06:33 12/03/2016
Nghề sửa chữa đồng hồ không chỉ đòi hỏi sự cần mẫn, sáng tạo, kiên trì mà còn cần đến đôi bàn tay khéo léo và tinh tế. Một chiếc đồng hồ dù nhỏ, dù to; là đồng hồ đeo tay, để bàn hay treo tường, nếu thoạt nhìn bên ngoài trông rất đơn giản, chỉ có vài bộ phận ghép lại như dây đeo, mặt, các số, kim chỉ giờ, phút… Nhưng để làm nên chiếc máy thời gian ấy có cả hàng nghìn chi tiết nhỏ bé, tinh vi lắp ghép lại. Khi ngồi bên cạnh người thợ sửa chữa đồng hồ, quan sát đôi mắt chăm chăm và bàn tay linh hoạt thoăn thoắt nắn chỉnh từng cái vít nhỏ như dấu chấm, bộ vành tóc còn mảnh hơn sợi tóc… thì mới cảm nhận được biệt tài của họ. Theo những bậc cao niên trong nghề sửa chữa đồng hồ ở Hải Phòng thì nghề này đã có ở thành phố từ thời Pháp. Ngày đó, chiếc đồng hồ rất quý hiếm, là cả một tài sản giá trị mà ít người có được. Nên những người sữa chữa đồng hồ cũng chưa có nhiều. Sau ngày đất nước giải phóng rồi bước vào thời kỳ đổi mới, kinh tế phát triển, cuộc sống của người dân ngày càng đầy đủ, chiếc đồng hồ trở thành đồ dùng phổ biến. Cửa hàng sữa chữa cũng nhiều hơn. Đi qua nhiều tuyến phố của Hải Phòng ngày nay, ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh của người thợ đang lặng lẽ, cặm cụi sau những chiếc tủ kính khiêm nhường với vô số chi tiết nhỏ xíu, của một chiếc đồng hồ nào đó.
Nhiều người Hải Phòng vẫn thường nhắc nhớ đến phố Hoàng Văn Thụ như mảnh đất của những chiếc đồng hồ. Nơi đây đã trở thành trung tâm mua sắm, trưng bày, sửa chữa của những chiếc đồng hồ từ hơn 40 năm nay. Bên cạnh cửa hàng đồng hồ quốc doanh có tiếng một thời của phố Cảng, ở đó còn là nơi tập trung của nhiều cửa hàng sữa chữa, tạo thành điểm nhấn của con phố này. Nét độc đáo của những người trong nghề sửa chữa đồng hồ là họ đều tự phải mày mò học và làm nghề, không có trường lớp bài bản, không có người thầy nào chỉ dẫn. Chú Phạm Ngọc Hồng ở Đà Nẵng chia sẻ: Năm nay chú 63 tuổi, sau khi rời quân ngũ, năm 1976 chú trở về quê và bắt tay vào nghề sữa chữa đồng hồ. Nghề này không giống nghề khác là có thầy hướng dẫn, chú phải tự học lấy bằng cách xin, mua những chiếc đồng hồ cũ, hỏng về rồi tự mày mò tìm cách sửa. Ban đầu những cái bị hỏng đơn giản thì sửa mất ít thời gian, cái bị hỏng nặng thì có khi mất cả đêm vắt óc suy nghĩ. Còn có lúc gặp “ca” khó thì chú phải tìm đến những người thợ giỏi hơn. Trong quá trình xem người ta sửa chữa thì mình phải tự “học mót” thôi. Dần dà, vừa học vừa làm, chú cũng mất gần chục năm mới trở thành người thợ lành nghề. Nghề sửa chữa đồng hồ mang lại cho người thợ thu nhập khá ổn định. Chị Hoa - một người sửa chữa đồng hồ ở phố Hoàng Văn Thụ cho biết: Hai vợ chồng chị mở cửa hàng sữa chữa đồng hồ ở đây được hơn 20 năm nay. Cả gia đình chị đều trông vào cái cửa hàng này. Cũng có ngày đắt, ngày ế nhưng với giá sửa chữa từ vài chục đến vài trăm nghìn một chiếc đồng hồ, mức thu nhập cũng đủ trang trải cuộc sống, nuôi hai con ăn học.
Chị Hoa còn chia sẻ thêm, nghề sửa chữa đồng hồ còn giúp chị có những niềm vui sống nho nhỏ hàng ngày, vì mỗi người khách, mỗi chiếc đồng hồ là một câu chuyện. Có những người khách mang chiếc đồng hồ đã cũ lắm rồi, hầu như không còn mấy giá trị, tiền công sửa còn nhiều gấp đôi, gấp ba nhưng họ vẫn muốn chị sửa vì đó là món đồ kỷ vật không thể bỏ được. Câu chuyện cuộc đời cứ thế tự nhiên được chia sẻ làm chị rất xúc động… Người thợ gắn bó với nghề không chỉ đơn giản chỉ vì nhu cầu mưu sinh, cơm áo gạo tiền phục vụ cho cuộc sống hàng ngày mà còn bởi họ dành rất nhiều tình yêu với những chiếc đồng hồ và luôn muốn chinh phục những điều khó khăn, mới mẻ còn ở phía trước. Chú Hồng cũng cho biết: Chiếc đồng hồ qua bao biến chuyển của thời gian luôn là một tài sản giá trị. Ngày nay, chiếc đồng hồ không chỉ để dùng xem thời gian, còn là một thứ trang sức đẹp, sang trọng, thể hiện cả danh quý của người sử dụng. Làm nghề đã hơn 40 năm nay, chú đã có cơ hội cầm trong tay những chiếc đồng hồ cổ, độc đáo nay không còn nữa, những chiếc đồng hồ của những thương hiệu nổi tiếng thế giới, hay thậm chí cả những chiếc đồng hồ có vỏ bằng bạch kim, mặt bằng vàng và những cọc số là những viên kim cương trị giá hàng tỷ đồng. Vẻ đẹp, sự quý giá của những chiếc đồng hồ làm chú mê mẩn, rất hứng thú, muốn gắn bó với nghề. Và còn bởi có hàng nghìn chiếc đồng hồ bị hỏng thì không phải cái nào cũng giống nhau, có những cái rất khó chữa, thôi thúc mình cần phải sáng tạo hơn. Xuân Hạ |
22:29 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão