18:38 12/11/2021 Ba ngày sau khi mất tích, thi thể của cậu bé 13 tuổi Ke Liangwei đã được tìm thấy tại một khu vực vắng vẻ. Cậu thiếu niên đã chết đuối.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, một tuần sau, câu chuyện đen tối phía sau cái chết của cậu bé đã làm sáng tỏ vấn nạn bắt nạt học đường ở Trung Quốc. Trong một video, Ke bị bạn học tát vào mặt, cậu bé ngã xuống sàn nhà vệ sinh, trong khi một số học sinh khác đứng xem và cổ vũ. Ke là học sinh trung học cơ sở tại một ngôi trường ở huyện Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc.
Chỉ sau khi Ke mất tích, gia đình cậu bé mới biết rằng con mình đã nhiều lần bị bắt nạt ở trường, kể cả ngày trước khi cậu mất tích.
Cảnh sát và phòng giáo dục huyện Mậu Danh đã xác nhận câu chuyện của Ke, song không nêu ra mối liên hệ nào giữa việc bắt nạt với cái chết của cậu bé. Dù vậy, câu chuyện bi kịch này đã gây chấn động Trung Quốc về vấn nạn bắt nạt ngày càng phổ biến ở nước này và khả năng các nạn nhân sẽ giữ im lặng.
Khoảng 1/3 trong số 10.000 học sinh được khảo sát cho biết đã từng bị bắt nạt. Ảnh: Getty Images
Một nghiên cứu từ Đại học Sư phạm Hoa Trung ở Vũ Hán (CCNU) cho thấy khoảng 1/3 trong số 10.000 học sinh từ 6 tỉnh khác nhau đã từng bị bắt nạt. Trong nhóm đó, 45% chọn “giữ bí mật”. Chỉ khoảng 25% trong số những người được khảo sát ở độ tuổi từ 6 đến 18, nói rằng họ sẽ nói với giáo viên hoặc phụ huynh.
Phó giáo sư Fu Weidong tại CCNU, người đứng đầu cuộc nghiên cứu cho biết: “Tỷ lệ này thấp hơn một chút so với phát hiện của những nghiên cứu trước đó, nhưng vẫn cao hơn so với những gì chúng tôi nghĩ”. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), trên toàn cầu, cứ 3 học sinh từ 13-15 tuổi, thì có một học sinh bị bắt nạt.
Giống như nhiều quốc gia khác, luật pháp Trung Quốc không quy định rõ ràng về việc cấm bắt nạt, nhưng các quan chức có thể buộc tội thủ phạm trong những trường hợp dẫn đến thương tích nặng hoặc tử vong. Tuy nhiên, vì bắt nạt thường liên quan đến học sinh, những người dưới 14 tuổi, độ tuổi tối thiểu để chịu trách nhiệm hình sự. Chỉ trong trường hợp cực kỳ nghiêm trọng, trẻ em trên 12 tuổi có thể bị truy tố.
Theo nghĩa pháp lý, “bắt nạt” đề cập đến việc ngược đãi thể chất, quấy rối bằng lời nói và bắt nạt trên mạng, cũng như bắt nạt xã hội, chẳng hạn như cô lập ai đó một cách có chủ đích. Mặc dù luật pháp đã nhấn mạnh đến việc bảo vệ các quyền của nạn nhân, nhưng không có kế hoạch chi tiết nào để giúp đỡ và an ủi họ về mặt thể chất và tâm lý.
Giáo sư Wang Zhenhui tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, cho biết việc thiếu các biện pháp cải tạo những kẻ bắt nạt và giúp đỡ nạn nhân cụ thể, cùng với nhiều yếu tố khác, đã khiến bắt nạt trở thành một vấn nạn dai dẳng trong các trường học Trung Quốc.
“Nếu người bắt nạt không được giáo dục kịp thời và hiệu quả thì hành vi của họ không thể sửa chữa. Họ sẽ càng thích bắt nạt người yếu thế hơn và nhiều khả năng chuyển sang các hành vi nghiêm trọng hơn, dẫn đến nhiều tổn hại hơn cho người khác”, ông nói.
Trước đây, xã hội Trung Quốc từng coi bắt nạt là hành động không nghiêm trọng, giống với cách văn hóa Mỹ thường coi việc bắt nạt là “trò con trẻ”. Gần đây, đã có sự thay đổi trong nhận thức của cộng đồng về tác hại của bắt nạt gia tăng.
Vào tháng 6, Trung Quốc đã ban hành Luật Bảo vệ Trẻ vị thành niên, yêu cầu tất cả các trường học xây dựng một hệ thống ngăn chặn nạn bắt nạt. Bộ Giáo dục đã đưa ra các quy định nhắm mục tiêu cụ thể đến việc “bảo vệ trẻ vị thành niên ở trường”, có hiệu lực vào tháng 9. Tuy nhiên, việc ban giám hiệu nhà trường không thực thi triệt để đã khiến nhiều thủ phạm không bị trừng phạt, các nạn nhân cũng không biết phải giải quyết như thế nào.
Một nữ sinh 17 tuổi tại một trường trung học ở Thượng Hải cho biết cô chưa bao giờ được giáo dục về hành vi bắt nạt học đường. Cô từng chứng kiến một số trường hợp bị bắt nạt ở trường nhưng không báo cáo sự việc cho giáo viên hoặc nhân viên.
“Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là nạn nhân nên chống trả. Họ nên nhờ bạn học hoặc bạn bè giúp đỡ”, nữ sinh nói.
Ở Bắc Kinh, học sinh đồng tính 16 tuổi từ một trường dạy nghề hồi tháng 3 đã lên mạng xã hội tố cáo ban giám hiệu. Họ yêu cầu cậu im lặng chịu đựng những kẻ bắt nạt hoặc chuyển trường sau khi cậu đề nghị được giúp đỡ. Theo nam sinh này, hình phạt nghiêm khắc nhất đối với những kẻ bắt nạt là yêu cầu 8 học sinh liên quan viết bản kiểm điểm và chép phạt nội quy.
Giáo sư Wang cho biết bắt nạt thường xảy ra đối với những học sinh có cha mẹ không dạy con cách xử lý cảm xúc và quan hệ giữa các cá nhân. Theo nghiên cứu của CCNU, học sinh xuất thân từ các gia đình giàu có hoặc quyền lực thường ít bị bắt nạt hơn.
Wang cũng cho biết việc tiếp xúc nhiều hơn với bạo lực có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn vì “so với các thế hệ cũ, thông tin bạo lực ngày nay đa dạng hơn và dễ tiếp cận hơn đối với học sinh”.
Mặc dù đã nỗ lực để khắc phục vấn đề bắt nạt, nhưng mọi chuyện đã quá muộn đối với gia đình của Ke. Dì của Ke đã viết trong một bài đăng trực tuyến: “Tôi không thể tưởng tượng Ke Liangwei đã phải trải qua sự hành hạ như thế nào trong khoảng thời gian dài bị bắt nạt đó. Tôi thấy cần phải công khai để những điều như vậy không tái diễn với học sinh khác”.
Theo Báo Tin tức