Những người mẹ thứ hai của trẻ em hoàn cảnh đặc biệt

    10:02 04/01/2020

    Sinh ra trên đời đã không được nằm trong vòng tay ấm áp của gia đình, những trẻ em mang mảnh đời bất hạnh được những người mẹ thứ hai ở Làng trẻ mồ côi Hoa Phượng (thành phố Hải Phòng) trao tình yêu thương, che chở, bao bọc, đem lại cho các em cuộc sống gia đình ấm áp để các em được lớn khôn như bao trẻ em khác. Những cô giáo - người mẹ ở Làng trẻ đã lặng thầm mang đến cho những mảnh đời bất hạnh niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn…

    Chăm sóc trẻ khuyết tật tại Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng (TP Hải Phòng)

    1. “Đây là gia đình mẹ Nữ. Chị Nữ là người vất vả vì các con đều là trẻ bị khuyết tật…” - Phó Giám đốc Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng Phạm Thị Thu Hiếu giới thiệu về cô giáo Lương Thị Bích Nữ, người mẹ của gia đình nhỏ mang tên “Vành Khuyên”.

    Ngôi nhà Vành Khuyên có 8 người con thì cháu bị mù lòa, cháu bị bệnh tim, có những cháu cả ngày chỉ nằm một chỗ không đi lại được. Ở nhà mẹ Nữ, hình ảnh một gia đình nằm la liệt là những đứa trẻ tay chân teo tóp, dị dạng đập vào mắt làm quặn thắt mọi trái tim. Nhà đông con nhưng chỉ có một bé gái còn ra vào giúp mẹ trông chừng những bé còn lại. Mẹ Nữ vồn vã: “Đó, nhà chừng ấy con, nhưng chỉ cậy nhờ được một đứa thôi cô ạ. Các con nhà tôi đều tật nguyền, nên không tự chủ được việc cá nhân, đều trông chờ vào mẹ chăm sóc...” Giọng mẹ Nữ như méo đi, chậm lại khi nói về những đứa con trong gia đình của mình: đây con Hoàng Thị Mi, kia con Nguyễn Văn Lập, rồi con Trần Thị Hà… Lớn cũng đã 29 tuổi, bé thì mới 5 tuổi, nhưng điểm chung của những đứa trẻ này là không bao giờ trưởng thành…

    Nói về hoàn cảnh của mình, mẹ Nữ vốn ở huyện Vĩnh Bảo, ra với Làng từ năm 2004. Từng là giáo viên mầm non, nhưng đó là với các cháu bình thường. Khi bắt đầu vào Làng, chăm sóc các bé khuyết tật, ban đầu mẹ Nữ phải học cách nuôi dạy, chăm sóc và mất một thời gian để làm quen. Lâu dần, Làng trẻ cũng có thêm người phụ giúp, song các dì chỉ phụ giúp giờ hành chính, đêm hôm thì mẹ con tự xoay sở. Nhiều đêm, các con ốm đau, khóc lóc cả đêm, mình mẹ Nữ thức trắng chăm con. Thậm chí, các con đi viện thì mẹ đành gửi nhà cho các mẹ, các dì khác để đến viện chăm con. Cực là vậy, nhưng 15 năm gắn bó với Làng chưa bao giờ bà Nữ nghĩ đến chuyện nghỉ việc. “Lúc đầu tôi nghĩ đi làm, nghĩ đây là công việc. Sau dần, tôi lại nghĩ đây là gia đình, bọn trẻ là con mình. Các con đã một lần bị bỏ rơi, giờ mình nản trí lại bỏ nữa thì tội nghiệp các con lắm…”, mẹ Nữ tâm sự. Và rồi, cuộc sống của gia đình Vành Khuyên đã dần đi vào quỹ đạo của một gia đình bình thường…

    Các mẹ trồng rau nuôi lớn những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

    2. Ở gia đình Hải Yến, mẹ Vũ Thị Bốn (SN 1962, quê huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng) hiện đang nuôi 6 con. Cháu lớn nhất 19 tuổi đang học Đại học Hải Phòng, cháu bé thì học tiểu học.

    Chúng tôi đến thăm nhà Hải Yến trong lúc bà Bốn đang tỉa rau, nấu cơm trưa. Tuy các con của mẹ Bốn đều khỏe mạnh, nhanh nhẹn nhưng vào ngày thường, các con đi học văn hóa tại các trường học lân cận nên cũng không có thời gian đỡ đần mẹ việc nhà. Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm cho tới đêm khuya, biết bao công việc đều một tay mẹ Bốn lo liệu. Nào là chuẩn bị bữa ăn, lau rửa, giặt giũ; nào là đưa con đi học, chợ búa, dọn dẹp nhà cửa. Nói về những đứa con, mắt mẹ Bốn ánh lên niềm tự hào: “Với tôi, khó khăn không phải ở việc nuôi mà là dạy dỗ sao cho các con nên người. Hiện nay, các con ở độ tuổi khác nhau, mỗi đứa một tính. Có khi đi học đã biết rung động tình bạn khác giới nhưng về nhà vẫn ganh đua, chành chọe với các em. Mỗi lần như thế, tôi đều phải giảng dạy các con về tình yêu thương, sự nhường nhịn. Khi hiểu ra rồi, các con biết sẻ chia và đoàn kết hơn”, mẹ Bốn nói.

    24 năm gắn bó với công việc, trao hết tình cảm yêu thương của người mẹ thứ hai cho các con mình, chính từ bàn tay dạy dỗ, chăm lo của mẹ Bốn mà nhiều con của gia đình Hải Yến đã trưởng thành, thậm chí đi học đại học, làm giáo viên, giảng viên ở Đại học Văn hóa. Đến nay, mẹ Bốn đã đến tuổi nghỉ hưu, nhưng vì Làng chưa tuyển được người mới thay thế nên bà Bốn không đành lòng bỏ các con lại để về nghỉ ngơi. “Hơn nữa, tôi có lời hứa hẹn với 3 con, chúng là những đứa trẻ tôi nuôi từ ngày tôi mới đến Làng. Tôi hứa, mẹ sẽ theo các con đến khi các con trưởng thành. Nên tôi sẽ ở đến lúc các con ra Làng, tôi yên tâm trọn vẹn nghĩa tình với các con và lúc đó sẽ về nghỉ ngơi tuổi già”, mẹ Bốn xúc động chia sẻ.

    Tuy không sinh ra, nhưng các mẹ ở Làng trẻ Hoa Phượng nuôi dạy các con khôn lớn thành người

    3. Giám đốc của Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng Lương Thị Hảo cho biết, Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng được thành lập năm 1992 với nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng trẻ em, bao gồm: trẻ mồ côi không nơi nương tựa; trẻ bị bỏ rơi, khuyết tật; trẻ là con của những phạm nhân đang chấp hành án; trẻ lang thang, cơ nhỡ trên địa bàn TP. Hải Phòng.

    Hiện nay, Làng đang chăm sóc, nuôi dạy 60 trẻ. Việc nuôi dưỡng các cháu được thực hiện theo mô hình gia đình, nhằm giúp các em có một mái ấm gia đình thực sự. Với mô hình này, hiện Làng có 8 gia đình, mỗi gia đình có 1 mẹ nuôi và 1 dì, chăm sóc từ 6 đến 8 cháu, thời gian 24/24 giờ. Ngày mùa đông ở Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng, những ngôi nhà mang tên của những loài chim: Vành Khuyên, Họa Mi, Sơn Ca, Hải Âu, Vàng Anh… luôn tràn ngập tình yêu thương của những người mẹ mang đến cho những trẻ em vơi đi nỗi bất hạnh trong cuộc đời. Ở đây, mỗi người mẹ - cô giáo của làng trẻ có một hoàn cảnh, một cơ duyên đến với các gia đình của Làng, nhưng đều mang một cái tâm hết mình với nghề “làm mẹ” gắn bó, che chở cho đàn con của mình.

    “Với các con ở Làng, chúng tôi luôn nỗ lực không ngừng để chăm lo cho các con được đi học văn hóa đầy đủ, được tham gia các lớp tiếng Anh, Tin học, kỹ năng sống, cờ vua… Đến nay, Làng đã có 3 cháu đỗ đại học, một trong số đó có cháu được trường giữ lại làm giảng viên. Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục từ đó nâng cao. Ngoài ra, các hoạt động hướng nghiệp được nhà trường chú trọng. Nhà trường liên hệ với các nhà hảo tâm, doanh nghiệp để đón đầu các cháu có học lực tốt vào học nghề đồng thời định hướng nghề nghiệp cho trẻ ngay từ khi còn ở Làng”, Giám đốc của Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng cho biết thêm.

    HẢI HẬU

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông