Những bác thằng Bần quê tôi

14:39 02/04/2011

Trào lưu cầm cố xe, đã từng đánh bạc ở đâu và nợ bao nhiêu củ (1 củ = 1 triệu đồng) cả những tệp dày những tíc-kê đề (không trúng) là những vấn đề “nóng” được đám thanh niên quê tôi đem ra bàn luận mà so bề cao thấp với nhau.
Trào lưu cầm cố xe, đã từng đánh bạc ở đâu và nợ bao nhiêu củ (1 củ = 1 triệu đồng) cả những tệp dày những tíc-kê đề (không trúng) là những vấn đề “nóng” được đám thanh niên quê tôi đem ra bàn luận mà so bề cao thấp với nhau.

1. Vừa dựng chiếc xe máy xuống sân, thằng bạn thân đã phóng xe vào nhà và lôi tôi ra quán nước đầu làng hàn huyên câu chuyện. Do một số nguyên nhân khách quan, làng nghề quê tôi đã bị mai một dần. Trước cơn lốc đô thị hoá, ruộng đất ít, những lớp thanh niên quê tôi tìm đường thoát ly. Người ta vẫn bảo “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, ấy vậy mà mỗi dịp lễ tết cái mà đám thanh niên đi làm ăn xa mang về đó là sự “lột xác”. Ôi! những nam thanh, nữ tú của quê tôi đâu rồi thay vào đó là những cái đầu xanh, đỏ, tím, vàng, quần áo thì ăn mặc nhố nhăng, hợm hĩnh; thanh niên ra đường đèo 3 lai 7 phóng bạt mạng không biết đường là đâu. Điều đáng lo ngại, trào lưu cầm cố xe, đã từng đánh bạc ở đâu và nợ bao nhiêu củ (1 củ = 1 triệu đồng) cả những tệp dày những tíc-kê đề (không trúng) là những vấn đề “nóng” được đám thanh niên quê tôi đem ra bàn luận mà so bề cao thấp với nhau.

Mặc dù thời tiết rét cắt ra cắt thịt với những hạt mưa xuân lớt phớt nhưng quán vẫn khách ra khách vào tấp nập là những thanh niên, những người trung niên trong làng tới nhâm nhi cốc bia, bàn luận về số đề và mân mê những quyển sổ đã sờn góc hiển hiện những con số. Quay sang phía bàn đối diện tôi ngồi, có một tốp thanh niên mặc trên người áo học sinh đang ngồi hút thuốc lào sòng sọc mắt dán vào những con số đang nhẩy múa trên quyển sổ, phía bên kia bà chủ quán luôn tay ghi những con số và viết biên lai vay tiền cho những con bạc khát nước. “Uống đi mày! Làm gì mà ngạc nhiên vậy? Chuyện cờ bạc, lô đề cầm cố vay nặng lãi ở quê mình giờ phổ biến như cơm bữa rồi. Thanh niên thằng nào trả dính vào trò đó. Như anh thằng Đức đó, tối hôm trước xóc đĩa đứt gần 10 củ rồi” - Thành ngửa cổ uống hết cốc bia rồi nói. 

2. Tôi về nhà đem câu chuyện của đứa bạn thân kể với gia đình thì lại được nghe thêm những câu chuyện đáng báo động về tình trạng cho vay nặng lãi, cờ bạc đang bủa vây tới từng mái nhà. Câu chuyện của Hùng là một ví dụ minh chứng cho tác hại của cờ bạc dẫn đến thân bại danh liệt. Mặc dù sự việc xảy ra đã lâu, nhưng mỗi khi nói đến tác hại của cờ bạc, dân làng tôi lấy đó làm gương để răn dạy con mình. Là một cán bộ đoàn khá năng động trưởng thành trong Trường cao đẳng cộng đồng Hải Phòng, rồi Hùng được chuyển sang một cấp bộ đoàn, thuộc diện quy hoạch cán bộ của cơ quan. Theo nhận xét của một cán bộ nơi anh công tác thì: “Đó là một người hoạt động phong trào rất năng nổ là đội ngũ kế cận cho cơ quan”. Những tưởng đó là một bước đệm để Hùng phấn đấu cho mình nhưng trước sự lôi kéo mê hoặc của những trò đỏ đen cá độ bóng đá, anh đã thua một số tiền khá lớn. Chuyện vỡ lở, dân làng biết, cơ quan biết, rồi quyết định kỷ luật và đình chỉ công tác đến với Hùng là điều tất yếu.

Đối với Đức và Giang đến giờ này đã thấy thấm thía tác hại của cờ bạc gây nên. Chỉ vì muốn làm “giàu” không cần lao động mà cả 2 phải trả giá quá đắt, kẻ phải tha phương, người thì mất nhà cửa. Cuộc sống của Đức có thể là niềm mơ ước của rất nhiều người, thừa hưởng từ nghề sửa chữa điện của bố để lại. Nhưng không bằng lòng với thực tại, 2 vợ chồng quay ra mở một quán sửa chữa xe máy đầu làng công việc làm ăn thuận lợi cũng có của ăn của để. Là một người chịu khó làm ăn nhưng lại có tính ham lô đề, bà chủ cửa hàng thuê lại là người ôm đề. Vậy là mỗi khi vắng khách, Đức lại dán mắt vào những con số tìm vận may rủi cho mình. Những ngày đầu đánh vui rồi cứ thấy được mãi nên càng mê hơn. Nhận thấy số mình “hên” nên Đức càng đánh to, ít thì vài ba trăm nghìn nhiều thì đôi ba triệu nhưng trời cho “lộc” mãi rồi cũng hết. Cay cú muốn gỡ lại vốn nhưng càng đánh càng thua, cuối cùng thì tiền hết nợ nần chồng chất, 2 vợ chồng khăn gói dắt nhau vào miền Nam sinh sống. Còn câu chuyện của Giang, sinh ra trong một gia đình khá giả, bố mẹ tằn tiện mua cho một lô đất và xây nhà ở ngoài phố cho anh ta với mong muốn con thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn ở quê. Xa nhà, trước sự cám dỗ của bạn bè, Giang sớm sa ngã vào con đường cờ bạc, và căn nhà của anh cũng được bán để trả nợ. 

Gần đây nhất, làng tôi lại được một phen bình luận về chuyện con ông Bình tính củ mỉ củ mì, ai cũng khen hiền như “con gái”, vậy mà đi làm ăn xa về mới thú thật với gia đình nợ một khoản tiền lớn do đánh bạc. Hay chuyện những bậc phụ huynh phải “muối mặt” đem tiền đi chuộc lại xe do con mình cầm cố đánh bạc. Rồi cả chuyện thằng Dũng mất gần chục triệu do cay cú xóc đĩa tay đôi mỗi ván “bán”, “mua” cũng hết đôi ba triệu. Chẳng nói đâu xa, mấy thằng bạn tôi máu mê cờ bạc từ cái hồi còn để chỏm đã mân mê những bộ tú lơ khơ rách bươm nhặt ở các chiếu bạc. Lớn lên, học hành chẳng đâu vào đâu nhưng xem ra những món cờ bạc từ đơn giản nhất như xèng, tú lơ khơ, xóc đĩa đến cái trò tổ tôm, chắn cạ đã “hô” thông suốt không kém người lớn. Y rằng mỗi khi làng có đám xá chúng lại sà vào, có bao tiền lại gửi vào những tiếng “xóc” may rủi nhưng chả lần nào được. Khuyên mãi nhưng mấy đứa chỉ cười: “Nó ngấm vào máu rồi khó bỏ lắm”. Và cả chuyện đứa em con chú tôi nữa, học hành dở dang do cờ bạc, đã nhiều lần chú tôi xích chân nó lại vì cái tội đánh bạc. Để cho yên tâm, gia đình chú thím đã động viên em đi bộ đội với mong muốn nó tu chí. Đến chuyện ông anh con bác tôi là công chức cơ quan nhà nước nhưng vẫn không thoát khỏi cám dỗ của cờ bạc. Không hẳn trai làng tôi mới biết đánh bạc mà ngay cả con gái quê tôi cũng “sành” phỏm, chắn, tổ tôm không kém ai mà cụ thể là bà chị họ đàng xa của tôi.

3. Như trên đã nói, cờ bạc luôn là xuất phát điểm của những tệ nạn xã hội đi kèm, đó là dịch vụ cho vay nặng lãi, trộm cắp gây an ninh trật tự. Cuộc sống người dân quê tôi cũng chẳng phải khá giả cho mấy, ấy vậy mà dọc quãng đường gần 100m đầu làng có vô khối những gia đình tự đứng ra kinh doanh nghề cho vay nặng lãi cầm cố xe (người có nhiều vốn thì trưng biển lên, người ít vốn là chỗ quen biết nên chẳng cần quảng cáo cũng nườm nượp khách ra vào). Người chính đáng đến vay thì ít mà chỉ thấy đám thanh niên choai choai trong làng là khách “ruột” thường xuyên của những cửa hiệu này. Không chỉ dừng ở đó, nhiều thanh niên tự đứng ra làm cò mồi cho vay với lãi suất cao tại các chiếu bạc vào mỗi dịp lễ tết, đám xá. 

Quê tôi mấy năm trước là điểm sáng về an ninh trật tự, kể từ khi cơn lốc cờ bạc xuất hiện, tình trạng trong làng mất cắp diễn ra thường xuyên từ những cái nhỏ nhặt nhất như: nồi, chậu, con gà, cánh cổng đến những vật dụng to hơn như ti vi, xe máy… Cách đây không lâu, tại làng bên cũng chỉ vì mâu thuẫn trong cờ bạc đã dẫn đến án mạng giết người, hậu quả 2 anh em ruột vào tù vì tội giết người liên quan tới cờ bạc.

Trên đây là những câu chuyện tôi góp nhặt lại từ thực tế ở quê tôi, những mong bài viết như một hồi chuông báo động đến các cấp hữu trách, các bạn trẻ!

Phương vũ


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông