Những người làm nghề tắm cho hài cốt

16:35 23/10/2008

Nội dung Ông Rỉu bảo nghề này phải có thần kinh thép. Nhưng nhiều lúc vẫn rùngmình kinh sợ. Mỗi người có một cái chết khác nhau, từ bệnh tật, tainạn… Nhưng đáng sợ nhất là người chết đuối.

Nội dung

Ông Rỉu bảo nghề này phải có thần kinh thép. Nhưng nhiều lúc vẫn rùngmình kinh sợ. Mỗi người có một cái chết khác nhau, từ bệnh tật, tainạn… Nhưng đáng sợ nhất là người chết đuối.

Những ngôi mộ vừa bốc xong
Những ngôi mộ vừa bốc xong

Họ là người cuối cùng tiễn đưa những đồng loại về thế giới bên kia. Không sự tôn vinh, không sự cảm thông chia sẻ, không phụ cấp độc hại, mỗi ngày, mỗi đêm họ đánh đổi sức khoẻ để làm cái nghề chưa ai từng muốn đó là khâm liệm và bốc mả.

Một đêm tháng 10, trời tối như mực, trong nghĩa địa lô nhô những ngôi mộ cao thấp, đám người đứng ngồi trên những ngôi mộ xung quanh ỉ ôi khóc hờ. Giữa quầng sáng, trong cái hố sâu, hai người đàn ông lầm lũi gạt lớp đất đá để lộ dần cỗ quan tài bằng gỗ bắt đầu mục nát.

Một chiếc xà-beng lựa chiều lách vào nắp ván. Người đàn ông cong người ghì mạnh. Tiếng kim loại xiết vào thớ gỗ rít ken két, nắp quan tài bật mở. Hai người đàn ông ngả dạt về phía sau. Mùi xác chết bắt đầu lan toả ra làm đám người trên miệng hố phải chun mũi bụm miệng lùi xa.

Trong ván, lẫn giữa lớp vải mục, lăn lóc cái đầu lâu với hai hốc mắt sâu hoắm. Những đoạn xương chân tay nằm ngổn ngang xô lệch. Sau một phút chững lại, gương mặt hai người đàn ông trở nên vô cảm như mặt tượng nhưng chân tay họ thì sực tỉnh nhanh nhẹn lạ thường. Một người chúi đầu nhặt lần lượt đầu lâu, xương chép, xương ống… đưa vào tấm nilon trải sẵn cho người kia lau rửa bằng rượu trắng và ngũ vị hương.

Đống xương trong ván vơi dần. Họ xục tay vào ván cào bới nhặt những đốt xương ngón tay, ngón chân cuối cùng đưa lên khỏi miệng hố. Sau 40 phút bộ xương được lau rửa sạch sẽ, sức nước thơm và xếp gọn ghẽ vào chiếc tiểu sành. Hai người lại lầm lụi khiêng tiểu hạ vào một cái hố khác đào sẵn gần đó.

Rạng sáng, một nấm đất mới vuông vắn được đắp lên. Công việc của hai người bốc mả đã hoàn tất.

Ông Bùi Văn Rỉu, ở Hà Phú, Hòa Bình, Thủy Nguyên - người có thâm niên 30 năm làm nghề bốc mả cho biết, làng ông nhà nào có việc này là lại nhờ đến những người như ông. Trước đây ông cùng ông Hoàng Văn Quá và một vài người khác cùng làng được coi là bạo tay làm. Quá nửa số mộ trong nghĩa trang trong làng đều do hội quản trang chôn cất cải táng. Nay tuổi ông đã 80 nên ít người mượn. Tuy nhiên phần nhớ nghề, phần là gia chủ tin cậy thỉnh thoảng "cựu binh" vẫn "tái xuất giang hồ".


Ông Rỉu bảo nghề này phải có thần kinh thép. Nhưng nhiều lúc vẫn rùng mình kinh sợ. Mỗi người có một cái chết khác nhau, từ bệnh tật, tai nạn… Nhưng đáng sợ nhất là người chết đuối. Ông vẫn nhớ như in lần đầu tiên ông khâm liệm tử thi chết đuối. Người chết đuối ngâm sâu dưới nước ba ngày, tích đầy khí trương bụng nổi lập lờ nhưng gân thì khô lại, chân tay duỗi cứng như sắt. Lúc khâm liệm phải cột dây dù vào hai đầu ngón tay trỏ của xác chết. Ông cùng hai người đàn ông khoẻ mạnh đứng hai bên đạp chân vào vai ra sức kéo cho tay thu vào dọc thân, dùng dây bó chặt.

Với người đời thì chết là hết nhưng với quản trang thì chỉ là tạm biệt vì còn cuộc tái ngộ ba năm sau đó: cải táng. Khâm liệm đã đáng sợ, bốc mộ cải táng còn đáng sợ hơn nhiều. Đêm hôm mải mở nắp ván mò mẫm nhặt từng đốt xương người, đó chỉ là chuyện bình thường.

Thỉnh thoảng ông lại bốc phải "mộ kết". Người ốm uống quá nhiều kháng sinh, khi chôn chèn nhiều quần áo hay chè khô lót dưới quan tài, đất khô, kín… làm cho xác người chết không phân huỷ được. Khi bốc, mở nắp ván xác chết còn nguyên cả da, thịt như khi vừa chôn xuống chỉ có hốc mắt là hơi trũng xuống…

Ông Sủng bảo muốn làm xong việc thì đầu óc như đông cứng lại không cảm giác, không nghĩ ngợi, mọi động tác cứ theo thói quen mà làm như cái máy. Chỉ cần một suy nghĩ nhỏ lập tức chân tay rã rời mặt mày xây xẩm, có khi chết ngất vì sợ. Rùng rợn là vậy còn vất vả thì cũng không nghề nào bằng. Tất cả các mộ đều chỉ bốc vào ba tháng cuối năm.

Theo lệ, chỉ sau 12h đêm mới được bật nắp ván. Làm xong, dù đêm mùa đông lạnh đến dưới 15 độ thì quản trang vẫn phải tắm rửa hàng tiếng đồng hồ. Nhưng mùi xác chết ngấm sâu vào người dù tắm bao nhiêu lần thì vẫn phảng phất hàng tuần sau mới bớt dần. Sau mỗi lần bốc mộ, nhất là mộ kết thì hàng tháng sau mới dám ăn thịt nếu không muốn ăn vào đến đâu nôn hết ra đến ấy.

Nghề này dù sức khoẻ tốt đến đâu thì cũng suy kiệt trông thấy qua từng đêm. Đêm lạnh, sương gió ngấm vào người, rồi mùi xác chết, tử khí thấm qua hơi thở qua da tay. Dù có găng tay cao su thì cũng không dùng được. Găng dày, mò xương không thật tay, dễ làm sót lại những đốt xương ngón tay, ngón chân, có tội với người đã khuất lắm.

Quản trang thường phải bỏ găng dùng tay không mà nhặt nhạnh, cào bới. Dẫu biết như vậy thì chất độc dễ ngấm qua da thịt nhưng cũng phải chấp nhận. Có người làm nghề này đã chết khi mới ngoài 50 tuổi vì đủ thứ bệnh, người thì năm nào cũng phải vào viện nằm một tháng vì bệnh hen phế quản do hít nhiều khí độc.

Ông Rỉu bảo nghề này không có giá, làm là vì cái tâm với người chết và gia chủ của họ, không bao giờ có chuyện mặc cả, thêm bớt. Nhưng cũng thành lệ mỗi lần an táng, gia chủ thường biếu cho đội quản trang 250 đến 500 ngàn cải táng, khi thì 5 đến 700 ngàn một mộ. Kể ra với một người nông dân như ông Rỉu, số tiền kiếm được qua một đêm như vậy là quá cao.

Ông Rỉu thì bảo, tiền ấy dù nhiều dù ít trước sau rồi cũng hết. Chả ai làm giàu bằng nghề này bao giờ. Nhưng đã là cái tâm, cái đức thì phải làm hết mình. Thật ra con cháu người chết phần vì ghê sợ, phần thấy hôi thối nên ít khi lại gần. Chỉ đứng quanh cho gọi là có mặt. Nhưng quản trang vẫn phải làm cho thật tươm tất.

Nghề gì thì cũng mưu sinh nhưng ắt phải có tâm và đức dù có phải đánh đổi bằng sức khoẻ và linh ứng nhất có lẽ là nghề khâm niệm và bốc mả.

Phóng sự của HOÀNG LONG


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông