Những dấu hiệu bất thường liên quan đến 2 tấm bia đá phát hiện tại xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng

08:18 24/05/2018

Thời gian qua, trên mạng xã hội đăng tải nhiều bài viết liên quan đến việc 1 nhóm người, tự xưng là nhóm nghiên cứu khoa học phát hiện 2 tấm bia đá tại xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, mà nhóm này cho rằng có liên quan đến mộ chí Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Trước đó, ngày 2-5, nhóm người do ông Nguyễn Văn Vịnh, Trưởng khoa Khoa học cơ bản, trường Đại học Công nghiệp Mỹ thuật Hà Nội, làm trưởng nhóm đến UBND xã Kiến Thiết đề cập việc tìm kiếm di chỉ liên quan đến Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại khu vực Cống Cá, thôn Thanh Trì.

Ngày 6-5, nhóm người trên đã tự ý thuê người dân địa phương dùng thuốn thăm dò thì phát hiện 2 tấm bia đá có nhiều chữ nho. Bia có chiều cao khoảng 70cm, chiều ngang khoảng 30cm và dày 7cm. Nhóm này đã dịch sơ bộ và cho rằng, 2 tấm bia có liên quan đến mộ chí Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Được biết: 2 tấm bia đá được tìm thấy rất nhanh và cách nhau 1m.

Tấm bia thứ nhất được ông Nguyễn Văn Sỹ (sinh năm 1963, trú tại thôn Thanh Trì, xã Kiến Thiết) dùng thuốn tìm thấy dưới lòng sông, sát bờ đầm. Tấm bia thứ 2, được ông Bùi Văn Đước (sinh năm 1972, người cùng được thuê với ông Sỹ) cho biết, trong lúc ngồi nghỉ giải lao, ông ngồi trên bờ đầm cạy đất chơi thì phát hiện 1 tấm bia nằm đối diện với tấm bia thứ nhất đã tìm thấy trước đó.

Hai tấm bia đá phát hiện tại xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng

Điều kỳ lạ là cuối năm 2017, ông Sỹ mới thuê máy cuốc đất để đắp bờ nhưng hoàn toàn không thấy những tấm bia này. Ngay cả trước đó, ông Sỹ đã nhiều năm nhận thầu, khoán và hàng ngày làm việc trên mảnh đất này cũng không thấy tấm bia nào như thế. “Vậy thì những tấm bia này ở đâu ra” Nhiều người dân địa phương đặt ra câu hỏi?

Ông Sỹ cũng cho biết thêm, hơn 2 năm trước, ông đã gặp ông Nguyễn Văn Vịnh về địa phương nhưng không biết mục đích gì?. Kể cả lần này, sau khi qua thông tin đại chúng ông mới biết ông Vịnh về tìm mộ chí Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Điều 38, 39 Luật di sản văn hóa quy định: Việc thăm dò, khai quật khảo cổ chỉ được tiến hành sau khi có giấy phép của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; tổ chức có chức năng nghiên cứu khảo cổ muốn tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ phải gửi hồ sơ xin phép thăm dò, khai quật khảo cổ đến Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Khoản 19 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa quy định: Trong trường hợp địa điểm khảo cổ đang bị hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại. Chủ tịch Ủy ban nhân cấp tỉnh cấp giấy phép khai quật khẩn cấp và báo ngay cho Bộ văn hóa Thể thao và Du Lịch.

Căn cứ các quy định trên, việc thăm dò, khai quật, khảo cổ của nhóm người do ông Nguyễn Văn Vịnh làm trưởng nhóm chưa được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước về Di sản Văn hóa là sai quy định của pháp luật. Cũng tương tự, nhìn lại việc phát hiện “hộp gỗ” tại nhà Bùi Thị Hiền xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo cuối năm 2017, mà nhóm người thuộc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người cho là mộ của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Qua quá trình nghiên cứu, tổng hợp ý kiến của các nhà khoa học, cơ quan chức năng đã đưa ra kết luật: việc tự ý khai quật, khảo cổ và tự ý di chuyển hiện vật đã vi phạm Luật Di sản văn hóa và không có cơ sở khẳng định hiện vật là chiếc “hộp gỗ” phát hiện tại xã Cộng Hiền có liên quan đến Danh nhân văn hóa Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Vậy, phải chăng việc phát hiện 2 tấm bia đá tại xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng là tiếp nối mạch tìm mộ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm của nhóm người trên?

Những ngày qua, sau khi các trang mạng xã hội đăng tải về việc phát hiện 2 bia đá liên được cho là liên quan đến mộ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, thì trên một diễn đàn Hán Nôm có nhiều ý kiến trái chiều về 2 tấm bia này, trong đó nhiều ý kiến cho rằng, 2 chiếc bia có dấu hiệu ngụy tạo? Có người cho rằng những nét phẩy, nét mác của các chữ trên tấm bia không giống thời nhà Mạc.

Không có dấu hiệu cho thấy người viết, người đục biết nghề, không có dấu hiệu cho thấy người soạn hiểu biết về điển chương chế độ đương thời…

Một chuyên gia về Hán Nôm cho biết, xem qua những chữ khắc trên 2 tấm bia được chụp lại cho thấy, 2 tấm bia này có dấu hiệu ngụy tạo hiện vật. Như vậy cần sớm có sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn, cơ quan chức năng để làm rõ động cơ, mục đích của những người ngụy tạo ra 2 tấm bia này.

Nguyễn Văn Thanh

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông