21:57 19/07/2024 Là lực lượng vũ trang nòng cốt, xung kích trong phòng ngừa, trấn áp tội phạm, bảo vệ cho cuộc sống bình yên, các chiến sỹ Cảnh sát luôn phải làm việc với “cái đầu lạnh” nhưng chứa sâu bên trong họ lại là những trái tim hồng ấm áp với xiết bao cung bậc xúc cảm đẹp đẽ, đầy nhân văn.
1. Như biết bao bè bạn của mình, tôi có một tình yêu đặc biệt với những người lính khoác trên vai bộ quân phục Cảnh sát nhân dân. Tình yêu ấy có lẽ bắt nguồn từ khi tôi còn nhỏ, rồi theo thời gian được vun đắp dần bằng những cuốn sách, những bộ phim tôi đọc, tôi xem và những gì tôi được nghe, được tận mắt chứng kiến và cảm nhận thông qua việc làm, cung cách ứng xử và nhân cách của hết thảy những chiến sĩ Cảnh sát mà tôi từng gặp. Cũng bởi vì thế, ngay từ hồi còn nhỏ, tôi từng ước ao được trở thành một chiến sĩ Cảnh sát. Ước muốn ấy theo tôi lớn lên, cứ ở trong tôi cho đến bây giờ và có lẽ vẫn còn theo tôi mãi.
Còn nhớ ngày tôi tầm 10 tuổi, dì tôi có một người em kết nghĩa. Chú ấy gọi bà tôi là bu và được cả gia đình tôi quý như ruột thịt trong nhà. Riêng tôi thì khỏi phải bàn, rất mê chú bởi chú hiền, vui tính và hay mua kẹo cho chúng tôi. Duy có một điều khá lạ ở chú ấy khiến tôi tò mò là cách ăn mặc và bộ dạng bên ngoài. Khi thì rất bảnh bao như một công tử con nhà giàu, lúc thì lôi thôi bụi bặm như phu khuân vác, khi thì tóc tai bù xù còn diện nguyên cả cây bò trông như đầu gấu. Lại có hôm, trên đường đi học về, tôi thấy chú lái con Simpson, tóc chải bóng mượt với bộ comple lịch thiệp lướt trên phố. Rõ ràng chú nhìn thấy tôi nhưng mặt chú lạnh te lướt qua trong tích tắc khiến tôi không kịp chào.
Có hôm tận đêm muộn, chú gọi cửa hỏi mẹ tôi còn cơm không và đi thẳng xuống bếp xới bát cơm nguội ăn rât nhanh rồi vội vã đi luôn. Hôm khác, tầm 3 giờ chiều, chú vào nhà, nói với mẹ tôi: “Ba ngày nay em chưa được ngủ tí nào, mệt quá, em tranh thủ chợp mắt tí”. Xong chú rút trong người ra một thứ đen sì, nhét xuống dưới gối rôi nằm vật xuống ngủ luôn. Dù rất nhanh nhưng vì tôi đứng rất gần nên vẫn kịp nhận ra cái thứ đen sì ấy là một khẩu súng ngắn. Nỗi sợ hãi ập đến rất nhanh. Hồi đó ở Hải Phòng rất nhiều tội phạm, cướp giật trộm cắp. Chả nhẽ chú ấy....? Tôi nhìn chú nằm ngủ mê mệt, người thì cao gầy lòng khòng, quần áo cáu bẩn, hốc hác, sạm đen còn râu ria thì lởm chởm. Đã thế lại có súng nữa thì đích thị là cướp rồi. Tôi run cầm cập thì thào với mẹ: “Chú ấy ... có súng ... ở dưới gối mẹ ạ! Chú ấy là cướp đấy.” Mẹ tôi khẽ bật cười kéo tôi ngồi xuống: “Con đừng sợ, chú ấy không phải là cướp. Chú ấy là Công an”. “Không! Công an thì phải mặc quần áo Công an chứ, mẹ nhìn chú ấy xem”. Mẹ tôi phải giải thích mất một hồi mới thuyết phục được để cho tôi tin rằng: Chú ấy chính xác là Cảnh sát hình sự. Và nữa, Cảnh sát hình sự thì không thường xuyên mặc cảnh phục khi đi điều tra, phá án, bắt tội phạm. Mẹ còn dặn tôi phải giữ bí mật điều đó, không được đi kể lung tung làm ảnh hưởng đến công việc của chú ấy. Tôi gật đầu mà trong thâm tâm vẫn lăn tăn một loạt câu hỏi không lời giải.
Thế rồi từ hôm đó, tôi, bằng tư duy của một đứa trẻ con, tự dưng thấy mình có vẻ như bí hiểm hơn và cũng đầy tự hào vì đang giữ một bí mật quan trọng. Mỗi khi nghe người lớn nói chuyện về một tên hay nhóm trộm cắp nào bị bắt, tôi sung sướng và thấy đầy hãnh diện với ý nghĩ: “Ở đấy có công của chú tôi!”. Tưởng tượng về công việc của chú ấy hàng ngày, tôi thuê rất nhiều truyện trinh thám để đọc, rủ bọn bạn trong xóm chơi trò điều tra phá án và bắt đầu ước ao sau này trở thành Cảnh sát hình sự. Đến năm lớp 12, lựa chọn số một của tôi là thi vào ngành Công an, nhưng ngay vòng sơ tuyển, tôi trượt luôn vì chiều cao có 1m55. Nài nỉ chú xin hộ cho song chú dứt khoát không và nói rõ: Xin cũng không được, xin làm gì cho mất công. Thế là ước mơ tan tành mây khói. Giờ tôi chỉ ước, giá như thời gian quay trở lại, tôi sẽ kiễng chân ăn gian khi đo chiều cao, giống như kiểu người ta đeo thêm gạch vào người cho đủ cân nặng để được nhập ngũ ấy. Nhưng quá muộn rồi!
2. Tôi kể lại những kỷ niệm không thể quên ấy bởi vì nó chính là nguyên nhân, là duyên cớ để tôi có một tình yêu lớn đối với lực lượng Cảnh sát cũng như sự cảm phục, trân trọng không hề nhỏ đối với những cán bộ, chiến sỹ trong ngành. Cũng từ đó mà tôi luôn cảm thấy gần gũi, luôn cảm nhận được những điều đáng quý trọng cũng như chất “nhân văn” tiềm tàng trong họ, khác hẳn với vẻ lạnh lùng bên ngoài. Tôi thấy họ mới là những người giàu đức hi sinh và có cống hiến to lớn trong việc bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội và bình yên cuộc sống. Nhiệm vụ của họ là bảo vệ pháp luật, bảo vệ trật tự an toàn xã hội và bình yên cuộc sống cho người dân bằng pháp luật. Đặc thù công việc buộc họ trong thực thi nhiệm vụ thường nghiêm khắc, cứng rắn, cương quyết… Họ làm việc với “cái đầu lạnh”, nhưng ẩn sâu trong con người họ, trong lồng ngực kia luôn có một “trái tim nóng”, một trái tim với đủ đầy những xúc cảm đẹp đẽ, nhân văn nhất đối với cuộc sống và con người.
Ai cũng hiểu, Cảnh sát là những người tiếp xúc nhiều nhất, thường xuyên nhất với tội phạm, với sự tiêu cực và những mặt trái của xã hội. Vậy thì, trước cái xấu, cái ác họ có phẫn nộ không? Chứng kiến những mất mát, khổ đau, thiếu thốn, cơ cực, nhọc nhằn họ có xót xa không? Hay đơn giản hơn, trong nhưng ngày vui, dịp lễ, Tết, mọi gia đình quây quần, đoàn tụ bên nhau nhưng gia đình họ thì không, bởi có một người luôn phải vắng mặt vì công việc, họ có chạnh lòng, có buồn không? Đáp án chung cho tất cả những câu hỏi trên là “có”. Nhưng, họ buộc phải nén lại tất cả những cảm xúc ấy để nó không bộc lộ ra ngoài. Họ chấp nhận hiểm nguy, khó khăn, gian khổ, thậm chí hy sinh cả tính mạng, hy sinh cả những niềm vui và hạnh phúc riêng tư, đơn giản, bình dị nhất của mình chỉ để hoàn thành tốt nhất trọng trách và nhiệm vụ được giao. Sự ổn định trật tự của xã hội, sự an toàn, bình yên của người dân chính là niềm vui và phần thưởng đáng giá nhất đối với họ.
Lý giải cho tất cả những điều đó rất đơn giản. Bởi họ là những người có lý tưởng cao đẹp, được đào tạo, rèn luyện để theo đuổi và thực hiện lý tưởng cao đẹp ấy. Đối với họ, khi khoác lên mình bộ quân phục là tiếp nối một sứ mệnh vẻ vang, là mang trên vai trọng trách và nhiệm vụ vinh quang mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Bởi những “trái tim hồng” ấm áp của họ từng ngày, từng giờ, từng phút giây vẫn rung ngân lên giai điệu của bình yên, những thanh âm đẹp đẽ của tình yêu Tổ quốc, quê hương, tình yêu cuộc sống và yêu con người.
Tôi thấy tiếc vì những tác phẩm văn học nghệ thuật viết về đề tài Công an nhân dân còn ít so với các đề tài khác. Cũng dễ hiểu bởi đây la một đề tài khó và khô khan. Hình ảnh chiến sỹ Cảnh sát trong cuộc sống hàng ngày mà chúng ta vẫn thường thấy là những con người khô cứng, sắt đá, nghiêm khắc, có lúc rất lạnh lùng trong khi làm nhiệm vụ. Bởi vậy việc khắc họa hình ảnh của họ trong văn học nghệ thuật cũng được coi là một thách thức lớn đối với văn nghệ sỹ trong quá trình sáng tác tuy nó thực sự cũng là một mảng đề tài khá thu hút và hấp dẫn đối với rất nhiều ngươi. Tuy nhiên, tôi lại nghĩ rằng, nếu văn nghệ sỹ có đủ say mê, đủ cảm xúc, dám dấn thân để trải nghiệm và có vốn hiểu biết nhất định về ngành này, chắc chắn họ sẽ đạt được những thành công nhất định trong sáng tạo tác phẩm cũng như khắc họa hình tượng người chiến sỹ Cảnh sát dưới những góc nhìn đa chiều, đa dạng, rõ nét và sinh động nhất.
Thật đáng mừng là ở Hải Phòng, có nhiều nhạc sỹ sáng tác ca khúc về lực lượng Công an nhân dân noi chung. Những tác phẩm đó thường là những bản hùng ca, những khúc tráng ca mang âm hưởng mạnh mẽ, hào hùng. Đó là những bài hát ca ngợi phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của lực lượng vũ trang, ca ngợi chiến công, thành tích và truyền thống anh hùng của Công an Hải Phòng. Những ca khúc này thực sự đã dẫn ta đi trên những cung bậc thăng hoa của của thanh âm và cảm xúc, đã truyền lửa, truyền cảm hứng cho chúng ta rất nhiều. Đó thực sự là những giai điệu bình yên.
Nhưng có một điều ta dễ dàng nhận thấy, đó là khi sáng tác ca khúc về lực lượng Công an, việc tạo ra những tác phẩm với nhạc điệu sôi nổi, hào hùng có vẻ dễ hơn là tạo ra một nhạc phẩm mang âm hưởng trữ tình, tha thiết. Điều đó cũng dễ hiểu bởi vì mỗi loại hình văn học nghệ thuật có một thế mạnh riêng của nó. Điểm hạn chế này của âm nhạc có khi lại là thế mạnh của văn chương, của sân khấu - điện ảnh, của mỹ thuật, nhiếp ảnh và các loại hình khác.
Thực tế cũng đã chứng minh, mỗi loại hình văn học nghệ thuật đều đã có những tác phẩm rất rất thành công khi phản ánh được đa dạng đời sống, chiến đấu của người chiến sĩ Công an nhân dân, những khó khăn gian khổ, hiểm nguy mà họ phải đối mặt, giúp người đọc, người nghe, người xem cảm nhận rõ hơn về những phẩm chất cao đẹp, về sự anh dũng, quả cảm, mưu trí, về những gian khó, mất mát, hy sinh thầm lặng và những chiến công của họ từng ngày đem đến sự bình yên cho Nhân dân, về cả những diễn biến tình cảm, nội tâm vẫn diễn ra âm thầm trong họ.
Tất cả các tác phẩm ở nhiều các loại hình sáng tạo ấy đều đã tập trung làm nên một bức tranh khá toàn diện về lực lượng Công an, về truyền thống và những phẩm chất tốt đẹp cũng như khắc họa rõ nét hình tượng tiêu biểu của những cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang qua mỗi thời kỳ. Và tôi mong muốn, sẽ có thêm nhiều hơn nữa những tác phẩm hay và đặc sắc viết về họ.
3. Kỷ niệm 62 năm ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam, bằng những tình cảm mộc mạc của mình, tôi viết về tất cả những điều này chỉ để nói lời từ trái tim gửi đến những trái tim. Tôi cảm phục, yêu quý và tự hào về lực lượng Cảnh sát nhân dân thành phố Cảng, trong đó có những người bạn vô cùng thân thiết của tôi. Xin gửi tới các anh cùng toàn thể cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng cùng gia đình, hậu phương vững chắc của các anh, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc.
Chúc các anh luôn phát huy tốt truyền thống vẻ vang, anh hùng của lực lượng, luôn giữ gìn, vun đắp và làm giàu thêm những phẩm chất cao đẹp, quý báu của người chiến sỹ Công an để luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã trao.
ĐẶNG THỊ THÚY
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng