19:19 27/04/2023 Chiều 3-4, đồng chí Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng chủ trì hội nghị tham gia ý kiến xây dựng dự thảo Luật Phòng thủ dân sự. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các ngành; các quận, huyện…
Luật Phòng thủ dân sự quy định nguyên tắc, hoạt động phòng thủ dân sự; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; quản lý Nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện phòng thủ dân sự. Hoạt động phòng thủ dân sự được tổ chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương, có sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức và các lực lượng. Phòng thủ dân sự phải được chuẩn bị từ sớm, từ xa, phòng là chính, thực hiện phương châm 4 tại chỗ, chủ động ứng phó kịp thời và khắc phục hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; kết hợp phòng thủ dân sự với bảo đảm QPAN, phát triển KTXH, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, ổn định đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dự thảo Luật đã được các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 15 và được tiếp tục xem xét tại kỳ họp thứ 5 sắp tới.
Với tính chất, mức độ quan trọng của dự thảo Luật, tại hội nghị, các đại biểu tham gia nhiều ý kiến về khái niệm phòng thủ dân sự; khái niệm “sự cố”, “thảm họa “; nguyên tắc hoạt động; chính sách của Nhà nước trong phòng thủ dân sự ; về công trình, trang bị phòng thủ dân sự; về theo dõi, giám sát nguy cơ về sự cố, thảm họa; đào tạo, huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự; về thẩm quyền chỉ đạo, chỉ huy trong các cấp độ phòng thủ dân sự; về các biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 1,2,3; về quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân; nguồn lực; quỹ phòng thủ dân sự; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng thủ dân sự…
Đồng chí Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến đóng góp tại hội nghị. Đồng thời tiếp thu toàn bộ các ý kiến, báo cáo Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới./.
Hồng Thanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024