Mỗi năm trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy ra rất nhiều câu chuyện đau lòng bởi cái chết chóng vánh của nhiều nạn nhân lá ngón và nỗi buồn đột ngột mất đi người thân của các gia đình. Trên thực tế có nhiều lý do để tử tự bằng lá ngón, nhưng đa số nạn nhân là những người trẻ tuổi, lao động chính trong gia đình…
| Cây lá ngón |
Những câu chuyện đau lòng
Tập quán sinh hoạt của đồng bào vùng cao là phát nương làm rẫy, nên khi đi rừng, cha mẹ đã cảnh báo cho con về tác hại của lá ngón, cần phải tránh xa nó khi đi hái rau rừng. Bởi chỉ vài ngọn lá ngón lẫn với rau rừng, khi nấu bát canh cũng có thể đầu độc cả một gia đình. Có thể vì sự hiểu biết tường tận về loài cây này, không ít trường hợp nạn nhân đang ở độ tuổi cắp sách đến trưởng, đang ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, các em đã dại dột tìm đến lá ngón để quyên sinh...
Đã hơn 5 mất đi hai đứa con gái, nỗi đau của gia đình ông Vừ Sống Tú, ở bản Mường Tỉnh, xã Sa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên vẫn chưa thể nguôi ngoai. Ông Tú đau xót kể lại: “Vừ Thị Xua, sinh 1990 và Vừ Thị Lia, sinh 1991, đã giúp được gia đình nhiều việc, nhưng chúng lại rất ham chơi. Đang mùa làm nương, gọi mãi mà chúng không chịu đi làm, nên vợ chồng tôi có mắng hai con. Sau đó, hai vợ chồng đi nương bình thường như mọi ngày. Trời chạng vạng tối, tôi về nhà, không thấy các con và nhờ dân bản đi tìm. Khoảng 3 tiếng sau, mọi người hoảng hốt khi phát hiện Xua, Lia và cháu ruột là Vừ Thị Lầu, sinh 1990 nằm chết cạnh nhau ở bìa rừng. Chỉ vì một phút suy nghĩ nông nổi, chúng nó đã cùng rủ em họ tìm đến lá ngón… Cũng chỉ vì lý do mâu thuẫn với chồng, Tráng Thị Dế, 18 tuổi, ở xã Sa Dung, Điện Biên Đông bế đứa con gái 11 tháng tuổi vào rừng tìm lá ngón để chết. Sau khi ăn xong là ngón, Dế đã mớm cho con gái thứ độc dược này, nhưng đứa trẻ không nuốt được vị đắng từ loài cây chết người nên đã nhổ ra một cách vô thức và thoát chết…
Dân bản xã Pú Hồng vẫn còn nhớ như in về cái chết của em học sinh Lầu Thị Chua, ở xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông xảy ra đầu năm 2010. Vì nhà ở cách trường hơn 10km nên Sinh phải ở nội trú. Khi đến mùa gặt, Chua về nhà lấy lương thực thì bị cha, mẹ bắt nghỉ học vài ngày để đi nương. Ham học, Chua chỉ sợ nghỉ học rồi sẽ bị cô giáo mắng và lực học sẽ thua kém bạn bè. Nhưng nếu không nghỉ học để giúp cha, mẹ thì sẽ không có lương thực, lấy gì mà ăn. Uất ức quá, Chua không biết phải làm thế nào để vừa giúp được gia đình vừa không phải nghỉ học. Thế rồi, em buồn chán và vào rừng tìm lá ngón. Khi cha, mẹ phát hiện ra Chua tử tự, đưa em đến Trạm y tế xã Pú Hồng thì đã quá muộn. Cô bé Chua đã trút hơi thở cuối cùng trên đường đi cấp cứu khi vừa bước sang tuổi 14, để lại phía sau chuyện học hành dang dở và nỗi dằn vặt cho gia đình.
Câu chuyện tự tử bằng lá ngón vừa xảy đầu năm Tân Mão, ở bản Pá Chả, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, gây xôn xao dư luận, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn tự tử bằng lá ngón ở xã vùng cao đặc biệt khó khăn này. Nạn nhân của tử thần lá ngón là Hờ A Dơ, 28 tuổi. Được biết, Dơ lấy vợ khi tròn 21 tuổi. Sau 7 năm chung sống, vợ chồng Dơ đã có với nhau 3 đứa con gái. Thu nhập của gia đình trông vào một vụ làm nương, hai vợ chồng phải làm quần quật từ sáng đến tối nhưng cũng chẳng đủ nuôi 5 miệng ăn.
Thời gian gần đây, đi đến đâu Dơ cũng bị mọi người chê bai vì không biết đẻ, không có con trai thì sẽ tuyệt tự bởi Dơ là con trai duy nhất trong gia đình. Năm 2010, vợ Dơ mang thai đứa con thứ 4 rồi cũng đến ngày sinh nở. Buổi tối đầu năm mới, Dơ đi uống rượu ở bản về thì vợ đã sinh đứa con gái và mọi hy vọng mong ngóng đứa con trai nối dõi của Dơ đều vụt tắt. Quá buồn và tuyệt vọng, Dơ lặng lẽ vào rừng tìm lá ngón. Dơ nằm chết ở bìa rừng, trong tay vẫn còn nắm chặt vài ngọn lá ngón. Dơ chết quá đau đớn, bỏ lại người vợ trẻ mất đi người trụ cột và đàn con nheo nhóc…
Hại nạn nhân tự tử bằng lá ngón Vấn nạn tự tử bằng lá ngón
Những câu chuyện đau lòng về cây lá ngón ở trên chỉ là 4 trong hàng rất nhiều chuyện buồn ở các huyện vùng cao tỉnh Điện Biên. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có trên 100 trường hợp chết do lá ngón. Con số trên tiếp tục gia tăng theo năm tháng và chưa có chiều hướng dừng lại. Hiện tượng người dân chết do lá ngón tập trung chủ yếu ở các huyện có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống như: Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Mường Chà và Mường Nhé.
Chỉ tính riêng từ năm 2005 đến nay, trên địa bàn huyện Điện Biên Đông đã có 150 vụ tự tử bằng lá ngón, trong đó có nhiều vụ tự tử tập thể hết sức thương tâm. Nguyên nhân chính của vấn nạn này là do nhận thức của đồng bào Mông quá hạn chế, nếp nghĩ và cách làm cùng những hủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào suy nghĩ của người dân từ nhiều đời này. Người Mông là dân tộc có lòng tự trọng cao nên khi mâu thuẫn nhỏ phát sinh, người ta dễ dàng vào rừng để tìm lá ngón.
Không ít những cặp vợ chồng tảo hôn sớm, trong cuộc sống bất đồng quan điểm nên chỉ tức bực nhau những chuyện cỏn con cũng sẵn sàng chết cho... bõ tức. Có chuyện em học sinh lớp 9, trong quá trình học nảy sinh tình cảm với thầy giáo trẻ, nhưng không được thầy để mắt đến cũng viết lá thư tuyệt mệnh gửi cho thầy rồi vào rừng ăn lá ngón chết để khẳng định tình yêu của mình. Có trường hợp, buồn và tủi thân vì em gái xinh đẹp hơn mình và lấy chồng trước, chị gái cũng tìm đến lá ngón để kết liễu cuộc đời…
Theo khoa học nghiên cứu, cây lá ngón còn gọi là cây co ngón, thuốc rút ruột, hồ mạn trường... Đây là loại cây có nhiều độc tố nhất xứ nhiệt đới, bởi chỉ cần 1 mg chất độc chiết xuất từ lá ngón có thể giết chết 50 con ngựa. Cây lá ngón có 2 loại: Hoa trắng và hoa vàng; trong đó độc nhất là loại lá ngón hoa vàng, chỉ cần 3 ngọn (khoảng 9 - 12 lá) có thể làm người ta tử vong. Đặc biệt lá ngón ăn kèm với muối thì lượng độc tố sẽ ngấm vào cơ thể rất nhanh. Người ăn phải lá ngón có biểu hiện ngộ độc sau 15 phút. Nếu cấp cứu nạn nhân lá ngón kịp thời thì hậu quả để lại trên cơ thể cũng khôn lường.
Để ngăn chặn tình trạng này tự tử bằng lá ngón, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại khôn lường của cây lá ngón. Tuy nhiên, câu chuyện về “tử thần” lá ngón vẫn tiếp diễn và chưa có hồi kết… Mong sao có một cách gì diệt trừ tận gốc loài cây chết người này để nỗi đau lá ngón không xảy ra ở các bản làng và các gia đình, khi cuộc sống của họ vẫn còn nghèo khó.
HỒNG HẢI |