16:03 24/02/2020 2h30 phút sáng 30-1, tức mùng 6 tết nguyên đán Canh tý 2020, chuyến bay trễ cuối cùng từ thành phố Hồ Chí Minh hạ cánh an toàn xuống sân bay quốc tế Cát Bi-Hải Phòng cũng là lúc điện thoại của bác sỹ Nguyễn Minh Thanh-Giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế-Sở Y tế Hải Phòng và bác sỹ Vũ Kiên Trung-Phó Trưởng Khoa kiểm dịch y tế nóng máy vì các cuộc gọi đi, đến. Sau khi thực hiện các giám sát y tế như đo thân nhiệt, huyết áp, nắm tình hình di chuyển của hành khách từ trước tết đến thời điểm hiện tại, đồng thời hoàn tất các thủ tục liên quan, đến 4h30 phút sáng cùng ngày, hai mẹ con chị Vũ Thị Thanh Tuyền, hộ khẩu tại Lai Vung, Đồng Tháp đã được đưa vào BV Việt Tiệp tiếp tục theo dõi những dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh viêm phổi cấp do Covid-19 gây ra. Kể từ khi xuất hiện những ca nghi nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam, hơn 2 tháng qua, các y, bác sỹ Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Hải Phòng đã thức-ngủ cùng Covid-19 như vậy!
Lãnh đạo Sở Y tế thành phố kiểm tra công tác phòng chống dịch tại sân bay quốc tế Cát Bi ngay từ những ngày đầu
Nhận lệnh của lãnh đạo Trung tâm với lời gửi gắm “tin tưởng ở kinh nghiệm chuyên môn của em”, bác sỹ Bùi Thuý Hoà-Trưởng Khoa Xét nghiệm chỉ kịp điện thoại về nhà để nhờ mẹ và chồng chăm con giúp rồi đi làm nhiệm vụ. Khoảng 7h15 phút cùng ngày, chị có mặt tại Đồ Sơn rồi khẩn trương lên tàu hoa tiêu tiếp tục hành trình ra khu vực phao số 0, từ đó lên một tàu vận tải quốc tế để kiểm tra cũng như lấy mẫu xét nghiệm của một thuyền viên có nghi ngờ nhiễm Covid-19.
Bác sỹ Hoà nhớ lại: Hơn 20 năm làm nghề, nhưng đây sẽ là một kỷ niệm khó quên đối với cuộc đời bác sỹ của tôi. Tối hôm đó, sóng lớn khiến chiếc tàu chao đảo giữa biển mênh mông, đen kịt, tôi cùng một bạn đồng nghiệp bám chặt vào thành tàu và có lẽ lo lắng đến mức quên cả say sóng. Phía xa là ánh sáng đèn của chiếc tàu mà chúng tôi sẽ lên làm nhiệm vụ và phải mất gần 1 giờ đồng hồ con tàu mới đưa chúng tôi vượt hơn 5 hải lý đến khu vực phao số 0.
Chưa hết, gió to khiến chiếc thang dây giúp chúng tôi lên tàu cứ chòng chành, cảm giác như sắp tuột xuống, các anh nhà tàu phải đẩy chân, kéo tay để các y, bác sỹ nhanh chóng tiếp cận lên boong tàu.
Bác sỹ Trung tâm leo thang dây để thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch trên tàu
Không giấu diếm những lo lắng, run sợ trước biển cả mênh mông, mịt mùng, sóng to gió lớn là vậy, nhưng khi kể lại những thao tác kiểm tra y tế, lấy mẫu xét nghiệm đối với thuyền viên nghi nhiễm Covid-19 thì bác sỹ Hoà lại say sưa, hào hứng.
Chị cho biết, thuyền viên trên tàu người Ấn Độ và có đi qua vùng dịch, có các dấu hiệu như ho, sốt. Việc khó nhất là lấy dịch hầu, họng làm sao để thuyền viên không bị kích ứng, nôn, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao. Tiếp đến, mẫu bệnh phẩm truyền nhiễm phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, quy trình đóng gói-bảo quản-vận chuyển đến Viện dịch tễ TƯ, để nếu có thì virus phải còn sống, từ đó tiến hành xét nghiệm”.
Bác sỹ Bùi Thuý Hoà trực tiếp lấy dịch hầu, họng của thuyền viên nghi nhiễm Covid-19 trên tàu đỗ tại phao số 0
Khi được hỏi, tại thời điểm đó quan các kênh thông tin thì rất nhiều đồng nghiệp là các y, bác sỹ tại Trung Quốc đã nhiễm bệnh hoặc tử vong, chị có e ngại khi thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm truyền nhiễm từ một người đến từ vùng dịch, chị Hoà tự tin khẳng định: “Do có sự chủ động chuẩn bị từ nhiều ngày trước đó nên Trung tâm đã trang bị đầy đủ bảo hộ y tế cho các y, bác sỹ khi làm nhiệm vụ. Thêm nữa, chúng tôi cũng đã được tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, cộng với những kinh nghiệm, hiểu biết trong nghề, do vậy tôi và đồng nghiệp hoàn toàn tự tin”.
Quên đi những nguy cơ rình rập sự an toàn của bản thân, điều mà bác sỹ Hoà lo lắng, thấp thỏm, đó là kết quả xét nghiệm của thuyền viên. Và chỉ sau hai ngày kể từ khi lấy mẫu, Viện dịch tễ Trung ương đã thông báo kết quả “âm tính”! Thở phào nhẹ nhõm xen lẫn niềm vui, bác sỹ Hoà bộc bạch: “Có lẽ đây cũng là tâm trạng của các y, bác sỹ tại Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế nói riêng và toàn thành phố nói chung vì Covid-19 chưa xâm nhập vào thành phố Cảng”!
Cán bộ Trung tâm kiểm soát thân nhiệt hành khách tại sân bay quốc tế Cát Bi
Đối với bác sỹ Vũ Trung Kiên-Phó Trưởng Khoa kiểm dịch y tế, cùng 10 y, bác sỹ trong Khoa thì đều phải gồng mình những ngày qua. Vừa đảm đương việc giám sát y tế tại cửa khẩu sân bay quốc tế Cát Bi, rồi tại các cửa khẩu cảng biển, các tàu đi qua vùng dịch phải kiểm dịch tại khu vực phao số 0, mọi người không ai có ngày nghỉ tết hay cuối tuần. Cá nhân bác sỹ Trung, khi hệ thống kiểm dịch cả nước nói chung và tại Hải Phòng nói riêng được kích hoạt, anh đã trực, làm nhiệm vụ từ ngày 28 tết, đến chiều 30 tết mới được về nhà và sáng mùng 1 lại tiếp tục lên đường.
Bác sỹ Trung tâm sự: “Vất vả, dịch bệnh rình rập, nhưng chúng tôi đã chọn nghề và tự hào về nghề. Những câu chuyện đến từ vùng dịch của nước bạn, chúng tôi nhận thức được rằng, nếu kiểm soát tốt, ngăn chặn được sự xâm nhập của virus từ các khu vực cửa khẩu như đường biển, hàng không, đường bộ thì sẽ giảm áp lực cho các đồng nghiệp của chúng tôi ở tuyến sau. Bởi vậy, cùng với các lực lượng như Biên phòng, Hải quan, Cảng vụ, chúng tôi phải nỗ lực hết mình nơi đầu sóng ngọn gió, hoàn thành tốt trọng trách được thành phố, ngành giao phó”.
Là người đã kinh qua dịch SARS năm 2003, bác sỹ Nguyễn Minh Thanh-Giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế chiêm nghiệm: Sự chủ động, sẵn sàng trang thiết bị y tế, bảo hộ và cập nhật kiến thức chuyên môn thường xuyên về phòng chống dịch sẽ giúp các y, bác sỹ bình tĩnh, tự tin khi làm nhiệm vụ, từ đó kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh.
Nếu như các chiến sỹ biên phòng làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương của Tổ quốc thì trong cuộc chiến với dịch bệnh, các y, bác sỹ thuộc hệ thống kiểm dịch y tế quốc tế nói chung và tại Hải Phòng nói riêng được ví như những người lính tiền tiêu bảo vệ an ninh y tế của đất nước. Họ chính là những người “gác cổng” thầm lặng và cũng là người gióng chuông cảnh báo, ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh, phối hợp bảo vệ sự an toàn của cộng đồng!
Kim Oanh
09:09 24/11/2024
13:27 22/11/2024
15:26 16/11/2024