Những chiến sỹ nợ đời với dân

16:58 09/04/2011

Không hiểu tại sao tôi như bị “thôi miên” bởi những câu chuyện “nợ đời” với dân của thiếu tá Bùi Hồng Phong, CSKV CA phường Hàng Kênh, hay đại úy Nguyễn Minh Trí, CSKV CA phường Hồ Nam. Nhiều CSKV CA quận Lê Chân nữa mà tôi gặp họ tâm tình không ngoài ý nghĩ vì nhân dân phục vụ. Họ đều nói, làm chiến sĩ công an không “nợ dân” mới là chuyện lạ. 
Không hiểu tại sao tôi như bị “thôi miên” bởi những câu chuyện “nợ đời” với dân của thiếu tá Bùi Hồng Phong, CSKV CA phường Hàng Kênh, hay đại úy Nguyễn Minh Trí, CSKV CA phường Hồ Nam. Nhiều CSKV CA quận Lê Chân nữa mà tôi gặp họ tâm tình không ngoài ý nghĩ vì nhân dân phục vụ. Họ đều nói, làm chiến sĩ công an không “nợ dân” mới là chuyện lạ. 

Thiếu tá Bùi Hồng Phong, sinh 1969, quê gốc ở Thái Bình nhưng lại sinh ra và lớn lên ở thành phố cảng Hải Phòng. Vào ngành công an năm 1986, Bùi Hồng Phong có những năm tháng công tác tại các đơn vị thuộc Cục CSBV ở TP Hồ Chí Minh, rồi Tây Nguyên. Nơi nào nhiệm vụ của anh cũng phải gần dân, phục vụ nhân dân. Đến năm 1994, Bùi Hồng Phong được về công tác tại CA quận Lê Chân. Sau gần 6 năm công tác ở các đội trên quận, lãnh đạo Công an quận phát hiện “năng khiếu” dân vận của Phong đã quyết định đưa anh về làm CSKV CA phường Hàng Kênh, một trong những địa bàn đang nhức nhối về TNXH lúc bấy giờ.

Ngay từ đầu, lãnh đạo CA phường giao cho Bùi Hồng Phong làm CSKV quản lý 2 khu dân cư thuộc ngõ 18 và 46 Lạch Tray. Chỉ có khoảng hơn 300 hộ gia đình, nhưng 2 ngõ này lại có những phức tạp riêng. Phải biết dựa vào dân là phương châm Bùi Hồng Phong nhận ra. Phong bỏ thời gian đến từng nhà, hỏi từng người để nắm chắc tình hình nội bộ trong nhân dân. Anh có sổ ghi chép riêng, theo dõi từng nhân khẩu từ lai lịch đến việc làm của họ. Ngày nào cũng có mặt ở tổ dân phố. Gia đình các tổ trưởng, tổ phó hay bí thư chi bộ đường phố, Phong hiện diện như cơm bữa.

Dần dà mối quan hệ đó trở nên thân thiết như người thân. Chủ yếu Bùi Hồng Phong cùng họ đến từng gia đình vận động, tìm phương án giữ cho cuộc sống an ninh trong mỗi ngày. Nhất là các đối tượng cần quản lý, Phong gặp gỡ thường xuyên để cảm hóa, vận động họ cộng tác với anh dẹp bỏ những TNXH đang phát sinh trong khu dân cư. Nên nhiều gia đình có con em hư đã tìm đến Phong nhờ giúp đỡ giáo dục. Chỉ hơn một năm sau, tình hình ANTT ở hai ngõ 18 và 46 ổn định hẳn. Hàng chục đối tượng từ nơi khác đến để hoạt động phi pháp đều được nhân dân báo cho CSKV, CA phường xử lý. Những năm sau này khu vực Phong phụ trách giảm đi nhiều TNXH, giữ vững được phong trào bảo vệ ANTQ trong quần chúng nhân dân.

Đầu năm 2003, lãnh đạo CA phường Hàng Kênh thấy rằng cần giao cho Bùi Hồng Phong quản lý địa bàn đang có nhiều phức tạp về trật tự là khu vực ngõ 229 Hàng kênh. Khu vực này có khoảng 600 hộ gia đình, hơn 2.000 nhân khẩu, thuộc 3 tổ dân phố. Vẫn như phương châm đã từng làm với địa bàn trước đây, Bùi Hồng Phong không ngại địa bàn rộng, đông dân cư, anh có phương pháp quản lý riêng. Vì chủ yếu 3 tổ dân phố mới đều là các gia đình lao động, công nhân nên đời sống còn khó khăn. Mà khó khăn bao giờ cũng phát sinh tệ nạn. Do đó địa bàn mà Phong mới phụ trách có nhiều điểm hoạt động ma túy, cờ bạc, ít người dân dám tố giác.

Kiên trì có mặt tại địa bàn, Bùi Hồng Phong thường xuyên trao đổi với các bí thư chi bộ đường phố, tổ dân phố và những gia đình gương mẫu bàn cách vận động nhân dân tự dẹp bỏ tệ nạn. Vì nếu dân không đồng tình ủng hộ và quyết tâm cùng chính quyền thì khó có thể giữ được an toàn trong khu vực. Bỏ nhiều thời gian tìm hiểu, Bùi Hồng Phong nắm chắc lai lịch, mọi di biến động của 15 đối tượng được coi là “cộm cán” trong số vài chục đối tượng đang cư ngụ trong khu. Anh gặp từng người vận động và thuyết phục họ phải có trách nhiệm bảo vệ trật tự an ninh chung, nhất là những điểm hoạt động ma túy, cờ bạc.

Lúc đầu công việc gặp không ít khó khăn, nhưng rồi được sự hỗ trợ của nhân dân, chính quyền, tình hình hoạt động TNXH trong khu vực giảm hẳn. Để mọi người đồng tình ủng hộ, giúp đỡ CSKV xóa những điểm “đen” chứa chấp hoạt động tệ nạn, Phong đã đề xuất nhiều phương án làm quyết liệt dứt điểm từng nơi. Nhân dân trong khu thấy CSKV gắn bó với dân và làm được nhiều việc nên đã tích cực cộng tác trở lại. Vì thế suốt một năm đầu vất vả, Bùi Hồng Phong đã có uy tín trước nhân dân. Nhiều gia đình hễ có chuyện to nhỏ gì, đêm hay ngày cũng đều báo với CSKV biết để giải quyết.

Thiếu tá Bùi Hồng Phong tâm sự với chúng tôi, nhiều khi vất vả lắm nhưng cũng cố chịu vì dân tin mình minh mới làm được việc. Gia đình riêng cũng không xa lắm, song nhiều khi bữa cơm hàng ngày Phong cũng không được ăn cùng vợ con. Bởi, ít khi không có “chuyện” xảy ra ngay trong khu vực và đương nhiên Phong phải là người có mặt giải quyết tận gốc. Hơn 600 gia đình đã tự tạo được đường dây liên lạc, mối quan hệ gắn bó với anh. Có những việc rất buồn cười, dân tin mình gọi đến nhờ thì không thể chối bỏ được. Như chuyện của hai vợ chồng nhà nọ, chồng uống rượu say về khuya quá gọi cửa vợ liền bị “phạt” cho đứng ngoài suốt đêm để nhớ. Không biết bằng cách nào vào nhà được, anh ta liền rút điện thoại gọi cho CSKV đến can thiệp. Dù đêm khuya, Bùi Hồng Phong xuống tận gia đình. Nghe CSKV thuyết phục, người vợ mới chịu mở cửa cho chồng vào nhà.

Lại nữa, chuyện của Cao Thị Thanh Huyền, sinh 1981, ở 68/40/72 Lạch Tray. Cô bị mắc bệnh tim bẩm sinh từ bé. Vì hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn, nên từ lúc phát hiện bệnh chẳng bao giờ được chữa trị kịp thời. Đến năm 2006, bệnh tình của Huyền đến độ không mổ kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng hoàn cảnh này lấy đâu ra tiền để lên Hà Nội phẫu thuật tim. Gia đình có ý nhờ cậy đến CSKV Bùi Hồng Phong hỗ trợ, giúp đỡ. Phong đến từng gia đình trong tổ dân phố vận động mọi người ủng hộ quyên góp để Huyền được đi Hà Nội mổ tim. Vì có tiếng nói của Phong, các gia đình đã quyên góp đủ số tiền cho Huyền lên Hà Nội mổ tim 2 lần. Bây giờ, Cao Thị Huyền đã trở thành người khỏe mạnh và lấy chồng, sinh con. Huyền vẫn thường nhắc CSKV Bùi Hồng Phong chính là ân nhân của gia đình cô.

Gắn bó với dân chính là điều kiện để thiếu tá Bùi Hồng Phong trong 5 năm qua bắt giữ hàng chục đối tượng có lệnh truy nã, hoặc từ nơi khác đến địa bàn hoạt động phi pháp. Có những vụ do nhân dân phát hiện, CSKV đã chuyển cho cơ quan chức năng xử lý 6 trường hợp là người nước ngoài nhập cảnh trái phép đến trú ngụ tại địa bàn. Thiếu tá Bùi Hồng Phong thường nhắc lại với tôi, không gần dân, không hiểu dân, không vì nhân dân thì không bao giờ anh hoàn thành được nhiệm vụ. Mối quan hệ đó có thể gọi là “nợ đời” với dân. Đây cũng chính là lý do Bùi Hồng Phong 10 năm làm CSKV thì 5 năm được công nhận là Chiến sĩ thi đua và CSKV xuất sắc của CATP.

Được trò chuyện với đại úy Nguyễn Minh Trí, CSKV CA phường Hồ Nam, tôi phát hiện ra người CSKV này lại có cách tổ chức vận động nhân dân rất riêng. Trí phụ trách 2 tổ dân phố số 3 và số 4, với 342 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu. Khác với các khu vực khác, cả 2 tổ đều có địa phận tiếp giáp với đường tàu. Thêm nữa, thành phần dân cư chủ yếu là người lao động tự do, buôn bán vặt và là thành phần từ nhiều nơi khác về đây sinh sống, không có hộ khẩu. Bởi thế tính chất phức tạp nơi đây ít nơi nào bằng. Đặc biệt, trong khu có 2 đặc điểm “nổi trội” là khó tránh khỏi việc buôn bán và tổ chức sử dụng ma túy. Thêm nữa, toàn là những hộ gia đình kinh tế gặp khó khăn, nên hay phát sinh mâu thuẫn nội bộ gia đình. Mâu thuẫn đó có thể phát sinh bất kể lúc nào. Vì thế tình hình ANTT khó yên ổn.

Đại úy Nguyễn Minh Trí ngay từ đầu nhận quản lý địa bàn đã biết trước hết những khó khăn, nhưng anh không nản. Anh luôn quan hệ thân thiết với cơ sở và những người tiến bộ trong khu để xây dựng thành những hạt nhân, nòng cốt, xây dựng lại phong trào bảo vệ ANTT mới. Sự có mặt của anh tại địa bàn không kể giờ giấc sẽ hạn chế rất nhiều đến hoạt động tệ nạn. Chỉ nói riêng việc giải quyết mâu thuẫn trong nhân dân, chính Trí đã đề xuất với chính quyền cho thành lập các tổ hòa giải. Được chính quyền ủng hộ, song chọn ai là người có uy tín tham gia lại là bài toán không dễ. Vì từ trước tới nay nhân dân trong khu này sống theo nếp “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, không can thiệp việc gia đình người khác.

Thậm chí có góp ý can thiệp nhiều khi lại nhận được lời đe dọa. Vận động mãi và thấy rằng, ít CSKV nào như Nguyễn Minh Trí lại quan tâm đến quyền lợi của nhân dân đến như vậy và nhiệt tình với tất cả mọi người trong khu. Thế nên, sau này tổ hòa giải do CSKV Nguyễn Minh Trí đề xướng được ra mắt và tham gia giải quyết nhiều mâu thuẫn nội bộ trong nhân dân. Nhân dân trong tổ 3 và 4 tích cực tham gia hơn các phong trào đường phố. Hàng năm Trí nhận được nhiều giúp đỡ từ nhân dân trên địa bàn và phát hiện bắt giữ từ 5-6 vụ liên quan đến ma túy, ANTT.

Trước đây bà Nguyễn Thị T., sinh 1920, vì khó tính nên không ở được với người con nào. Càng về già bà càng yếu nhưng chẳng đứa nào quan tâm tới bà vì  có quan tâm cũng bị bà quở mắng. Sống trong tình trạng như thế, ít ngày trong nhà bà không to tiếng, gây ảnh hưởng hàng xóm. Sau này tổ hòa giải cùng CSKV phải tổ chức một cuộc họp ngay trong gia đình bà T. và vận động các con bà có trách nhiệm với bà lúc tuổi già. Cảm động trước sự quan tâm đến đời sống của mình, bà T. không còn bảo thủ nữa, sống hòa thuận với con cái, bà con lối phố.

Còn nhiều chuyện mà đại úy Nguyễn Minh Trí nói với tôi về sự “nợ đời” với dân đều là những mối quan hệ rất cảm động. 3 năm quản lý tổ dân phố số 3 và số 4 phường Hồ Nam, chính đại úy Trí là người có công làm ổn định và thắt chặt mối quan hệ giữa nhân dân với lực lượng công an. Chính việc tổ chức, vận động phong trào xây dựng tổ dân phố an toàn mà đại úy Nguyễn Minh Trí 2 năm liền được bầu làm Chiến sĩ thi đua. Anh cũng là một trong những CSKV xuất sắc của CA quận Lê Chân. Các đồng chí lãnh đạo CA quận thường nói, lực lượng CSKV ở Lê Chân chính là những người thắt chặt mối quan hệ gắn bó với nhân dân. Tất cả trong số họ đều xứng đáng được đề cao vì đã góp phần tích cực giữ vững an ninh chính trị, TTATXH trên địa bàn quận Lê Chân.


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông