Những mảnh đời phiêu diêu

15:08 13/06/2019

“Những mảnh đời phiêu diêu” là một tập thơ của nhà thơ-họa sĩ Trần Thanh Toàn. Trong thơ có họa, trong họa có thơ, người đọc tìm thấy ở “Những mảnh đời phiêu diêu” một bức chân dung bằng thơ của một người con xa xứ luôn đau đáu tình yêu hướng về quê hương, về Hải Phòng với sức sáng tạo nghệ thuật dồi dào, không ngừng nghỉ của người nghệ sĩ đã ở cái tuổi thất thập…

Tập thơ “Những mảnh đời phiêu diêu”

Tác giả Trần Thanh Toàn không chỉ là nhà thơ trữ tình mà còn được biết đến là một họa sĩ tài hoa. Ông sinh năm 1942 tại Hải Phòng, tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1974.

Ông là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, hội viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh. Từ năm 1993 đến nay, ông định cư tại thành phố Chicago - Mỹ.

Nhà thơ-họa sĩ Trần Thanh Toàn chia sẻ: Tôi say mê hội họa và duyên nợ với thơ.Cả hai đều đồng hành với tôi trong suốt cuộc đời. Với tôi, thi ca không mang tính đẳng cấp. Thi ca có thể thay đổi cả diện mạo con người từ nơi thấp hèn tới đỉnh cao sang trọng tâm thức con người với đất trời, với vũ trụ. Thi ca mang tính ẩn dụ, song cũng là ngọn lửa tình yêu vô hình vượt qua không gian, thời gian theo vận mệnh con người và dân tộc.

Với “ngọn lửa tình yêu vô hình vượt không gian, thời gian ấy” trong khoảng thời gian 15 năm, Trần Thanh Toàn đã miệt mài lao động, sáng tạo với 3 tập thơ.

Sau tập thơ “Nỗi nhớ Hạ Long” 2002 và “Lời ru tự tình” 2014, “Những mảnh đời phiêu diêu” được Nhà xuất bản Hải Phòng in năm 2017 là đứa con tinh thần thứ 3 của ông trong lĩnh vực thi ca.

Đọc “Những mảnh đời phiêu diêu” của nhà thơ Trần Thanh Toàn, mỗi câu thơ, bài thơ như những lời tự tình dung dị mà chứa chan cảm xúc, tình yêu.

Đó là tình yêu của một người con xa quê, trong đó có một dòng chảy yêu thương đặc biệt đối với Hải Phòng. Trong tập thơ, tác giả đã dành rất nhiều tứ thơ “có cánh” viết về mảnh đất của “loài hoa  đỏ cháy khát khao” như trong  “Hải Phòng quê hương yêu dấu”, “Đường trưa”, “Nỗi nhớ”…

Nỗi nhớ, tình yêu với Hải Phòng trong Trần Thanh Toàn được gắn với từng góc phố, hàng cây, những gương mặt bạn bè thân thương: “Tâm hồn tôi bay theo cánh hạc/Tới chân trời dào dạt tình yêu/Đường Thủy Nguyên vi vút sáo diều/Bến phà Bính sớm chiều vui như hội/Ơi Tam Bạc nhỏ nhoi mà vợi vợi/Bến thăng trầm bến đợi bến thương…!”.

Tình yêu với Hải Phòng trong trái tim của người nghệ sĩ còn là những kỷ niệm tình yêu dịu ngọt “Nhặt cánh hoa phượng rơi/Cất vào ngăn hoài niệm/Em nhắc anh cùng điểm/Những con đường thu xưa…” (Đường xưa).

Trong trái tim, tâm hồn của con người “phiêu diêu” ấy, Hải Phòng luôn chiếm vị trí đặc biệt, thế nên ông gọi đó là mảnh đất “đáng sống nhất Việt Nam”: “Hải Phòng/tầm nhìn trong mắt ai/thành phố giàu nghệ thuật và hồn thơ/bao ngàn năm sóng gió vỗ bờ/thời gian có vật đổi sao dời/Đất Cảng vẫn rực ngời/đáng sống nhất Việt Nam!” (Hải Phòng quê hương yêu dấu).

Tình yêu quê hương của người con xa xứ không chỉ dành riêng cho Hải Phòng mà còn hướng về những miền quê xinh đẹp, giàu văn hóa trên mảnh đất cong cong hình chữ S: “Đứng giữa hoàng cung/Vị anh hùng áo vải/Thả hồn về cõi thiên thai! Bay trên cầu Thị Nại/Chui qua Rạch Ngầm/Ngoi lên Hầm Hô…Theo lên mây trăng/Say hồn Hàn Mặc Tử/Nghe gió ngàn ấp ủ tình yêu”(Thăm Quy Nhơn).

Hay như những vần thơ “Về quê sơ tán thân quen/Ngồi chơi gốc mít xem em gội đầu/Nắng hè cháy đỏ giàn trầu/Gió lay hương bưởi hương cau trong vườn…” (Gội đầu).

 “Những mảnh đời phiêu diêu” còn gieo vào trong tâm hồn người đọc biết bao xúc cảm trước những câu thơ mà tác giả Trần Thanh Toàn viết tặng những người bạn chốn quê của mình.

Trong bài “Gửi họa sỹ Phan Thị Quý-Nhà tạo dáng búp bê tài năng”, nhà thơ kể : “Về quê hương tìm chị/ai cũng lắc đầu/không biết chị ở đâu! Chị chưa qua đời/chị sống đời ẩn dật/chị còn chờ bọn họ/chơi trò chơi ăn gian!.

Người đọc không khỏi ngậm ngùi, xót xa khi đọc những câu thơ đong đầy cảm xúc thế này: “Năm một ngàn chín trăm bảy ba/Mẹ qua đời/Anh còn trong quân ngũ/Bức chân dung tràn nước mắt xót thương! (Bức chân dung mẹ); “Sóng nhận chìm/Gió thổi bạt/Lửa tàn sát… Tiếng hát Lê Dung/Ru mãi hồn người!” (Nhớ Lê Dung).

Là một họa sĩ, nên trong thơ mình tác giả Trần Thanh Toàn cũng dành rất nhiều suy tư, tình cảm, nhiệt huyết với người bạn vẽ, với nghệ thuật cầm cọ cùng những sắc màu đầy mê hoặc: “Vẽ nhiều vẽ đẹp đi/con tim mình dành cho tác phẩm/bỏ qua mọi lời bàn/bỏ qua mọi cằn nhằn ca cẩm… cả tâm hồn mình đã dành cho tác phẩm !”(Gửi bạn họa sỹ); “Căn phòng hẹp/đời sống xanh/suy tưởng an lành/không gian/thời gian/phát sáng” (Phòng vẽ); “Người họa sĩ/trải thăng trầm/nhận biết/thế cũng đủ rồi/tranh sống với đời/khi mình chết/sẽ thăng hoa!(Triển lãm tranh)…

Đọc “Những mảnh đời phiêu diêu”, người yêu thơ có thể hình dung rất rõ không gian thơ cùng con người thơ Trần Thanh Toàn. Không gian vô định, cách trở, dòng thời gian cũng mãi chảy trôi vô tận, chỉ có nụ cười đôn hậu cùng trái tim yêu quê hương và những tứ thơ dạt dào cảm xúc cứ hiện hữu mãi trong tâm khảm bao người.

Xuân Hạ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông