Những nội dung cốt lõi của pháp luật BHTG, người gửi tiền cần biết

14:24 19/11/2023

Chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) ra đời với mục tiêu “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.…” và được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) triển khai nhất quán, xuyên suốt qua gần 25 năm.

Điểm khác biệt cơ bản của loại hình bảo hiểm này với các loại hình bảo hiểm khác là: đối tượng hưởng thụ trực tiếp (người gửi tiền) khi có rủi ro xảy ra không phải đóng phí bảo hiểm, người gửi tiền mặc định được bảo vệ khi gửi tiền tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG). Vì vậy, người gửi tiền cần biết những nội dung cốt lõi của chính sách BHTG để bảo vệ tốt nhất tiền gửi của mình tại các tổ chức nhận tiền gửi. 

BHTG là công cụ để bảo vệ người gửi tiền

Bảo hiểm tiền gửi là chính sách công của Nhà nước. Khoản 1 điều 4 Luật BHTG ghi rõ: “BHTG là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được BHTG trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản”.

Hay nói cách khác BHTG là cam kết công khai của tổ chức BHTG đối với tổ chức tham gia BHTG và người gửi tiền về việc tổ chức BHTG sẽ trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia BHTG bị chấm dứt hoạt động và mất khả năng thanh toán cho người gửi tiền.

Theo điều 5 và điều 6 Luật BHTG, đây là loại hình bảo hiểm bắt buộc theo quy định; TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia BHTG, trừ ngân hàng chính sách .

Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam. Điều 18 Luật BHTG quy định: “Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các TCTD”.

Bên cạnh đó, Điều 19 Luật BHTG quy định rõ các loại tiền gửi không được bảo hiểm, bao gồm: tiền gửi tại TCTD của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính TCTD đó; tiền gửi tại TCTD của cá nhân là thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính TCTD đó; tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó; tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia BHTG phát hành.

Đối tượng được bảo hiểm tiền gửi là người gửi tiền là cá nhân. Khoản 2 Điều 4 Luật BHTG quy định: “Người được BHTG là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG”. Người gửi tiền không phải nộp phí BHTG, mà theo khoản 4 Điều 20 Luật BHTG quy định: “Tổ chức tham gia BHTG phải nộp phí BHTG cho tổ chức BHTG”. Theo đó, khi cá nhân gửi tiền vào tổ chức tham gia BHTG, tổ chức này bắt buộc phải mua “bảo hiểm” cho khoản tiền gửi của cá nhân đó theo quy định của Luật BHTG. BHTGVN có trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc tính và nộp phí BHTG của các tổ chức tham gia BHTG đột xuất hoặc định kỳ theo quy định.

 Người gửi tiền được chi trả với hạn mức theo quy định 

 Điều 24 Luật BHTG quy định: “Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm”, và “Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) trong từng thời kỳ”.

Điều này có nghĩa là số tiền bảo hiểm tối đa một người gửi tiền nhận được khi tổ chức BHTG chi trả bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm hiện hành (bao gồm cả gốc và lãi); hạn mức trả tiền bảo hiểm không phụ thuộc vào quy mô số tiền gửi của khách hàng hay quy mô của tổ chức tham gia BHTG; hạn mức trả tiền bảo hiểm không cố định ở các thời điểm khác nhau.

Sau gần 25 năm chính sách BHTG được triển khai ở Việt Nam, hạn mức trả tiền bảo hiểm đã 03 lần thay đổi, từ 30 triệu đồng năm 1999 lên 50 triệu đồng năm 2005, tiếp tục nâng lên 75 triệu đồng năm 2017 và hiện nay hạn mức trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng/người/một tổ chức tham gia BHTG (theo Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg ngày 20/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ). Theo thống kê của BHTGVN, hạn mức 125 triệu đồng được đánh giá là bảo vệ toàn bộ được khoảng 90% cá nhân người gửi tiền tại thời điểm hạn mức này có hiệu lực (năm 2021). Việc định kỳ nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm trong thời gian qua thể hiện cam kết mạnh mẽ của Đảng, Chính phủ và Nhà nước trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. 

Số tiền gửi của người được BHTG, bao gồm tiền gốc và tiền lãi vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm sẽ được giải quyết trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG theo quy định của pháp luật (Điều 27 Luật BHTG).

Từ khi thành lập đến nay, tổ chức BHTG (BHTGVN) đã thực hiện chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho gần 1,8 triệu người gửi tiền tại 39 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) có địa bàn hoạt động ở 11 tỉnh, thành phố trong cả nước, với tổng số tiền đã chi trả hơn 26 tỷ đồng. Tất cả tiền gửi được bảo hiểm được thực hiện chi trả kịp thời theo quy định của pháp luật BHTG và không có trường hợp người gửi tiền có tiền gửi được bảo hiểm tại các đơn vị này không hoặc chưa nhận lại đầy đủ (cả tiền gốc và tiền lãi) tiền gửi của mình.

Điều 23 Luật BHTG quy định: trong thời hạn 60 ngày, kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, tổ chức BHTG có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người được BHTG. Thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền được xác định  kể từ thời điểm NHNNVN có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà TCTD là tổ chức tham gia BHTG vẫn lâm vào tình trạng phá sản hoặc NHNNVN có văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia BHTG mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức BHTG duy nhất ở Việt Nam triển khai chính sách BHTG

BHTGVN thành lập theo Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg ngày 09/11/1999 của Thủ tướng Chính phủ và chính thức hoạt động từ ngày 07/7/2000, là tổ chức BHTG duy nhất tại Việt Nam chịu trách nhiệm triển khai chính sách BHTG của Đảng và Nhà nước. 

BHTGVN là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách BHTG, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng (Khoản 04 Điều 04 Luật BHTG). BHTGVN hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 527/QĐ-TTg ngày 01/4/2016 của Thủ Tướng Chính phủ).

Tính đến cuối tháng 6/2023, BHTGVN đang bảo vệ cho tiền gửi của người gửi tiền tại 1.280 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, gồm: 96 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.179 QTDND, ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô.

Trả tiền bảo hiểm là biện pháp nghiệp vụ cuối cùng và trực tiếp mà BHTGVN sử dụng để bảo vệ người gửi tiền khi rủi ro đã xảy ra. Hàng loạt các hoạt động nghiệp vụ khác được quy định tại Điều 13 Luật BHTG cũng được BHTGVN triển khai liên tục và không ngừng nâng cao về chất lượng nhằm gián tiếp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền như: kiểm tra và giám sát, tham gia kiểm soát đặc biệt và thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG; truyền thông và phổ biến pháp luật BHTG; hoàn thiện và phát triển pháp luật BHTG…

 Quyền và nghĩa vụ của người được bảo hiểm 

 Người gửi tiền được bảo hiểm số tiền gửi của mình tại tổ chức tham gia BHTG; nhận tiền bảo hiểm đầy đủ và đúng thời hạn; yêu cầu tổ chức tham gia BHTG, BHTGVN cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, chế độ về BHTG; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến BHTG theo quy định của pháp luật.

Người gửi tiền phải cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin về tiền gửi theo yêu cầu của BHTGVN khi BHTGVN thực hiện thủ tục trả tiền bảo hiểm.

Để  nhận biết việc tham gia bảo hiểm tiền gửi,  tổ chức nhận tiền gửi phải niêm yết công khai bản sao Chứng nhận tham gia BHTG. Điều 15, Luật BHTG quy định: “Tổ chức tham gia BHTG phải niêm yết công khai bản sao Chứng nhận tham gia BHTG tại tất cả các điểm giao dịch có nhận tiền gửi”. Người gửi tiền cần lưu ý: Bản sao Chứng nhận tham gia BHTG là bản sao do BHTGVN cấp từ sổ gốc và địa chỉ ghi trên bản sao Chứng nhận BHTG phải trùng khớp với địa chỉ nơi người gửi tiền đang giao dịch.

Bên cạnh việc nắm bắt được những nội dung cốt lõi của chính sách BHTG nêu trên, người gửi tiền cũng cần nghiêm túc tuân thủ quy trình nhận tiền gửi tại các tổ chức tham gia BHTG để tránh các rủi ro về mặt pháp lý, dẫn đến việc các khoản tiền gửi trở thành “không hợp pháp” và không đủ điều kiện để được pháp luật BHTG bảo vệ.

TB

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích