Nhiều học sinh bị thầy giáo 50 tuổi quấy rối, sờ soạng

15:42 12/12/2016

Theo bà Tôn Nữ Ái Phương, nhiều học sinh nhỏ (trong đó có bé gái mới 10 tuổi) thường xuyên bị thầy giáo trên 50 tuổi quấy rối, sờ soạng.
 
Mới đây, tại TP.HCM, Cơ quan Liên hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tổ chức hội thảo tham vấn về Chương trình can thiệp thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái.
 
Tham gia hội thảo có sự góp mặt nhiều đại biểu cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực công tác xã hội.
 
Câu chuyện được bà Tôn Nữ Ái Phương (khoa Xã hội học, Công tác xã hội, Đông Nam Á, ĐH Mở TP.HCM) kể lại thu hút sự chú ý của đông đảo những người có mặt trong hội trường.
 
Bà Phương cho biết một sinh viên đã kể cho bà nghe chuyện một thầy giáo trên 50 tuổi thường xuyên quấy rối, sờ soạng những em học sinh nhỏ, trong đó có bé gái mới 10 tuổi.
 
 Quang cảnh hội thảo được tổ chức tại TP.HCM.
Quang cảnh hội thảo được tổ chức tại TP.HCM.
Sinh viên này đã tiếp cận bé gái nhưng em sợ hãi và không dám nói cho người thân biết. Cô cũng lúng túng không biết nên xử lý như thế nào.
 
Biết chuyện, nữ giảng viên khuyên gia đình tố cáo hành vi này, đồng thời tác động để chính quyền địa phương làm việc với kẻ quấy rối. Tuy nhiên, thầy giáo sau đó đã đưa mẹ già hơn 70 tuổi đến nhà nạn nhân năn nỉ, thương lượng bỏ qua.
 
Một phần để bảo vệ danh dự cho gia đình, một phần vì lời cầu xin khẩn thiết của thầy giáo, gia đình nạn nhân đã quyết định rút lại đơn tố cáo. Công an phường vì thế cũng không còn cách nào để giải quyết.
 
“Pháp luật cần lấp đầy những khoảng trống trong vấn đề xử lý tình trạng này. Ngay cả khi nạn nhân rút đơn khiếu nại, tố cáo cũng cần phải có cơ chế xử lý các đối tượng quấy rối”, bà Phương nhấn mạnh.
 
Bà Phương chia sẻ thêm bà đã trực tiếp tìm đến nhiều khu nhà trọ và biết được nhiều bé gái cũng trở thành nạn nhân bị quấy rối, xâm hại tình dục. Tuy nhiên, các gia đình này không đăng ký trạm trú tại địa phương nên chính quyền không thể quản lý và có biện pháp can thiệp.
 
Nữ giảng viên Đại học Mở TP.HCM thẳng thắn cho rằng cơ chế phối hợp giữa các ngành chức năng còn lỏng lẻo nên người dân chưa lên tiếng mạnh mẽ.
 
Bên cạnh đó, có thể địa phương cho rằng vấn đề không nghiêm trọng và cần phải giữ điểm thi đua nên họ cho chìm xuồng luôn.
 
“Chương trình này cần có sự tham gia của nhiều ngành chức năng, đặc biệt là ngành LĐ-TB-XH cần tác động để những khoảng trống trong chính sách phải được điều chỉnh, để bảo vệ an toàn cho phụ nữ và các bé gái”, bà Phương nói.
 
Ngoài ra, trong hội thảo, UN Women cũng công bố một báo cáo cứu mới đây cho thấy người chuyển giới ở TP.HCM là những người đặc biệt dễ bị bạo lực tình dục, bị ruồng bỏ và làm nhục do định kiến xã hội còn nặng nề.
 
Đặc biệt, tình trạng này xảy ra tương đối phổ biến nhưng các nạn nhân thường im lặng, không dám lên tiếng vì tâm lý lo sợ.
 
Bên cạnh đó, tình trạng quấy rối, lạm dụng tình dục, động chạm vào các phần nhạy cảm của phụ nữ khi đi trên phương tiện công cộng như xe buýt cũng được chia sẻ.
 
Rất bức xúc trước tình trạng trên nhưng nhiều người chọn cách im lặng vì sợ gặp rắc rối, sợ bị trả thù. Một số khác thì không biết báo cho tài xế như thế nào, không biết báo cho cơ quan nào để kẻ xấu bị xử lý.
 
Theo Hà Đông/ Báo Đất Việt


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông