Nhộn nhịp thị trường mùa Vu Lan

21:29 27/08/2015

 

Hàng mã ra thị trường
Hàng mã ra thị trường

Đối với các nhà kinh doanh bán lẻ, có lẽ khá lâu rồi mới được đón sự nhộn nhịp như thời điểm này, khi nhu cầu mua sắm tăng đáng kể nhờ dịp lễ Vu Lan.

Mùa Vu Lan truyền thống

Theo tín ngưỡng dân gian, rằm tháng 7 cõi âm mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng cô hồn không nơi nương tựa, còn theo thuyết Vu Lan, đây là dịp báo hiếu tổ tiên. “Phú quý sinh lễ nghĩa”, kinh tế càng phát triển thì việc sắm lễ càng tốn kém, cũng nhờ vậy mà thị trường có dịp được cải thiện. Cũng như mọi năm, thị trường mùa Vu Lan năm nay khởi động ngay từ đầu tháng 7 âm lịch, ở cả khu vực chợ truyền thống lẫn các trung tâm thương mại.

Bên cạnh sức mua tăng tập trung vào hoa quả, bánh kẹo, đồ uống…, mặt hàng được quan tâm nhiều nhất vẫn là hàng mã, vì vậy một số cửa hàng kinh doanh tạp hóa, gạo mắm cũng tranh thủ xoay sang buôn mặt hàng này.

Không có hàng mã như ngoài thị trường tự do nhưng các siêu thị cũng khai thác khá tốt khi khuyến mại mạnh mẽ vào các loại hoa quả, bánh kẹo, đáng chú ý là xuất hiện một số thực phẩm chế biến công nghệ dưới dạng chay, được tiêu thụ tốt. Tuy nhiên, sôi động hơn cả vẫn là khu vực chợ truyền thống, đồ mã bán kèm theo những sản phẩm vốn dành cho người sống như rượu, thuốc lá, chè hương… nhưng lại đóng gói từng phần nhỏ để tiện “gửi cho người đã khuất”. Một chủ quầy hàng mã tại chợ Đổ cho biết, so với những năm trước, hàng mã năm nay có phần đơn giản hơn, không còn nhiều người đặt mua những bộ đồ sộ tốn kém, thay vào đó là sản phẩm mô phỏng rẻ tiền được sản xuất hàng loạt.

 Mặc dù vậy, giá hàng mã năm nay cũng ước tăng khoảng 10% so với năm trước, chẳng hạn như ô tô du lịch đủ “thương hiệu” nổi tiếng thế giới từ 150 nghìn đồng đến 350 nghìn đồng/chiếc; xe máy từ 70 nghìn đồng đến 250 nghìn đồng/chiếc; Iphone hay Laptop từ 50 nghìn đồng đến 120 nghìn đồng/chiếc… Đồ mã truyền thống mua theo bộ từ 100 nghìn đồng đến 180 nghìn đồng/bộ, cúng cho chúng sinh không biết là nam hay nữ, cao hay thấp thì để nguyên “vải” là các tấm giấy màu chỉ từ 10 nghìn đến 20 nghìn đồng/tập.

Nhưng do thời gian cúng kéo dài từ đầu tháng, sức mua không bị tập trung cục bộ nên giá bán không biến động. Thậm chí nhiều mặt hàng hoa quả còn giảm giá mạnh, vì thời điểm này những loại quả ngon trong nước như nhãn, chôm chôm, ổi, bưởi… đang vào chính vụ. Hơn nữa, nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng đồng loạt giảm giá, kể cả xăng, dầu và gas, cùng giúp không khí thị trường thêm phần lắng dịu.

Chuỗi sự kiện kế tiếp

Mặc dù sôi động nhưng mua sắm của thị trường rằm tháng 7 chỉ tập trung vào một số mặt hàng chuyên biệt, giá trị không thực sự lớn. Nhưng chuỗi sự kiện kế tiếp là dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, khai giảng năm học 2015-2016 và tết Trung thu mới thực sự là điểm nhấn của thị trường tại thời điểm này.

Tại siêu thị BigC có hẳn chương trình mang tên “khuyến mại mừng đại lễ” kéo dài đến hết 7-9 với hàng trăm mặt hàng giảm giá, tập trung vào nhóm thực phẩm chế biến, đồ gia dụng, quần áo, giày dép… Tuy nhiên theo quan sát, hiện nhóm được tiêu thụ tốt tại siêu thị này lại là các đồ dùng dành cho học sinh như quần áo đồng phục, sách tham khảo, giày dép.

Trong khi đó siêu thị Co-opMart có tới 4 chương trình khuyến mại được quảng bá, tập trung vào chủ đề “tự hào hàng Việt”, kéo dài đến 20-9. Các siêu thị điện máy cũng mở đợt quảng bá rầm rộ, cho các mặt hàng máy tính, điện thoại giá rẻ nhằm đón những “tân khoa” của các trường đại học.

Ngoài khu vực thị trường truyền thống, bên cạnh sự náo nhiệt vẫn dành phục vụ cho lễ Vu Lan và “xá tội vong nhân”, một phân khúc được nhiều người quan tâm là thị trường phương tiện dành cho học sinh. Bán khá chạy là xe đạp và xe điện. Trong đó loại xe đạp rẻ tiền sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ TQ có giá từ 800 nghìn đồng đến 1,3 triệu đồng/chiếc, các mẫu mã thể thao giá tương đối cao, được nhập khẩu từ TQ, Đài Loan, Hàn Quốc… và một số liên doanh sản xuất trong nước có giá từ 1,6 triệu đồng trở lên/chiếc. Bên cạnh xe đạp, dịp này cũng là mùa “làm ăn” của các cửa hàng kinh doanh xe điện.

Khu vực từ đường Lê Lợi kéo sang đường Tô Hiệu hiện được coi là “chợ xe điện” lớn nhất thành phố, hầu như cửa hàng nào cũng có khách đến mua hàng. Hiện giá một chiếc xe mới loại rẻ nhất được chào bán 8 triệu đồng, nhưng bán chạy vẫn là dòng xe trong khoảng tiền từ 9 đến 14 triệu đồng/chiếc. Theo một chủ cửa hàng, thời điểm tháng 8 hàng năm luôn là “đỉnh” cho việc tiêu thụ xe điện, vì chuẩn bị cho năm học mới, hàng loạt học sinh bước vào THPT.

Đây là lứa tuổi chưa đủ để lấy bằng xe máy, mà xe đạp thông thường thì không đáp ứng được yêu cầu về tốc độ, tiện ích, trong khi đa số các loại xe máy có động cơ dưới 50 phân khối đều không được khách hàng ưa chuộng. Hơn nữa, việc sử dụng xe đạp điện cũng đã trở thành “mốt” nhiều năm nay.

Đã xuất hiện nhiều gian hàng bán đồ Trung thu trên phố
Đã xuất hiện nhiều gian hàng bán đồ Trung thu trên phố

Ở một nhánh thị trường khác, mặc dù còn hơn một tháng nữa mới đến tết Trung thu, nhưng trên nhiều tuyến phố đã thấy xuất hiện những gian hàng của các thương hiệu bánh Kinh Đô, Hữu Nghị. Trên đường Cầu Đất, nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất bánh lớn nhất thành phố, theo chủ một cơ sở thì thị trường gần đến tết Trung thu cơ bản là bán lẻ, còn hiện tại cơ sở đã nhận nhiều đơn đặt hàng của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.

Trên đường Phan Bội Châu, các chủ cửa hàng bán đồ chơi trẻ em cũng đã tích trữ lượng hàng lớn, cung cấp theo đường bán buôn về nông thôn và các quầy hàng tạp hóa. Trong đó ngoài đồ chơi nhập khẩu của TQ, cũng không ít sản phẩm Việt Nam mang hơi hướng sản xuất hàng loạt như trống vỏ gỗ, quần áo múa, đầu lân sư… Như vậy, trên thực tế không khí tết Trung thu cũng đã khởi động, góp phần phá tan “băng giá” trên thị trường hàng hóa.

Lê Minh Thắng


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông