17:18 16/02/2020 Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp và Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2 ở xã An Đồng, huyện An Dương đang là nơi theo dõi, cách ly nhiều trường hợp có nguy cơ nghi nhiễm Covid-19. Trong “chiến dịch” này, các bác sĩ, điều dưỡng viên như những “chiến binh” mặc blouse trắng luôn giữ được sự bình tĩnh, vững vàng, sự lạc quan, tạo niềm tin cho mọi người.
Các bác sĩ, điều dưỡng căng mình làm việc tại Khu cách ly tại Khoa Bệnh nhiệt đới-Bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp
Ứng trực 24/24 giờ và niềm vui mang tên “âm tính”
Những ngày này, Tiến sĩ - Bác sĩ Ngô Anh Thế - Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp bận rộn hơn nhiều lần so với lúc thường. Vừa sát sao theo dõi việc thăm khám, chăm sóc sức khỏe các trường hợp bị cách ly, nhất là các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc dịch bệnh Covid-19, anh còn là bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Khu cách ly y tế tập trung ở Bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp cơ sở 2 ở xã An Đồng, huyện An Dương .
Có mặt trực tiếp tại đây, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với anh. Bác sĩ Thế cho biết, các trường hợp đang được các ly hiện có sức khỏe ổn định. Trước đó, ngay từ 30 Tết Nguyên đán Canh Tý, với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm cao, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp và Khoa đã chủ động xây dựng các phương án, kịch bản, biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND và Sở Y tế thành phố. Khoa đã bố trí khu vực cách ly tại tầng 1, đồng thời thực hiện các quy trình nghiêm ngặt trong tiếp đón, sàng lọc, thăm khám, cách ly; triển khai các đường dây nóng để tiếp nhận thông tin liên quan. Bên cạnh đó, khi thành phố có chỉ đạo xây dựng Khu cách ly y tế tập trung tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp cơ sở 2 ở xã An Đồng, huyện An Dương, Khoa đã tích cực tham vấn về xây dựng quy trình, cử các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên làm lực lượng nòng cốt làm việc tại đây.
Được biết, tại Khoa hiện luôn có 2 kíp chuyên môn ứng trực thường xuyên, liên tục 24/24 giờ. Trong đó, có từ 1-2 bác sĩ cùng 2 điều dưỡng và 1 hộ lý/kíp, trực tiếp thăm khám, điều trị, chăm sóc những trường hợp bị cách ly.
Với những kiến thức, kỹ năng đã được trang bị về phòng, chống dịch, bác sĩ và các nhân viên y tế của Bệnh viện trong suốt những ngày qua không hề bị động, bất ngờ trước các ca có các triệu chứng nghi nhiễm Covid-19 nhập viện. Tất cả những nhân viên y tế, người lao động làm việc ở khu cách ly đều được trang bị quần áo bảo hộ phòng, chống dịch theo đúng quy định cũng như được hướng dẫn kỹ càng quy trình tránh lây nhiễm cho gia đình, cộng đồng trước khi họ về với gia đình. “Tuy nhiên, không phải ai cũng được gia đình thông cảm chia sẻ. Vì thế cũng có nhân viên phải thường xuyên sinh hoạt, bị “cách ly” ngay tại Khoa mà mình làm việc, không thể trở về nhà” - bác sĩ Thế trải lòng. Nhưng đến bây giờ, niềm vui lớn nhất của anh và đồng nghiệp là hiện dù đã có trên 20 ca phải lấy mẫu xét nghiệm song tất cả đều có kết quả âm tính. Phần lớn các trường hợp cách ly đều sống hòa đồng, khỏe mạnh và đã được trở về với cuộc sống thường ngày.
Tự hào là "chiến binh" phòng chống Covid-19
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Tâm vui vẻ chia sẻ những câu giao tiếp bằng tiếng Trung mà chị đã học được
Có mặt tại Khu cách ly đặc biệt tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp cơ sở 2 vào giờ đã quá trưa, trong không gian im ắng khi những người cách ly đã vào giấc nghỉ, chúng tôi không khỏi chạnh lòng chứng kiến các bác sĩ, điều dưỡng tranh thủ với bữa ăn trưa nhanh gọn, đạm bạc.
Tươi tắn trong bộ blouse trắng, điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Tâm chia sẻ với tôi những câu nói cơ bản trong giao tiếp bằng tiếng Trung mà chị tranh thủ tự học được trong những ngày làm việc tại đây. Chị kể, câu nói “nằm lòng” mà điều dưỡng nào giờ cũng đã trôi chảy là: “Mời ra ăn cơm”. Nhìn chị khó ai có thể biết người phụ nữ trung niên này đã phục vụ cật lực trong trận chiến phòng chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện trong cả tuần qua mà chưa một lần về nhà.
Các bác sĩ, điều dưỡng căng mình làm việc tại Khu cách ly y tế tập tung
Chị Tâm bảo, công việc hàng ngày của điều dưỡng viên là phục vụ những người cách ly ở đây các bữa ăn trong ngày; chăm sóc, theo dõi sức khỏe của từng trường hợp bằng cách đo thân nhiệt 2 lần/ngày rồi thăm hỏi, ghi lại những những yêu cầu từng ngày để có thể đáp ứng, giải thích cho họ nếu cần. Những ngày đầu, các chị cảm thấy vô cùng căng thẳng, hoang mang vì số lượng người nhiều, lại bất đồng về ngôn ngữ trong khi phiên dịch viên quá ít. Hơn thế nữa, có một số trường hợp biểu hiện không hợp tác. Nhằm giúp những người cách ly ở đây có cuộc sống thoải mái, nhất là để góp phần phòng chống dịch, tránh lây lan trong cộng đồng và tạo được hình ảnh đẹp, thân thiện của thành phố, của ngành y tế Hải Phòng, các chị đã “căng mình” hàng giờ, làm việc cật lực suốt cả ngày lẫn đêm. Có lúc mệt quá, đến bữa mọi người cũng không nuốt nổi. Giờ các điều dưỡng đã quen với guồng quay, các chị còn tranh thủ học tiếng Trung Quốc qua các phiên dịch viên, tạo được sự vui vẻ, hòa đồng với những người cách ly.
Càng đáng khâm phục và ghi nhận hơn nữa, khi đã 7 ngày nay, nhiều chị chưa về nhà. Mọi việc trong gia đình, các chị phải nhờ chồng, nhờ ông bà nội, ngoại để phục vụ phòng, chống Covid-19. Cũng có hơi buồn là hầu hết những hàng xóm đều tránh không giao tiếp với các chị, nhưng khi nghĩ mình đang đóng góp công sức cho cộng đồng là mọi nỗi niềm như đều tiêu tan.
Được biết, bác sĩ Nguyễn Thế Hùng-Bác sĩ Khoa nội 4 của Bệnh viện, sinh năm 1994 là 1 trong 6 bác sĩ trẻ nhất được tăng cường cho Khu cách ly y tế tập trung. Anh cho hay: Khi nhận được quyết định, bản thân cũng cảm thấy có hơi “choáng” và bất ngờ vì chưa có nhiều kinh nghiệm phòng, chống dịch. Tuy vậy, ngay đó anh lại thấy háo hức, tự hào vì mình đã được chọn, lại là bác sĩ trẻ tuổi nhất tham gia vào chiến dịch. Đối với anh, những ngày làm việc tại đây là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa, đầy kỷ niệm. Anh kể có những ngày, trong một buổi sáng anh thực hiện thăm khám cho khoảng 40-50 trường hợp ở cả 2 khu cách ly. Nếu tính cả ngày, anh đã đi bộ khoảng chục km đường. Ngoài thăm khám, theo dõi những triệu chứng bệnh, bác sĩ Hùng còn theo dõi những bệnh tiền sử của người cách ly như tiểu đường, gút, cao huyết áp… “Được học hỏi nhiều về chuyên môn, học hỏi nhiều kinh nghiệm sống, đó là niềm vui, hạnh phúc mà không phải lúc nào cũng có được” - bác sĩ Hùng vui vẻ cho biết.
Vất vả, nhọc nhằn là thế, lại đối mặt hàng ngày với nhiều nguy hiểm nhưng những “chiến binh” mặc blouse trắng của Bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp luôn tràn đầy năng lượng, sự nỗ lực, nhất là trách nhiệm và sự lạc quan trong chiến dịch phòng chống dịch bệnh Covid-19 này. Các anh, các chị thực sự đang lan tỏa một tinh thần “thép” trong cộng đồng.
Xuân Hạ
09:09 24/11/2024
13:27 22/11/2024
15:26 16/11/2024