10:01 22/03/2019 Những ngày này là vào “chính vụ” sứa ở vùng biển Đồ Sơn nên những xưởng sản xuất sứa dọc cảng cá Ngọc Hải, phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn đêm nào cũng nhộn nhịp, sáng đèn.
Nhiều năm trở lại đây, sứa biển đã trở thành món ăn đầy tinh tế, vừa là đặc sản quê hương, vừa mang lại nguồn thu nhập cao cho ngư dân miền biển.
Với những người đi biển ở Đồ Sơn, vào những ngày biển vắng tôm, vắng cá thì sứa như một thứ “lộc biển” mà ông trời ban tặng, giúp ngư dân yên tâm bám biển, phát triển kinh tế cho địa phương. Cảng cá Ngọc Hải, quận Đồ Sơn hiện có 6 cơ sở chế biến sứa. Trung bình, mỗi xưởng sản xuất đón khoảng 10 chuyến tàu/ngày.
Vào vụ sứa, mỗi tàu gồm 5-6 thành viên, nếu chăm chỉ làm việc sẽ thu khoảng 200 triệu/tháng; trừ mọi chi phí, mỗi thuyền viên thu được 60-80 triệu/vụ. Không chỉ vậy, mỗi xưởng sản xuất còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 20 nhân công với thu nhập từ 40-50 triệu/vụ/người.
Khoảng 23 giờ tàu khai thác sứa cập bến cá Ngọc Hải
Mùa sứa từ tháng 1 đến tháng 4 Âm lịch. Mỗi tháng có 2 con nước, mỗi con nước khoảng 7 - 8 ngày. Mỗi chuyến ra khơi, ngư dân có thể đánh bắt được khoảng 300-1.500 con tùy con nước
Những con sứa trong suốt nặng đến vài chục cân
Ngư dân thường thức trắng đêm để sơ chế sứa
Công việc sơ chế sứa đem lại thu nhập từ 40-50 triệu/vụ/người
Phần chân, tay, óc sứa được sơ chế một cách thủ công để đảm bảo miếng sứa thành phẩm không bị vụn
Thân sứa (bìa) được cho vào máy cắt thành những miếng nhỏ tầm đốt ngón tay
Sứa cắt nhỏ được cho vào các bể nước, quay khoảng 10 tiếng cho sạch hết nhớt
Ngư dân đang chuẩn bị bể nước muối để ngâm sứa. Sứa sạch được cho vào bể ngâm muối khoảng 1 tuần cho đến khi sứa chín, không “ngậm” muối nữa là được
Miếng sứa thành phẩm phải đảm bảo được độ trong suốt, cứng, giòn. Khi bán ra thị trường có nhiều mức giá khác nhau
Phần lớn sứa thành phẩm sẽ được xuất sang Trung Quốc, số còn lại để chế biến thành nộm sứa...
Hải Ngân