Những người vượt qua bóng tối

15:11 07/12/2017

Số phận không may lấy đi của người khiếm thị đôi mắt, nhưng ngược lại bù đắp cho họ đôi bàn tay khéo léo, tinh tế để cảm nhận sự vật. Và đôi tay ấy chính là chìa khóa giúp họ vượt qua cánh cửa khó khăn của cuộc đời với nghề “Tẩm quất cổ truyền”, giúp họ tự tin vươn lên sống bằng chính sức lao động của mình mà không phải trông chờ vào sự thương hại của xã hội.

Kỳ 2. Đôi tay xua tan “bóng tối”

Sau gần chục năm quanh quẩn sống phụ thuộc vào bố mẹ già yếu, cuối cùng chị Đào Thị Bình cũng tìm lại được “nguồn sáng” của mình. Chị tâm sự, thời gian đầu, khi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng, việc sinh hoạt, đi làm là quá “xa xỉ” đối với chị. Hàng ngày, chị chỉ loanh quanh làm vài việc vặt trong khi con nhỏ luôn cần đến mẹ. Cuộc sống tù túng, chật vật khiến chị cảm thấy mình thật vô dụng, bế tắc.

Lớp học tẩm quất của người khiếm thị

Nỗi đau đớn, dằn vặt cứ gặm nhấm tinh thần khiến thân thể chị ngày càng suy nhược. Nhưng rồi tiếng bi bô của con trẻ cùng chỗ dựa vững chắc từ cha mẹ già là động lực giúp chị lấy lại tinh thần, quyết tâm đứng dậy, từng bước tìm lối đi cho tương lai của mình. Chị bắt đầu tham gia sinh hoạt trong hội người mù huyện Tiên Lãng và cuộc sống của chị thực sự thay đổi khi chị theo học nghề tẩm quất.

Chị kể, thời điểm đó, những lời dèm pha của người đời về nghề tẩm quất đôi lúc khiến tư tưởng chị bị lung lay dữ dội trước quyết định theo hay bỏ. Nhưng khi tiếp xúc và học nghề một cách bài bản, chị mới hiểu được giá trị mà nghề này mang lại. Sau khóa học, với chuyên môn vững vàng, chị đến làm việc tại cơ sở xoa bóp, bấm huyệt của Hội người mù thành phố ở 57 phố Hàng Kênh.

Ngày chị cầm đồng tiền của tháng lương đầu tiên sau từng ấy năm ăn nhờ, ở đậu bố mẹ, chị không cầm được nước mắt. “Cuộc sống của mình không may mắn như những người mắt sáng, nhưng nhờ có công việc này, mình biết từ nay mình đã có thể tự nuôi sống được bản thân. Đặc biệt là còn có thể lo cho con cái được ăn học đàng hoàng bằng chính đồng lương mà mình tự kiếm ra”, chị Bình chia sẻ.

Giờ thực hành tẩm quất, bấm huyệt

Là người có thâm niên hơn 10 năm gắn bó với nghề xoa bóp, bấm huyệt, anh Trần Quang Nhân (ở Lê Lợi) là một trong số những trường hợp điển hình biết vượt lên số phận. Năm 29 tuổi, anh được các bác sỹ chẩn đoán thoái hóa đáy mắt. Từ ngày đó, đôi mắt anh mỗi ngày một mờ đi không có cách nào chữa trị. Từ một thanh niên lanh lợi, hoạt bát, anh trở nên mặc cảm, tự ti, thường xuyên dày vò bản thân.

Nhưng nhờ sự động viên, quan tâm của gia đình, anh dần dần lấy lại tinh thần và tìm lại niềm tin trong cuộc sống. Sau khi được giới thiệu vào làm việc tại cơ sở xoa bóp, bấm huyệt của Hội người mù thành phố, được đi làm, gặp gỡ và sinh hoạt với những người có cùng hoàn cảnh, anh Nhân như thấy cuộc đời bước sang một trang mới. Đôi mắt không còn sáng nhưng bù lại anh Nhân có đôi tay khỏe mạnh, dẻo dai, tinh tế để mang lại sự thoải mái cho khách hàng đến tẩm quất. Nhờ nghề tẩm quất được đào tạo bài bản, anh Nhân đã chữa trị cho nhiều người gặp vấn đề về sức khỏe như đau lưng, vai gáy, đau dây thần kinh…khiến khách quen tin tưởng tìm đến anh ngày càng nhiều.

Anh Nhân cho biết: Ngoài làm việc tại cơ sở xoa bóp, bấm huyệt của hội người mù thành phố, anh Nhân còn truyền nghề xoa bóp, bấm huyệt cho vợ của mình và nhận tẩm quất tại gia. Giờ đây anh có thể tự hào để khẳng định rằng, mặc dù khiếm thị nhưng chính bằng nghị lực và bàn tay cần cù của mình, anh không những trang trải cuộc sống ổn định cho gia đình mình mà còn nuôi hai con ăn học đầy đủ như các bạn cùng trang lứa.

Với những kiến thức cơ bản đã được học ở trường, cùng những kinh nghiệm xoa bóp tẩm quất lâu năm, các nhân viên ở cơ sở tẩm quất 57 phố Hàng Kênh khá thành thạo trong việc giúp khách xác định điểm đau, xoa bóp, bấm huyệt phục hồi chức năng và chữa một số bệnh thông thường khá hiệu quả. Điều đó giúp cho cơ sở không những tồn tại mà còn ngày càng mở rộng với số lượng lao động ngày càng tăng cũng như số khách hàng tìm đến ngày càng nhiều.

Thực tế hiện nay, so với nghề làm tăm tre, chổi đót, nghề tẩm quất tạo công ăn, việc làm và mức thu nhập khá hơn cho người khiếm thị. Điều này không chỉ góp phần ổn định cuộc sống mà còn là động lực tinh thần để người khiếm thị yên tâm trong cuộc sống. Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Quang Tâm – Chủ tịch hội người mù thành phố - chia sẻ: “Nghề tẩm quất có ưu điểm phù hợp với khả năng lao động của người khuyết tật, tạo việc làm và thu nhập ổn định nên những năm gần đây nghề này được nhân rộng trên địa bàn thành phố.

Hội đã chủ trương và triển khai nghề tẩm quất trở thành nghề chính tạo công ăn việc làm cho người khiếm thị. Đặc biệt từ năm 2005, Trường Cao đẳng Y tế và Hội Đông y thành phố giúp đỡ Hội tổ chức dạy nghề xoa bóp và cấp chứng chỉ cho học viên nên Thành hội đã chủ động hơn trong công tác đào tạo nghề cho người khiếm thị”.

 

Nghề tẩm quất đem lại thu nhập ổn định cho người khiếm thị

Cũng theo ông Tâm, từ cơ sở ban đầu tại số 57 phố Hàng Kênh, quận Lê Chân, do Thành hội mở tháng 10/2002 với 5 nhân viên đầu tiên, đến nay Hội Người mù thành phố đã mở được 8 cơ sở xoa bóp, trong đó 2 cơ sở tại Thành hội và 6 cơ sở tại các quận, huyện. Hội đã tạo việc làm cho 75 hội viên, ngoài ra còn gần 30 cơ sở do hội viên tự mở đã tạo việc làm cho hơn 140 người trong đó có rất nhiều người mù đến từ các tỉnh lân cận.

Có những cơ sở đón lượng khách bình quân lên tới 120 khách/ngày, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động, đạt mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ phục vụ tốt cho nhu cầu của khách hàng, các cơ sở còn bố trí chỗ ăn ở tập trung, bếp ăn tập thể cho người lao động là những người khiếm thị, góp phần ổn định tinh thân và nâng cao mức sống cho người lao động.

Đã có thời kỳ, nhiều người khi nhắc đến “tẩm quất” thường có tâm lý e ngại và có cái nhìn sai lệch, coi dịch vụ này thiếu lành mạnh cùng nhiều biến tướng. Nhưng với cách làm chân chính cũng như hiệu quả thực sự mà dịch vụ này mang lại khiến cho cách nghĩ, cách nhìn của người dân đã dần thay đổi. Nghề tẩm quất chân chính do những bàn tay khéo léo, tinh tế của những người khiếm thị đã dần khẳng định được chỗ đứng trong cộng đồng xã hội. Từ đó giúp họ lấy lại niềm tin, nghị lực sống để hướng tới một tương lai tươi sáng hơn, dẫu cho chặng đường ấy còn không ít gian nan, vất vả.

Bùi Hạnh – Phạm Ngân

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông