09:38 15/09/2019 Viết cho thiếu nhi, người yêu thơ khắp cả nước không thể không nhắc tới những tên tuổi luôn là niềm tự hào của thơ thiếu nhi Việt Nam như Phạm Hổ, Võ Quảng, Xuân Quỳnh, Trần Đăng Khoa… Vẫn với tâm hồn và trái tim yêu trẻ, nhiều nhà thơ ngày nay dành nhiều tâm sức để viết cho thiếu nhi những câu thơ trong sáng, đầy rung động. Đó như những “cánh cửa” thần kỳ đưa ta về với tuổi thơ hồn nhiên, vô tư biết đến nhường nào.
Những bài thơ viết cho thiếu nhi giúp các em thêm yêu tự nhiên và cuộc sống xung quanh mình (ảnh minh họa)
Ai cũng có một tuổi thơ ăm ắp những kỷ niệm. Tuổi thơ của anh là gắn với những trò đánh đáo, chơi khăng. Tuổi thơ của bạn là những buổi trưa trốn mẹ đi hái quả trong vườn, ngụp lặn dưới dòng sông quê.
Còn tuổi thơ tôi là những ngày hè được ở cùng bà với một thế giới “thần tiên” nơi quê hương yêu dấu. Nhà thơ Phạm Văn Trợ trong bài thơ “Nghỉ hè” với những câu thơ giản dị đã vẽ nên cả một thế giới tuổi thơ đầy thanh âm và sắc màu gắn với quê hương yên bình.
Viết cho thiếu nhi, các tác giả dành trọn trái tim yêu thương đối với con trẻ
Đó là tiếng ve gọi hè, là màu xanh mướt mát của hàng me, của những cánh đồng lúa ngút ngàn; là sắc vàng của hoa mướp, của trái chín trĩu cành; là dáng chao nghiêng bay bổng của cánh diều hay đàn cò trắng trên trời xa.
Sao mà không yêu một tuổi thơ đẹp như thế. Sao có thể không nhớ những câu thơ thế này: “Dìu dặt tiếng ve/Phố rợp bóng me/Bé qua lớp một/Hẹn về thăm quê/Hoa mướp vàng hoe/Lúa chiêm chắc hạt/Bà cháu ra đồng/Bờ xôi, ruộng mật/Cánh diều bay bổng/Lên cao, rất cao/Cánh cò trắng phau/Nhập nhòa trong nắng…”.
Cùng trong dòng cảm xúc ấy, nhưng tác giả Lê Văn Hy lại viết về những “Ngày nghỉ hè” của em gắn với những câu chuyện cổ của bà, những trò chơi xưa của ông.
Bằng những câu thơ, tác giả đã thay những em nhỏ kể chuyện về những “Ngày nghỉ hè”: Những ngày em nghỉ hè/ Bà kể chuyện cổ tích/Ông bầy trò chơi xưa/Truyện nào em cũng thích/Trò nào em cũng ưa/Em thích truyện Tấm, Cám/Em ưa truyện Thạch Sanh/Khuyên người ta hướng thiện/Ở hiền thì gặp lành…”
Nghỉ hè là phải tạm biệt với bạn bè, thầy cô, là tạm rời ra bảng đen, phấn trắng… Tất cả được giấu vào nỗi nhớ.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tuất khi viết “Nghỉ hè” đã nói giùm các em nhỏ những kỷ niệm, nhớ nhung đong đầy qua các câu thơ: “Cổng trường khép lại/Tiếng trống lặng im/Bóng bàng đi tìm/Dấu chân bạn nhỏ/Hoa mười giờ đỏ/Lẳng lặng mặt trời/Tiếng chim sẻ rơi/Giấu vào nỗi nhớ/Bút bi, sách vở/Trống trải mặt bàn/Phấn trắng, bảng đen/Còn bao dấu hỏi/Đôi mắt ngóng đợi/một mùa hè xanh…”.
Viết về những kỷ niệm tuổi thơ với bạn bè, thầy cô, mái trường, nhà thơ Nguyễn Thị Thúy Ngoan trong “Chia tay mái trường” đã viết những câu thơ đầy bịn rịn: “Nắng như là đổ lửa/Chim trốn vào vòm xanh/Gió ríu ran trên cành/Phượng gọi hè rực rỡ/Sân trường tràn nỗi nhớ/Bịn rịn lời chia tay/Gió rung nhẹ cành cây/Cánh phượng tràn trên tóc/Nhìn nhau đừng có khóc/Gốc bàng xòe tán che/Kìa mắt lá đỏ hoe/Vẫy tay cùng các bạn…”
Viết cho trẻ thơ, các tác giả thường viết về những gì gần gũi với các em nhất. Mượn lăng kính trẻ thơ, các tác giả miêu tả các sự vật, sự việc thật dễ hiểu, đầy sống động, dễ đi vào lòng người yêu thơ, nhất là đối với các độc giả nhí.
Qua đó, giúp các em thêm gần, thêm yêu với thế giới thiên nhiên, với những gì tốt đẹp nhất của cuộc sống. Nhà thơ Nguyễn Siêu Phàm trong bài thơ “Xe rác” bằng cách nói nhân hóa đã miêu tả hình ảnh của chiếc xe rác thật đáng yêu, góp phần giúp các em nhỏ có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường sống xung quanh ta: “Leng keng…leng keng…/Tôi là xe rác/Đi khắp đường quê/Tôi gom tôi nhặt/Rác thải từng nhà/Nào bác, nào cô/Nào anh, nào chị/Nào các bạn nhỏ/Gom rác mỗi ngày/Để sẵn nơi đây/Đường ngang ngõ hẻm…”
Tác giả Bùi Văn Huy lại đưa các em nhỏ đến với thế giới thiên nhiên vui tươi, rộn ràng những thanh âm và muôn vàn sắc màu tươi sáng trong “Khu vườn bà em”.
Nhà thơ dường như đắm chìm tâm hồn mình vào trong thiên nhiên, lắng nghe thật kỹ những bước đi của thời gian, của nắng, của gió, quan sát thật tỉ mỉ những chuyển động của sự vật, sự việc để có được những câu thơ rất đẹp như thế này để dành tặng con trẻ: “Sớm bình minh thơm mát/Em ra vườn tưới cây/Những tia nắng hây hây/Chui qua từng kẽ lá/Gió đùa vui rôm rả/Xào xạc lá cành chanh/Vườn bà nhuộm màu xanh/Có chú chim đang hót/… Tìm sâu non lấp ló/cuộn trong lá tre xanh/Nhảy nhót chim chuyền cành/Con sâu xanh trốn mất…”
Cùng là miêu tả thế giới tự nhiên, nhà thơ Đặng Toán chọn những gì gần gũi nhất của làng quê để khắc họa trong thơ của mình. Trong bài thơ “Hè đến”, tác giả viết: “Mưa rào vỗ tay/Ao hồ đầy nước/Con cá rô lóc/Ngược bờ tuổi thơ… Bầu trời trong veo/Một màu cổ tích/Ngọn tre sau bếp/Treo mảnh trăng non…”
Nhà thơ Hoài Khánh với lối viết cụ thể, dễ hiểu đã đưa các em nhỏ đến với một thế giới thật dung dị, nhưng lãng mạn, giàu chất thơ trong “Hoa bèo”: Thân thì trắng/Rễ lại đen/Lá xanh rủ bạn xếp ken thành bè/Hoa tim tím gọi mùa hè/Như dàn kèn/Thổi toe toe giữa trời… Đêm về bèo cũng bồn chồn/Cùng anh nhái bén thả hồn đếm sao/Bỗng dưng/Trời đổ mưa rào/Cả vùng ao/Thấy chỗ nào cũng sao!”.
Yêu thiên nhiên, tác giả Nguyễn Tiến Bình bằng những câu thơ lục bát dễ nhớ lại đưa các em nhỏ đến với không gian ngập tràn những thanh âm của muôn loài chim.
Trong bài “Tiếng chim tình đời”, tác giả viết: “Chim sâu vạch lá chuyên cần/Bói cá nhào lộn mấy lần hăng say/Chiền chiện cất tiếng hót hay/Cò chăm mò tép trưa nay trên đồng… Tiếng con le thả bồng bềnh/Con vích nhỏ nhẹ như không kêu gì/Sếu thì ngân tiếng rầm rì/Chim chích bé nhỏ, tiếng thì vang vang…”
Khán giả có lẽ sẽ cảm nhận được rất nhiều tình cảm yêu thương của nhà thơ Nguyễn Loan dành cho con trẻ khi đọc “Hai bàn tay bé ngoan”.
Đó như một lời thủ thỉ, một lời động viên của nhà thơ để các em nhỏ phấn đấu chăm học, chăm làm, trở thành con ngoan , trò giỏi, được bạn mến, thầy yêu: “Hai bàn tay bé/Ngoan thật là ngoan/Tay nào cũng giỏi/Chăm học chăm làm/Những khi bà ốm/Đỡ cho bà nằm/Tay bát, tay muỗng/Bón cho bà ăn… Mỗi khi đến lớp/Hai tay kết đoàn/Tay trái giở sách/Giúp cho bạn mình…”.
Có thể nói viết thơ cho thiếu nhi thật khó, bởi không phải ai cũng có thể viết cho trẻ em bằng con mắt con trẻ. Người sáng tác cho thiếu nhi phải thật sự hòa mình sống trong thế giới của con trẻ thì mới có những bài thơ dễ hiểu, dễ nhớ đối với các em nhưng lại phải có sự sáng tạo về nghệ thuật nhất định. Vì thế, những bài ngộ nghĩnh mà kỳ diệu của các tác giả viết về thiếu nhi luôn là những món quà xinh xắn dễ thương, giàu tình cảm yêu thương nhất dành tặng con trẻ.
Xuân Hạ
14:29 23/11/2024