tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở ưu tiên khuyến khích thực hiện trên các diện tích bỏ ruộng, đặc biệt là diện tích bỏ hoang nhiều năm. Khuyến khích, vận động các hộ nông dân khó khăn trong tổ chức sản xuất tạo điều kiện sản xuất cho thuê, mượn, góp diện tích để cho các tổ chức, cá nhân có năng lực tham gia tích tụ ruộng đất sản xuất tập trung

Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước tiếp tục có những chính sách mới cụ thể hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có cơ chế đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, cần có những quy định, hướng dẫn cụ thể trong việc; thuê, cho thuê, nhận khoán, chuyển nhượng, phân cấp quản lý rõ ràng diện tích đất nông nghiệp khi không có nhu cầu sản xuất.

VŨ DUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông