17:56 02/06/2014
Chúng tôi đến Trường THCS Kỳ Sơn (Thủy Nguyên) vào một ngày đầu hè nắng chói để tìm em. Ấn tượng đầu tiên Vũ Thanh Loan - học sinh lớp 9a3 để lại trong tôi là một cô bé xinh xắn với đôi mắt buồn, cử chỉ có phần rụt rè, nhút nhát. Khi chúng tôi gợi ý muốn đến thăm gia đình, em có vẻ bối rối, ngập ngừng vì “nhà em chưa chuẩn bị gì”. Đến nhà rồi chúng tôi mới vỡ lẽ, cái lí do “chưa chuẩn bị” của em là bởi nhà em nghèo quá, đồ đạc chẳng có gì đáng giá. Có lẽ, một cô bé mới lớn, bắt đầu hiểu chuyện như em luôn cảm thấy mặc cảm, tự ti về hoàn cảnh khó khăn của mình… Tuổi thơ nhiều khoảng tối Nhà Loan ở thôn 3, xã Kỳ Sơn, Thủy Nguyên. Ngôi nhà nằm trơ trọi ở lưng chừng đồi, không một bóng cây. Đó là một gian nhà cấp 4 cũ kĩ, bên trong chỉ kê ba cái giường, đồ đạc hầu như chẳng có gì đáng giá ngoài mấy vật dụng sinh hoạt cần thiết. Khi chúng tôi tới thăm, bà Nguyễn Thị Thót - bà ngoại Loan đang nấu cơm. Bữa trưa của 4 người chỉ vẻn vẹn có dăm miếng đậu phụ. Bà Thót năm nay đã ngoài 80 nhưng vẫn khỏe khoắn và minh mẫn cho biết: “Hai mẹ con cái Loan ở với chúng tôi chứ có miếng đất cắm dùi nào đâu. Ruộng đồng không có, cả nhà 4 miệng ăn chỉ trông vào hơn 700 nghìn tiền trợ cấp của nhà nước. Đủ tiền đong gạo thôi cô ạ! Ông nhà tôi năm nay 91 tuổi, bị mù lại mắc bệnh tâm thần, nằm liệt giường hàng năm nay rồi. Mọi sinh hoạt hằng ngày đều do tôi lo. Cái Tới (mẹ của Loan) ngày ngày dở điên, dở dại cũng chẳng làm được gì”. Ông bà Thót có 4 người con thì 1 người đã mất vì bệnh tâm thần. Mẹ của Loan - chị Nguyễn Thị Tới (53 tuổi) là con thứ 3, hiện cũng đang phải uống thuốc điều trị tâm thần. Hai mẹ con được ông bà ngoại cưu mang. Tuổi thơ của Loan gắn liền với hình ảnh người mẹ thường xuyên lên cơn điên, có khi ngày vài tiếng phát bệnh. Ngày ngày, chứng kiến người mẹ điên của mình lên cơn, “cởi truồng đi lại nhông nhông trong nhà”, nhiều khi bỏ đi lang thang khiến mọi người lo lắng đi tìm, em chỉ biết lặng lẽ khóc thầm vì thương mẹ, vì tủi thân. Lớn lên, Loan bắt đầu nhận thức được mình có một người mẹ không bình thường qua những câu chuyện của mọi người, vì vậy em dần trở nên nhạy cảm, rụt rè và hay xấu hổ mỗi khi nói chuyện về hoàn cảnh gia đình. Bạn bè vẫn chơi với Loan, thông cảm cho hoàn cảnh của em nhưng trong em vẫn không thể xóa nhòa cảm giác mặc cảm, tự ti ấy. Nghe bà ngoại kể chuyện về nguyên nhân vì sao có em trên đời, Loan xấu hổ chạy đi vì em biết “đó không phải là chuyện hay ho, tốt đẹp gì”. Bố Loan là bạn với ông ngoại em, trong một lần đến chơi đã dỗ “kẹo ngọt” mẹ Loan dẫn tới sinh ra em. Khi Loan ra đời, bố em đã là một “cụ ông” ngoài 80 tuổi, có gia đình riêng với con cháu đề huề. Hiện nay, ông đã “xanh cỏ” được 5 năm. Ấn tượng về người bố trong Loan rất ít. Em buồn bã tâm sự: “Từ năm lớp 3 đến giờ em không gặp bố nữa. Hồi còn sống, bố rất thương em, mấy lần đưa em xuống nhà bố chơi. Các anh, chị cũng chấp nhận và đối xử tốt với mẹ con em. Nhưng từ khi bố mất đến giờ, các anh chị ấy không xuống thăm mẹ con em nữa”. Lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn, cơm không đủ ăn nhưng Loan ngày càng xinh xắn và chăm học. Nhiều năm liền, em là học sinh khá, giỏi của trường, được các thầy cô đánh giá cao. Nhà trường biết hoàn cảnh khó khăn của em nên thường xuyên tạo điều kiện giúp đỡ để cô học trò nhỏ có điều kiện theo kịp các bạn.
Cô Vũ Thị Thủy - Hiệu phó trường THCS Kỳ Sơn - chia sẻ: “Loan là một học sinh học tốt và rất ngoan. Chúng tôi luôn quan tâm, lưu ý đến hoàn cảnh của em và luôn tạo điều kiện hết mức có thể để giúp em. Hàng năm nhà trường đều miễn giảm tiền học phí và các khoản đóng góp khác cho em. Mỗi lần có trợ cấp hay học bổng đều dành cho em đầu tiên. Điều chúng tôi lo lắng nhất bây giờ là không biết lên cấp 3, Loan có điều kiện học tiếp nữa hay không, chỉ mong các tổ chức xã hội giúp đỡ em được đi học như bạn bè của mình”. Tình mẫu tử của người mẹ điên Khi chúng tôi đến nhà, chị Tới đang đi mua “chịu” cá về cho cô con gái nhỏ. Người phụ nữ tần tảo, quê mùa ấy khi thấy khách lạ đến nhà thì lúng túng. Hỏi chuyện chị, chỉ là những câu chuyện miên man không đầu không cuối nhưng ẩn chứa trong đó là tình thương yêu vô hạn dành cho đứa con gái tội nghiệp của người đàn bà chịu kiếp “trời đày”. Biết con từ sớm đã chịu cảnh mồ côi cha nên bao nhiêu tình cảm chị dành tất cả cho con. Chị thương cô con gái nhỏ hàng tháng không có nổi một bữa thịt nạc, “một con tôm, con cá to” để ăn, chỉ có rau là chính. Hàng ngày, chị ra chợ xin “rau thừa, cá ế” hoặc mua rẻ người ta đem về nấu ăn cho con. Biết hoàn cảnh đáng thương, người làng không bao giờ làm khó mẹ con chị. Nhà nghèo không có tiền đóng học phí, chị tìm đến gặp để xin cô chủ nhiệm giúp đỡ. Thương người mẹ “điên dại” nhưng rất quan tâm đến việc học của con, sợ con phải bỏ dở giữa chừng, các thầy cô đã nhận lời giúp chị. Và trong những lúc tỉnh táo, chị thường tìm đến họ để nói lời cảm ơn. Nhiều lần, các thầy cô ở trường cũng phải bật cười vì sự quan tâm quá mức của bà mẹ này dành cho đứa con gái nhỏ. Do nhà Loan không có ai chở em lên huyện lĩnh học bổng, thầy giáo phải đưa em đi. Chị Tới lo lắng, dặn dò thầy cẩn thận vì “sợ thầy giáo bán mất con”. Loan đi tham quan du lịch cùng cả lớp cũng là thời gian mẹ em “đứng ngồi không yên”, tưởng tượng ra đủ mọi tình huống xấu, lảm nhảm những câu điên rồ rồi liên tục gọi điện hỏi thăm con. Chỉ đến khi nhìn thấy Loan bước chân vào nhà chị mới thở phào nhẹ nhõm. Chị như một “con gà mẹ”, xù cánh bảo vệ, yêu thương con, lúc nào cũng sợ mất con. Với người đàn bà điên điên, khùng khùng ấy, Loan chính là một “báu vật” giá trị duy nhất của đời chị khiến chị phải nâng niu, giữ gìn. Mong ước duy nhất của chị là được thấy con học hành đến nơi đến chốn, cuộc sống không khổ như bà, như mẹ. Với chị “người ta được 10 phần thì con chỉ cần được 7 phần cũng là hạnh phúc lắm rồi”. Trước khi chia tay chúng tôi, Loan tâm sự: “Em chưa từng nghĩ về tương lai của mình vì với em nó xa xôi và mù mịt quá. Em cũng chẳng dám nói mơ ước của mình là gì, vì nhà nghèo quá, em chỉ mong được học hết cấp 3. Cánh cổng trường Đại học với em còn xa vời lắm”. Tuổi thơ nghèo khó sống bên người mẹ “dở khôn dở dại” khiến cho Loan càng lặng lẽ và nhạy cảm hơn. Trên gương mặt em mất đi sự vui tươi, hồn nhiên như các bạn đồng trang lứa, chỉ còn ánh mắt buồn thẳm một đứa trẻ mặc cảm khi sống trong một gia đình nghèo túng với những người thân “không bình thường”. Ánh mắt ấy khiến cho ai nhìn vào cũng thấy xót xa, thương cảm… Mọi sự sẻ chia, đóng góp xin gửi về: Quỹ Bảo trợ trẻ em TP Hải Phòng: Số 20 Trần Hưng Đạo, Hồng Bàng, Hải Phòng Hoặc gửi về tài khoản Quỹ Bảo trợ trẻ em TP Hải Phòng Số TK: 160314851001061 Ngân hàng Eximbank- CN Hải Phòng Minh Hương |