Những người đo mưa, đo nắng…

17:15 29/08/2015

 

Quan trắc viên Trạm rađa luôn theo sát sự phát triển của các vùng mây
Quan trắc viên Trạm rađa

Có người từng nói họ là những người lãng mạn vì suốt ngày vơ vẩn, làm bạn cùng mây, gió, trăng sao. Nhưng mấy ai biết công việc lặng thầm mà họ đang miệt mài ngày đêm. Từ đất liền đến hải đảo xa xôi, từ vùng đồng bằng lên vùng núi cao ngút ngàn, từ cửa sông đến đại dương bao la, nơi đâu cũng có dấu chân của họ - những người làm công tác điều tra, dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) của Đài KTTV vùng Đông Bắc.

Không ngừng, không nghỉ

Đài KTTV khu vực Đông Bắc tại Hải Phòng là nơi đặt nền móng đầu tiên cho ngành KTTV Việt Nam. Đến nay, đài có 61 đơn vị trực thuộc, với 5 phòng chức năng, 5 đài KTTV tỉnh, 50 trạm KTTV nằm rải rác trên 6 tỉnh trong khu vực và có nhiều trạm vùng sâu, biên giới, hải đảo.

Đài tổ chức điều tra cơ bản, dự báo về khí tượng, thủy văn, môi trường không khí và nước trong phạm vi khu vực các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng. Những năm gần đây, với sự biến đổi lớn của khí hậu cùng nhiều hiện tượng thiên nhiên thời tiết cực đoan, những đợt nắng nóng và mưa lũ kéo dài thì công tác điều tra, dự báo KTTV lại càng trở nên cấp thiết.

Nếu chỉ nhìn thoáng qua thì thấy công việc hàng ngày của những cán bộ công nhân viên ở các trạm, phòng thuộc Đài KTTV quả là lặng lẽ, đến mức nhàm chán. Nhưng việc quan trắc, dự báo, truyền tải thông tin của các phòng, các trạm KTTV lại nóng lên từng giờ bởi công việc của các anh các chị được thực hiện liên tục từng phút, từng giờ trong suốt 24 tiếng không ngừng nghỉ. Những người làm công tác khí tượng có nhiệm vụ quan trắc và phát báo về những yếu tố khí hậu, thời tiết như: gió, mưa, nắng, độ ẩm, nhiệt độ (nhiệt độ đất và không khí)…

Quan trắc viên Trạm rađa luôn theo sát sự phát triển của các vùng mây
Quan trắc viên Trạm rađa luôn theo sát sự phát triển của các vùng mây

Trong một ngày, các quan trắc viên phải thực hiện 8 lần quan trắc, phát báo - gọi là 8 OBS, trong đó có 4 OBS chính và 4 OBS phụ. Những ngày bình thường thì cứ 3 tiếng quan trắc viên mới phải thực hiện 1 OBS. Trong những ngày mưa bão thì công việc này tăng lên gấp 6 lần, cứ 30 phút lại thực hiện 1 OBS.

Những cán bộ làm tại các trạm rađa thời tiết thì công việc chính là trực theo dõi hình ảnh mây rađa, thông tin về mây cho các hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Cứ 5 phút các quan trắc viên trạm rađa phải thực hiện một lần truyền tải thông tin xuống Đài KTTV khu vực Đông Bắc.

Bên cạnh đó, trong trường hợp quan trắc thấy vùng mây nguy hiểm thì phải tìm mọi cách để thông báo kịp thời, vì thế các anh chị trong ca làm việc của mình không bao giờ được rời mắt khỏi màn hình. Những người làm công tác dự báo thủy, hải văn lại gắn mình với sông nước. Công việc hàng ngày của các anh chị là quan trắc về độ cao của sóng, nhịp sóng, độ mặn, nhiệt độ của nước…

Công việc dù ở bộ phận nào cũng phải thực hiện liên tục 24/24 giờ trong ngày. Thường ngày đã "căng" như thế, trong ngày mưa bão, đêm hôm thì lại càng vất vả hơn, nhất là đối với chị em phụ nữ. Chị Phạm Thị Hiền - quan trắc viên Trạm khí tượng Phù Liễn tâm sự: “Quê tôi ở Thái Bình, 2 vợ chồng đều làm trong ngành khí tượng. Con còn nhỏ mà có những đêm cả 2 vợ chồng chị đều phải đi trực nên rất khó khăn”. Đối với những người phải công tác ở vùng núi cao hay đảo xa vắng vẻ, nỗi vất vả không đơn thuần chỉ là công việc mà còn là sự thiếu thốn về đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần, tình cảm.

Vẫn say nghề

Công việc mưa nắng, vất vả, đồng lương còn hạn hẹp nhưng những cán bộ ngành KTTV vẫn gắn bó với nghề như một duyên nghiệp. Anh Cao Huy Chương - quan trắc viên Trạm Khí tượng Phù Liễn chia sẻ: “Từ ngày tốt nghiệp, tôi nhận công tác tại trạm đến nay đã được 3 năm. Ngày đầu lương chỉ được hơn 2 triệu/tháng, lại sống xa gia đình, cuộc sống cũng vất vả nhưng tôi vẫn luôn mong muốn được gắn bó với nghề”.

Ông Phan Kim Việt - quan trắc viên lâu năm của Trạm rađa thời tiết Phù Liễn cũng chia sẻ thêm: “2 vợ chồng tôi cũng công tác ở trạm này được gần 30 năm nay. Không như nhiều người nghĩ, đối với tôi, công việc này rất thú vị. Sự phát triển của những vùng mây (trước và sau cơn mưa), các hiện tượng thời tiết không bao giờ trùng lặp, luôn mới mẻ, cuốn hút tôi từ ngày mới vào nghề cho đến tận bây giờ”.

Cùng với lòng yêu nghề, đội ngũ cán bộ dự báo viên không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức về công nghệ và phương pháp; phạm vi và hạng mục dự báo KTTV tiếp tục mở rộng nên chất lượng - hiệu quả công việc được nâng cao, góp phần tích cực vào việc phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của sản xuất và đời sống của nhân dân. Thành công lớn nhất của Phòng Dự báo là thời gian dự báo tăng lên và dự báo sớm.

Điều quan trọng hơn là nếu như trước đây lượng mưa chỉ dự báo theo định tính, nay dự báo được định lượng tương đối rõ ràng. Phòng cũng dự báo được hầu hết các cơn bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông một cách kịp thời; theo dõi, dự báo sát diễn biến tình hình, nhất là những cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến thời tiết khu vực Đông Bắc, trong đó có Hải Phòng. Chất lượng các bản tin dự báo thời tiết hằng ngày được nâng lên rõ rệt, sát với diễn biến của tình hình thời tiết, tạo thuận lợi nhiều cho việc chỉ đạo điều hành sản xuất nông nghiệp…

Ông Nguyễn Quang Hân - Chánh văn phòng Đài KTTV vùng Đông Bắc cho biết: “Cùng với sự đổi mới của đất nước, theo chủ trương hiện đại hóa ngành KTTV, được sự quan tâm đầu tư của nhà nước, của Bộ tài nguyên và Môi trường và Trung tâm KTTV quốc gia, mạng lưới quan trắc của đài từ chỗ cơ sở vật chất nghèo nàn, trang thiết bị cũ kỹ lạc hậu, đến nay đã được đầu tư xây dựng, trang bị thiết bị kỹ thuật chuyên môn hiện đại, tiên tiến phục vụ cho công tác điều tra cơ bản và dự báo phục vụ. Kết quả đạt được đã đáp ứng được yêu cầu về công tác chỉ đạo phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội đất nước”.

Xuân Hạ


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông