Những đóng góp của Việt Nam trong ASEAN được đánh giá cao

10:45 26/07/2020

Ngày 28/7 đánh dấu 25 năm ngày Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong hành trình này, Việt Nam đã đảm bảo ổn định chính trị và tăng trưởng kinh tế cao, tạo nền tảng vững chắc cho những đóng góp ý nghĩa vào sự phát triển của ASEAN, cũng như góp phần quan trọng đảm bảo hòa bình và an ninh cho khu vực.

Theo Tiến sỹ Hoe Ee Khor, nhà kinh tế trưởng Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3, kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã bắt đầu tiến hành một số cải cách kinh tế và làm sâu sắc các mối quan hệ kinh tế của mình với phần còn lại của thế giới. Một trong những sự kiện có ý nghĩa then chốt là Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007. Sự kiện này đem lại kết quả là làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng từ khoảng 3 tỷ USD năm 1995 lên 20 tỷ USD vào năm 2019. 

Việt Nam đã sử dụng thành công lực đòn bẩy của dòng đầu tư này vào các động cơ xuất khẩu, đặc biệt là ngành công nghiệp điện tử, giúp Việt Nam trở thành một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khu vực, trung bình khoảng 6,3% trong 10 năm qua. Kết quả là thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp gần 10 lần, từ khoảng 277 USD năm 1995 lên 2.715 USD vào năm 2019, và giờ đây là một trong những nền kinh tế lớn nhất của ASEAN. 

Những thành tựu kinh tế ấn tượng của Việt Nam có được từ những nỗ lực của các nhà chức trách nhằm bãi bỏ các quy định và giảm bớt phí kinh doanh trong vài thập kỷ qua. Đồng thời, sự tái bố trí tài sản các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước đã đem lại hiệu quả lớn hơn và tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong nước vào nền kinh tế, điển hình là các công ty lớn của Việt Nam như Vingroup và Vietjet Air.

Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch COVID-19 và khôi phục lại hoạt động của nền kinh tế. Ảnh: TTXVN

Tiến sỹ Hoe Ee Khor chỉ ra rằng, ngoài phát triển kinh tế, Việt Nam đã tăng cường mạng lưới an sinh xã hội thông qua những sự cải thiện về hệ thống lương hưu và y tế. Việt Nam cũng đã ngày càng hội nhập vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu. 

Lĩnh vực chế tạo sản xuất của Việt Nam đã trở thành một phần then chốt trong chuỗi giá trị khu vực, đặc biệt là lĩnh vực điện tử. Sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị khu vực đã tăng từ 26,4% năm 2005 lên 33,9% năm 2015. Hơn nữa, đối với các công ty từ các nền kinh tế khác trong khu vực, tầng lớp trung lưu đang phát triển mạnh và mức thu nhập tăng đã làm cho Việt Nam trở thành điểm đến có ý nghĩa cho nhu cầu cuối cùng đối với hàng hóa và dịch vụ. 

Cuối cùng, tư cách thành viên của Việt Nam trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được đề xuất làm nổi bật vai trò của Việt Nam trong cộng đồng khu vực trong việc hỗ trợ sự thịnh vượng chung thông qua dòng hàng hóa và dịch vụ. 

Nền kinh tế Việt Nam bổ sung cho các nền kinh tế khác. Việt Nam có thể thu hút các ngành cần nhiều lao động từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN 5 (Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore và Thái Lan) và sử dụng lực đòn bẩy đó để tham gia mạng lưới sản xuất khu vực. Từ đó, Việt Nam đã và đang tiến lên chuỗi giá trị và gia tăng sức mạnh công nghiệp với xuất khẩu tương đương khoảng 100% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Việt Nam cũng rất thành công trong phát triển lĩnh vực nông nghiệp và du lịch.

Trong khi đó, Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia) đánh giá, Việt Nam đã có những đóng góp có ý nghĩa cho sự phát triển của ASEAN. Trong 25 năm qua, Việt Nam đã đảm bảo nền chính trị ổn định và một nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, từ đó có nền tảng vững chắc để tạo ra những đóng góp ý nghĩa cho ASEAN và sự phát triển của Hiệp hội. 

Theo Giáo sư Carl Thayer, Việt Nam đã có ít nhất bốn đóng góp lớn cho ASEAN. Thứ nhất, vào năm 1998, khi làm Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã soạn thảo Kế hoạch hành động Hà Nội để thúc đẩy sự phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Cùng với những nỗ lực khác, kế hoạch này nhằm khắc phục khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên ASEAN. 

Thứ hai, vào năm 2010, khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thúc đẩy những gì các nhà quan sát ngoại giao gọi là “văn hóa thực hiện”. Nói cách khác, Việt Nam đã thúc đẩy việc hoàn thành các hoạt động thiết thực sau khi ASEAN thông qua các tuyên bố và kế hoạch hành động. 

Thứ ba, Việt Nam đã sử dụng kinh nghiệm ngoại giao của mình để thúc đẩy quan hệ ASEAN với các cường quốc. Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng đầu tiên. Việt Nam cũng thúc đẩy thành công việc mở rộng thành viên Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, bao gồm thêm cả Liên bang Nga và Mỹ. 

Và cuối cùng, Việt Nam đã thể hiện trò quan trong việc ASEAN xử lý các tranh chấp ở Biển Đông giữa các thành viên và Trung Quốc. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002. Mới đây nhất, trong năm 2020, với tư cách là Chủ tịch ASEAN lần thứ ba, sự lãnh đạo của Việt Nam đã mang lại sự thừa nhận mạnh mẽ đối với Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS 1982) tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36. Theo Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, UNCLOS 1982 đặt ra khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương.

Đánh giá các hoạt động của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, Giáo sư Carl Thayer cho rằng, Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN bằng cách công bố chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” và đề ra năm mục tiêu cơ bản. Tuy nhiên, sự bùng nổ của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã buộc Việt Nam phải dừng các nội dung thường lệ và tập trung vào quản lý khủng hoảng thông qua hội nghị trực tuyến. 

Việt Nam đã nhanh chóng tổ chức cuộc họp của các quan chức y tế ASEAN để tái kích hoạt các biện pháp hợp tác được xây dựng để đối phó với các đại dịch trước đó và khởi xướng việc hợp tác trên cơ sở khu vực. Việt Nam đã hoãn Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 và thay vào đó tập trung vào việc tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN đặc biệt về bệnh COVID-19, sau đó là một Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến ASEAN+ 3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc). Việt Nam cũng đã tổ chức được Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 theo hình thức trực tuyến, tập trung vào việc quản lý COVID-19 và các kế hoạch chuẩn bị cho việc phục hồi hậu COVID-19. 

Một trong 5 mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 là “tăng cường hợp tác toàn cầu của ASEAN vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững”. Với mục tiêu này, Việt Nam đã tranh thủ được các đối tác đối thoại để hợp tác và hỗ trợ ASEAN trong việc phòng chống đại dịch. 

Ngoài ra, Việt Nam đã triển khai 2 sáng kiến quan trọng thông qua vai trò kép là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Việt Nam đã đề xuất một cuộc thảo luận tại LHQ về việc tuân thủ Hiến chương LHQ. Việt Nam cũng đã đề xuất các cuộc thảo luận đầu tiên giữa LHQ và ASEAN.

Về phần mình, Giáo sư Malaysia Yeah Kim Leng, chuyên gia kinh tế tại Đại học Sunway kiêm Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Jeffrey Cheah (Malaysia) đánh giá rằng, trong 25 năm qua, kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và đóng góp to lớn vào sự năng động và hấp dẫn của nền kinh tế ASEAN đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Ông khẳng định, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia ASEAN đi đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài tại khu vực. 

Theo ông, Việt Nam sở hữu tiềm năng tăng trưởng lớn trong những năm tới, vì được coi là quốc gia hấp dẫn nhất trong Cộng đồng kinh tế ASEAN khi quá trình tái định vị chuỗi cung ứng toàn cầu đang trở nên đa dạng hóa. 

Giáo sư Yeah Kim Leng cũng nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài tại khu vực; đồng thời cho rằng, Việt Nam cũng đã thể hiện được khả năng điều hành giúp khu vực gắn kết và duy trì tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế nhanh hơn sau khi 10 nước thành viên thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. 

Ông cũng lưu ý, Việt Nam đã đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi khu vực đang phải đối mặt với nhiều thử thách, trong đó đã đảm bảo tất cả các quốc gia thành viên ASEAN có thể phối hợp các nỗ lực, nguồn lực, cùng thúc đẩy toàn diện kế hoạch phục hồi kinh tế hậu dịch COVID-19.

Giáo sư Yeah Kim Leng đánh giá, Việt Nam đóng vai trò kết nối ASEAN để có thể tổ chức hội nghị thượng đỉnh thành công. Về Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, Giáo sư Yeah Kim Leng nêu rõ, các bên đã đạt được một thành tựu rất quan trọng đó là tại hội nghị lần này, các nước ASEAN đã cùng nhau hành động nhằm thúc đẩy kế hoạch hợp tác phục hồi kinh tế. 

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh đóng góp của Việt Nam trong giải quyết các thách thức khu vực. Theo ông, Việt Nam có những đóng góp quan trọng, cả về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và trong duy trì hòa bình khu vực. Vai trò của Việt Nam ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự của ASEAN, vốn được công nhận là một trong những khu vực tăng trưởng kinh tế năng động nhất và cũng là khu vực hòa bình, thịnh vượng để đầu tư và nguồn lực để phát triển.

Theo Minh Hải/CAND
Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông