Những lễ hội “đặc sản” du lịch Quảng Ninh

14:44 21/01/2018

Đến Quảng Ninh, du khách có thể tham gia vào những lễ hội giàu ý nghĩa lịch sử, ngắm vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ mà cũng hữu tình...

Chùa Đồng, trung tâm của Lễ hội Yên Tử. Ảnh: CTV

Lễ hội Yên Tử

Diễn ra ở vùng núi Yên Tử thuộc xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, lễ hội được tổ chức bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng và kéo dài hết tháng 3 (âm lịch) hàng năm. Yên Tử là trung tâm Phật giáo của nước Đại Việt thuở trước, nơi phát tích của Thiền phái Trúc Lâm. Quần thể di tích Yên Tử rộng lớn hiện có 11 chùa và hàng trăm am tháp. Chùa Đồng ở trên đỉnh cao nhất 1.068m so với mặt nước biển. Lên chùa Đồng du khách cảm tưởng như đi trong mây - “nói cười ở giữa mây xanh”, Nguyễn Trãi. Ở Yên Tử có ngọn tháp cổ cao ba tầng bằng đá, niên đại “Cảnh Hưng thập cửu niên - 1758”...

Đến Yên Tử mùa lễ hội, du khách vừa leo núi, vừa ngắm cảnh đẹp trên đường bắt gặp ngôi chùa, ngọn tháp, con suối, rừng cây mỗi nơi là một chuyện cổ tích gắn với thiền phái Trúc Lâm, những vị vua nhà Trần để được tách mình khỏi thế giới trần tục, đắm mình vào cuộc hành hương tôn giáo giữa thiên nhiên hùng vĩ. Lên đến đỉnh cao chùa Đồng, sau khi thắp nén nhang, từ nơi đây có thể phóng tầm mắt dõi nhìn khắp vùng Đông Bắc.

Đoàn rước Đức Thánh Trần trong lễ hội truyền thống Bạch Đằng. Ảnh: CTV

Lễ hội Bạch Đằng

Lễ hội Bạch Đằng còn được gọi là ngày giỗ trận, được tổ chức vào ngày mùng 6 đến ngày mùng tháng 3 (âm lịch) hàng năm, có năm kéo dài tới bốn ngày đêm. Để kỷ niệm chiến thắng Bạch Đằng của những người anh hùng dân tộc chống giặc ngoại xâm: Ngô Quyền (năm 938), Lê Hoàn (năm 981), Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và các danh tướng nhà Trần (năm 1288), không gian lễ hội diễn ra ở nhiều nơi tại TX Quảng Yên: đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, đình Yên Giang thuộc trung tâm lễ hội, ngoài ra còn ở các đình Trung Bản, đình Điền Công, đền Trung Cốc.

Lễ hội Bạch Đằng diễn ra trên vùng đất cổ, gồm: Phần lễ, có dâng hương tại đền thờ Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà. Dân làng rước kiệu dọc bờ sông và giống như nghi lễ của cư dân sông nước, tục bơi trải là một nghi lễ quan trọng. Trên dòng sông lớn, cuộc đua tài của nhiều thuyền đua hình lá tre lao vun vút, tiếng hò reo của người dự hội trên bờ sông như làm sống dậy âm hưởng của trận chiến năm xưa. Phần hội, cùng với bơi trải, các trò chơi cũng được tổ chức ở nhiều nơi như đấu vật, đánh cờ người, chọi gà... Trước kia hội còn tổ chức trò diễn, tái hiện cuộc tập trận của quân dân đời nhà Trần. 

 Trang nghiêm lễ hội đền Cửa Ông. Ảnh: CTV

Lễ hội đền Cửa Ông

Lễ hội được tổ chức từ mùng Hai tháng Giêng cho đến hết tháng 3 (âm lịch) tại đền Cửa Ông, phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả tưởng niệm công ơn tướng quân Trần Quốc Tảng và các tướng lĩnh nhà Trần. Đền Cửa Ông là một trong những di tích nhà Trần nổi tiếng ở vùng Đông Bắc. Đền có ba khu: đền Hạ, đền Trung và đền Thượng tạo thành quần thể kiến trúc hình chân vạc trông ra vịnh Bái Tử Long hùng vĩ. Trong chiến tranh, đền Trung và đền Hạ đã bị phá hủy, ngày nay đền Hạ đã được phục hồi. Đền Cửa Ông có tiếng linh thiêng từ khi mới chỉ là một thảo am dưới gốc cây cổ thụ bên bờ cửa Suốt. 

Lễ hội được tổ chức linh đình gồm phần tế lễ và rước kiệu bài vị Trần Quốc Tảng. Kiệu được rước từ đền ra miếu ở xã Trác Chân, tên tục là Vườn Nhãn (theo truyền thuyết là nơi Đức Ông hoá trôi dạt vào...) và quay trở về đền tượng trưng cho cuộc tuần du của Đức Ông. 

 Lễ hội chùa Long Tiên. Ảnh: CTV

Lễ hội chùa Long Tiên

Chính hội vào ngày 24 tháng 3 âm lịch tạichùa Long Tiên dưới chân núi Bài Thơ - ngôi chùa lớn nhất thành phố Hạ Long.

Lễ hội tổ chức rước kiệu qua đền Đức Ông (đền thờ Đức Ông Trần Quốc Nghiễn là con cả Trần Hưng Đạo) đến đền thờ An Dương Vương ở Vụng Đâng qua Loong Toòng rồi quay lại chùa. Các cụ già vẫn thường kể lại các cuộc thi kiệu của nhiều đám rước, nhiều kiệu chạy nhanh đã bay qua các con ngòi như trong chuyện cổ tích...

 Lễ hội hoa anh đào - mai vàng Yên Tử, Hạ Long. Ảnh: CTV

Lễ hội hoa anh đào Hạ Long

Một trong những lễ hội mới, gây tiếng vang của Quảng Ninh phải kể đến Lễ hội hoa anh đào Hạ Long diễn ra từ tháng 3, tháng 4 hàng năm. Diễn ra để đón những ngày du lịch hè sôi động nhất, Lễ hội hoa anh đào Hạ Long mang đến người dân địa phương cũng như du khách trải nghiệm sinh động như đang sống trong lễ hội Hanami của xứ sở Phù tang.

Lễ hội tái hiện không gian văn hóa truyền thống và phong cảnh đẹp của Nhật Bản thông qua những cây hoa anh đào nở rộ. Đặc biệt, lễ hội còn mang đến du khách sắc mai vàng rực rỡ của mùa xuân miền Nam, tạo nên không gian mùa xuân rực rỡ giữa thành phố xinh đẹp nằm bên bờ di sản.

Hội hoa sở Bình Liêu hút khách những năm gần đây. Ảnh: CTV

Hội hoa sở Bình Liêu

Bắt đầu được tổ chức từ năm 2015, Lễ hội hoa sở Bình Liêu đã trở thành sự kiện hấp dẫn du khách ở Quảng Ninh với nhiều hoạt động đặc sắc.

Hoa sở thuộc giống chè, người dân địa phương trồng để lấy hạt ép tinh dầu Ngoài cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh khôi, mộc mạc của loài hoa này, du khách còn được trải nghiệm nhiều hoạt động: thi đấu thể thao, trò chơi dân gian, hát then đàn tính, hội trại thanh niên…

HẢI HẬU (tổng hợp)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông