Những người đi vào biển lửa

17:44 13/12/2015

 

 

Nỗ lực dâp lửa
Nỗ lực dâp lửa

Bất kể ngày đêm, mưa nắng, khi tiếng chuông báo cháy vang lên là những chiến sỹ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khẩn trương khoác lên mình bộ đồng phục, nhanh chóng đến hiện trường vụ cháy, triển khai đội hình chữa cháy, làm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân. Chỉ khi đám cháy được dập tắt hoàn toàn, các anh mới thở phào nhẹ nhõm…

Những trận đánh trong lửa và khí độc

Nằm trên giường bệnh, trong từng cơn ho kéo dài do ảnh hưởng bởi khí độc, đại tá Vũ Trọng Thắng, Trưởng phòng Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy, Cảnh sát PCCC TP nhớ lại: 16h15’ ngày 27-11, chuông điện thoại của Trung tâm thông tin chỉ huy của Cảnh sát PCCC TP vang lên, một giọng nói đầu dây bên kia gấp gáp thông báo: tàu chở container có chứa phốt - pho bị cháy ở cảng Nam Hải, đề nghị các đồng chí đến ứng cứu. Tín hiệu được truyền đi khắp các đơn vị chiến đấu của Cảnh sát PCCC TP. 5’ sau, Phòng Cảnh sát PCCC số 3 đã có mặt.

Trong thời gian ngắn, tất cả CBCS cùng các phương tiện có mặt đầy đủ. “Trên đường đi, tôi xác định đây là vụ cháy có tính chất rất phức tạp, nguy hiểm bởi phốt - pho gặp không khí sẽ tự cháy, tạo khí rất độc cho người, nguy cơ nhiễm độc cả vùng rộng lớn và tiềm ẩn nguy cơ cháy lớn, cháy lan toàn bộ con tàu, gây thiệt hại về người, tài sản nếu không được kịp thời xử lý. Vì vậy, khi đến cảng Nam Hải, mặc dù khói bao trùm khắp nơi, không thấy đường ra cổng cảng nhưng chúng tôi quyết bằng mọi cách phải đến đám cháy nhanh nhất. Lợi dụng các khe hở giữa các container, xe, chúng tôi cứ thế luồn qua đến hiện trường” - đồng chí Thắng kể.

...
...

Trên 300 cán bộ, chiến sỹ PCCC TP cùng 7 xe chữa cháy, 3 xe chỉ huy, 31 tàu, 2 xuồng, 2 máy nén khí, 1 xe chiếu sáng, 4 xe hậu cần làm việc hết công suất. Đồng thời, phương tiện và lực lượng của Cảng Nam Hải cũng được huy động tham gia bốc dỡ các container phốt-pho lên cầu cảng để phân loại và chữa cháy. Khói bao trùm mù mịt, mùi hóa chất từ container phốt - pho xộc ra không làm trên 300 cán bộ, chiến sỹ PCCC TP chùn bước. Do mặt nạ phòng độc, bộ mặt nạ bình dưỡng khí chống độc có hạn nên CBCS rất khẩn trương xác định vị trí container cháy.

Sau khi container chứa phuy chứa phốt-pho cháy được cắt ra, 6 chiến sỹ đeo mặt nạ phòng độc, mang bình khí nén, cẩn thận dùng tay vần từng chiếc phuy ra ngoài. Cứ 15’ lại thay phiên nhau. Cùng với đó, một nhóm liên tục triển khai phun nước làm mát con tàu, bảo vệ các container hàng hóa; một nhóm phun nước vào 20 container chứa phốt - pho nhằm dập tắt đám cháy và bảo vệ lực lượng di chuyển các thùng phuy.

Nhiều lần tưởng chừng như đám cháy được dập tắt hoàn toàn, niềm vui chưa kịp hiện hữu thì những cơn gió đông bấc quái ác liên tục lại làm ngọn lửa bùng lên. Ướt sũng, đói, mệt nhưng không một ai nào nản lòng, các chiến sỹ CSPCCC vẫn kiên trì chiến đấu, giành giật với giặc lửa và thiên nhiên. Và sau gần 5 giờ đồng hồ, cuối cùng giặc lửa cũng khuất phục trước sự quả cảm và nỗ lực không ngừng của tập thể CBCS Cảnh sát PCCC TP. Đến 20h45’ cùng ngày, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Hiểu được tính chất nguy hiểm mà vụ cháy có thể để lại, ngay ngày hôm sau, thiếu tướng Lê Quốc Trân, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP đã chỉ đạo đưa toàn bộ lực lượng tham gia chữa cháy đi kiểm tra sức khỏe, qua sàng lọc, 52 chiến sỹ đã bị nhiễm độc, trong đó có 7 đồng chí bị nhiễm độc nặng.

Khói từ tàu cháy bốc lên nghi ngút
Khói từ tàu cháy bốc lên nghi ngút

Tranh thủ tiếp chúng tôi trong những phút nghỉ ngơi hiếm hoi giữa bao công việc bận rộn, trung tá Trần Hoàng Hanh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 1, Cảnh sát PCCC TP, kể về cái nghề “mọi người chạy ra, mình chạy vào”. Bằng giọng nói trầm khàn, anh mở đầu câu chuyện rất nhanh: “Nghề nghiệp của chúng tôi đòi hỏi mỗi chiến sĩ phải có một cái đầu “lạnh” và một trái tim “nóng”. Khi mọi người hoảng loạn chạy ra khỏi biển lửa thì cũng là lúc chúng tôi sẵn sàng bất chấp hiểm nguy, dùng mọi cách để lao vào chế ngự “giặc lửa”, cứu tài sản, cứu tính mạng của mọi người… Nếu không có một tinh thần thép thì khó lòng lập được những chiến công thầm lặng”.

Một trong những vụ cháy anh Hanh ấn tượng nhất đó là vụ cháy tại nhà số 74 ngõ 214 đường Tôn Đức Thắng, phường Nam Sơn, quận Lê Chân. 5h10’ ngày 17-1-2015, tiếng còi báo hiệu dồn dập vang lên, xé tan bầu không khí tĩnh lặng tại Trung tâm chỉ huy PCCC, thông báo địa điểm vụ cháy và yêu cầu toàn lực lượng sẵn sàng tác chiến…

Chưa đầy 10 phút sau, hơn 30 cán bộ chiến sĩ PCCC Phòng 1 có mặt tại hiện trường cùng 1 xe chỉ huy, 4 xe chữa cháy, 1 xe thang cứu nạn cứu hộ. Giữa nền trời còn nhá nhem tối, ngôi nhà cao 5 tầng đang bốc khói ngùn ngụt chìm trong biển lửa. Khói, khí độc nghi ngút bốc lên đen kịt, tô thẫm khoảng không tối tăm...

Qua trinh sát, biết phía tầng 4 ngôi nhà còn cả gia đình chưa thoát được, trung tá Hanh lo lắng số phận của họ hiện đang lành ít dữ nhiều. Tuy nhiên, may mắn trong lúc hỗn loạn, một mũi trinh sát phát hiện thấy ở cửa sổ tầng trên có người vẫy tay, kêu cứu. Anh thở phào, mừng thầm vậy là có thể giành sự sống từ tay bà hỏa rồi. “Lúc đó, tất cả anh em, không ai bảo ai nhưng đều biết cứu người là ưu tiên số 1. Lập tức tôi chỉ huy 1 lăng làm nhiệm vụ phun nước lên trên ô cửa có người vẫy tay để cung cấp nguồn không khí mát, mặt khác 2 mũi ở dưới nhanh chóng phá được cửa và tiến vào trinh sát, phát hiện người rồi đưa tất cả mọi người xuống an toàn”.

Đơn giản đó là tình yêu nghề…

Từng bị thương trong quá trình chữa cháy tại nhà số 74 ngõ 214 đường Tôn Đức Thắng, thiếu úy Đào Ngọc Quân, Phòng Cảnh sát PCCC số 1, Cảnh sát PCCC TP chia sẻ: Là lính cứu hỏa thì gặp chuyện bị lửa tạt, nhiễm khói độc, ho ra đờm… đã quá đỗi quen thuộc. Nếu không dũng cảm, đam mê và yêu nghề, chắc chúng tôi sẽ khó vượt qua. Vụ ở Tôn Đức Thắng là một kỉ niệm sống còn trong nghề, dù đứng cách xa chục mét, tôi vẫn cảm thấy sức nóng của lửa đến mức rát cả người. Càng vào trong, càng cảm nhận rõ hơn cái nóng rát rạt, không khí ngột ngạt bởi khói, ai ai cũng cảm giác bị lửa thiêu bỏng da, cháy mặt…

...
...

Nhưng đã nhận nhiệm vụ cứu người, anh em bảo nhau khẩn trương hơn hết. Khi vào đến căn phòng phát ra tiếng kêu cứu, mọi người trong gia đình đang ôm nhau gào khóc, thấy tôi, họ lao vào ôm. Chúng tôi vội động viên họ, giúp họ đeo mặt nạ phòng độc. Tôi nhận nhiệm vụ dìu 1 em bé cùng với bà chủ nhà đi xuống lối cầu thang ra ngoài. Do cầu thang có độ trơn trượt cao, những nạn nhân lại đang trong trạng thái hoảng loạn, cuống quýt nên xô đẩy nhau, thậm chí đến lúc gần ra đến cửa họ lại càng vội vã chạy,  trượt đà nên tôi bị bỏng và bị thương…” - Quân nói.

Là con út trong gia đình, được mọi người cưng chiều nhưng Đỗ Quang Trung, 22 tuổi, chiến sỹ Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy, Cảnh sát PCCC TP, xin đi nghĩa vụ tại Cảnh sát PCCC TP. Tuy môi trường trong công an có khắc nghiệt hơn so với cuộc sống đời thường nhưng Trung hòa nhập rất nhanh.

Mỗi ngày tập luyện đội hình chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, tìm hiểu thao tác sử dụng các phương tiện, rèn luyện thể lực đã trở thành niềm vui với chàng chiến sỹ trẻ tuổi này. Khi bị thương nặng, sợ bố mẹ lo lắng, Trung chỉ dám nhắn qua người anh trai. Cười hiền, Trung bảo: “Là lính mới, đi nghĩa vụ hơn 1 năm, từng tham gia chữa nhiều vụ chữa cháy nhưng đây là lần đầu tiên tôi tham gia chữa cháy có tiếp xúc với cháy hóa chất (vụ cháy phốt-pho tại cảng Nam Hải - PV). Chợt nghĩ tới gia đình, bố mẹ, anh trai...

Nhưng là người lính chữa cháy, mang trọng trách với cộng đồng, tôi cũng như bao đồng đội khác không thể từ bỏ. Và khi nghĩ tới bố, tới anh cũng đang cống hiến trong ngành công an, góp phần cho bình yên cuộc sống, nhớ tới hình ảnh bố từng bị thương khi bắt cướp, tôi không cho phép mình bỏ cuộc". Tự hào về người con út của mình, cô Nguyễn Lan Hương - mẹ của chiến sỹ Đỗ Quang Trung cho biết: Là mẹ ai cũng mong con mình được bình yên, hạnh phúc. Biết tin con bị thương, tôi sợ lắm, nhưng con đã đam mê, yêu nghề đến vậy nên lại động viên con hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Là con người khi đối mặt với hiểm nguy ai cũng sợ, cũng phân vân nhưng khi đã là CBCS của lực lượng Cảnh sát PCCC, khoác trên mình bộ quân phục màu xanh tím than thì chuyện đối mặt với giấc ngủ không yên, với những cuộc hẹn dang dở, mặt đầy khói bụi, với việc bị thương, hy sinh khi đang làm nhiệm vụ được các anh mặc nhiên chấp nhận. Bởi họ đã, đang và sẽ luôn nhận trọng trách chiến đấu với giặc lửa, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Ninh Phương


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông