Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019: Những điểm mới nổi bật

00:30 08/08/2020

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020, Luật Giáo dục 2019 có nhiều nội dung mới, được người dân quan tâm. Báo An ninh Hải Phòng xin giới thiệu cùng bạn đọc một số nội dung cơ bản của Luật này.

Phát huy tiềm năng học sinh, đẩy mạnh phân luồng sau THCS

Điều 2, Luật Giáo dục năm 2005 quy định như sau: “Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Tại Luật Giáo dục sửa đổi lần này, mục tiêu có thêm yêu cầu là “phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân”. Theo đó, việc dạy và học trong chương trình phổ thông chuyển từ giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. .

Điểm mới đáng chú ý khác, Luật Giáo dục năm 2019 cho phép học sinh có hai lựa chọn: Có thể học tiếp lên THPT hoặc theo học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và các chương trình đào tạo nghề khác. Sự thay đổi này nhằm thực hiện mục tiêu "phân luồng mạnh sau THCS; THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng". 

Liên quan đến đổi mới nội dung giáo dục các cấp học, Luật Giáo dục năm 2019 nêu rõ: Cấp Tiểu học bao gồm 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Ngoại ngữ 1 (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Tự nhiên và Xã hội (ở lớp 1, lớp 2, lớp 3); Lịch sử và Địa lí (ở lớp 4, lớp 5); Khoa học (ở lớp 4, lớp 5); Tin học và Công nghệ (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm và 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1 (ở lớp 1, lớp 2). Thời lượng giáo dục là 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học; mỗi tiết học 35 phút.

Cấp THCS bao gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương và 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2). Thời lượng giáo dục là 1 buổi/ngày, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút.

Nội dung giáo dục cấp THPT gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương; 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2); 5 môn học lựa chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học): Nhóm môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn khoa học tự nhiên (Vật lí, Hoá học, Sinh học); Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Thời lượng giáo dục là 1 buổi/ngày, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút.

Miễn học phí, xếp lương nhà giáo theo vị trí việc làm

Về chính sách học phí, theo khoản 1 Điều 105 Luật Giáo dục năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, chỉ học sinh tiểu học trường công lập được miễn học phí. Còn Luật sửa đổi năm 2019 quy định miễn học phí cho trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học, THCS (các trường công lập). Theo đó, Nhà nước bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động để thực hiện phổ cập giáo dục. Trẻ em mầm non 5 tuổi ở cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; học sinh tiểu học, THCS trường tư thục, được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí. Mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quy định tương đương mức ngân sách cấp chi thường xuyên tính bình quân trên một học sinh của cơ sở giáo dục công lập cùng cấp trên địa bàn. Chính phủ quy định lộ trình thực hiện chính sách không thu học phí đối với học sinh THCS học ở các trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh THCS học ở các trường tư thục, trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách nhà nước, trước mắt ưu tiên thực hiện ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 cũng quy định về tiền lương giáo viên với sự thay đổi đáng kể: “Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ”. Sự thay đổi  này là phù hợp với quan điểm xuyên suốt “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, và việc đãi ngộ tiền lương sẽ từng bước thu hút người tài vào ngành Sư phạm.

Một quy định hoàn toàn mới nữa là học sinh học hết chương trình trung học phổ thông, đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp nhưng không dự thi hoặc không đỗ tốt nghiệp thì được Hiệu trưởng nhà trường cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

HẢI HẬU tổng hợp

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông