Niềm vui và nỗi lo ngày trở về từ Libya

17:39 12/03/2011

Hơn nửa tháng sau ngày bất ổn bắt đầu xảy ra ở Libya, đến nay toàn bộ hơn 10.000 lao động Việt Nam đã rời khỏi đất nước Bắc Phi này. Cũng giống như hàng nghìn lao động Việt Nam khác được trở về nhà an toàn, trong sự vui mừng của người thân, hàng chục lao động Hải Phòng tại Lybia phải trải qua những tháng ngày bàng hoàng, bơ vơ, thậm chí có những lúc đã nghĩ đến… cái chết.
Hơn nửa tháng sau ngày bất ổn bắt đầu xảy ra ở Libya, đến nay toàn bộ hơn 10.000 lao động Việt Nam đã rời khỏi đất nước Bắc Phi này. Cũng giống như hàng nghìn lao động Việt Nam khác được trở về nhà an toàn, trong sự vui mừng của người thân, hàng chục lao động Hải Phòng tại Lybia phải trải qua những tháng ngày bàng hoàng, bơ vơ, thậm chí có những lúc đã nghĩ đến… cái chết.

Niềm vui ngày trở về của gia đình anh Nguyễn Văn Hưng
Niềm vui ngày trở về của gia đình anh Nguyễn Văn Hưng

Đường về gian nan

Gia đình bà Phạm Thị Mận, 52 tuổi, ở thôn Kiều Đông, xã Hồng Thái (huyện An Dương) mấy ngày này, lúc nào cũng nườm nượp người ra, người vào để thăm hỏi cậu con trai cả là anh Nguyễn Văn Hưng, 27 tuổi, mới từ Lybia trở về. Anh Hưng vui vẻ cho biết, anh sang Lybia làm thợ xây từ tháng 4-2010 tại một công trường xây dựng cách thủ đô Tripoli khoảng 1.000 km của Công ty Cengiz Lybia JSO do một người Thổ Nhĩ Kỳ làm chủ với mức lương 275 USD/tháng.

Tại đây, ngoài 100 lao động Việt Nam, còn có khoảng 700 lao động đến các quốc gia trên thế giới như: Thổ Nhĩ Kỳ, Nigiênia, Ấn Độ, Ganna… “Do nằm ở vùng sa mạc nên thời tiết ở đây hết sức khắc nghiệt, trời nắng có khi nhiệt độ lên tới 54 độ C, trời rét có khi xuống 4,5 độ C nên hầu hết lao động Việt Nam sang làm việc phải khó khăn lắm mới thích nghi được” .

Mặc dù không biết rõ thực hư tình hình bất ổn tại Lybia như thế nào bởi trong công trường, công nhân không có nhiều thông tin để tiếp cận nhưng ai nấy đều bắt đầu tỏ ra lo lắng về tình hình bất ổn ở nước bạn… Anh Hưng cho biết, mọi người thực sự thấy lo sợ khi trên đường ra sân bay chứng kiến cảnh hỗn loạn trên đường phố và đâu đó tiếng súng nổ đì đùng. Có người trong đoàn hoang mang, buột miệng kêu lên rằng, thế này không chắc sẽ có… ngày về được đến nhà. Rất may đoàn của anh ra đến sân bay chỉ phải chờ 3 tiếng đồng hồ là được bay sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Anh Hưng kể lại, máy bay vừa hạ cánh xuống sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), mọi người trong đoàn đều thở phào nhẹ nhõm nghĩ rằng mình đã thoát khỏi nguy hiểm. Thế nhưng không ngờ, vừa đặt chân đến sân bay, cả đoàn chứng kiến cảnh hàng nghìn người đều là những lao động làm việc tại Lybia được sơ tán sang từ trước đó đang vật vạ chờ đợi làm thủ tục về nước. Cũng theo anh Hưng, khi nghe tin tình hình bất ổn tại Lybia, mọi người vội vàng vơ được ít tư trang nhét vào va - ly rồi nhanh chóng lên xe ra sân bay.

Trong khi đó tiền lương tháng cuối chưa được lĩnh nên hầu như không ai còn tiền trong túi. Vì thế, những ngày chờ đợi ở sân bay Istanbul là những ngày cơ cực, phải ăn đói, mặc rét. Trước đó, khi rời khỏi Lybia nhiều người đã nghĩ đến việc đổi tiền Lybia sang USD nhưng không được vì tất cả các ngân hàng ở đây đều đã đóng cửa. Vậy nên cũng như hàng nghìn người khác, anh Hưng phải trông chờ vào thực phẩm cứu trợ là bánh mỳ và nước lọc để cầm hơi…

“Trong lúc gian nguy nhất thì tinh thần đoàn kết của người Việt được thể hiện hơn bao giờ  hết. Tất cả anh em trong đoàn chúng tôi chia nhau từng mẩu bánh mỳ, từng ngụm nước uống rồi cùng động viên, chăm sóc cho nhau. Đây cũng là động lực quan trọng để chúng tôi vượt qua những ngày gian khó nhất”.

Đến chiều 5-3, sau 7 ngày chờ đợi ở sân bay, mọi người được đại diện của công ty thông báo chuẩn bị lên máy bay về nước thì niềm vui như vỡ òa. Tất cả anh em trong đoàn ôm lấy nhau mà không ai cầm được nước mắt. Sau hơn 40 giờ bay, sáng 7-3, anh Hưng trở về nhà trong sự chờ đợi mỏi mòn và niềm vui khôn xiết của những người thân.

Làm cùng trên công trường và cũng có hành trình trở về như Hưng còn có anh Nguyễn Hữu Chài, 42 tuổi, ở xã Hữu Bằng (huyện Kiến Thụy). Mấy ngày này vợ con và họ hàng lúc nào cũng tíu tít bên cạnh hỏi han tình hình Lybia như thế nào… Chị Nguyễn Thị Lượt, vợ anh Chài, không giấu niềm hạnh phúc khi kể về những ngày đáng nhớ vừa qua. Ngay khi anh gọi về thông báo tình hình, chị đứng ngồi không yên.

Chị bỏ hết việc đồng áng, chỉ ở nhà chờ tin chồng. Chiếc điện thoại trở thành vật bất li thân của gia đình. “Từ nhỏ đến giờ, chưa bao giờ tôi xem chương trình thời sự chăm chỉ như vậy, để còn biết tình hình của chồng khi không liên lạc được. Giờ về rồi, tôi không cho đi đâu nữa, chỉ ở nhà. Đói nghèo cũng được, miễn là có nhau. Giờ, nhắc về mấy ngày đó, tôi vẫn còn sợ”, chị Lượt nói.

Mặc dù là một trong số ít lao động Việt Nam may mắn được về nước sớm từ ngày 4-3, nhưng anh Vũ Việt Hùng, 29 tuổi, ở số 8, ngõ 211 Hoàng Quốc Việt, phường Ngọc Sơn (quận Kiến An), vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại hành trình từ Tripoli - nơi anh làm việc cùng nhiều lao động khác của Công ty Vật tư công nghiệp Quốc phòng đến biên giới Tunisia rồi về Việt Nam.

Anh Hùng cho biết, anh sang làm thợ sửa chữa ô tô của Trung tâm nghiên cứu và chế tạo trung ương Lybia (Cục tăng thiết giáp) nằm ngoại ô Tripoli từ tháng 5-2009 với mức lương 450 USD/tháng. Nơi đây tập trung khá động lao động Việt Nam cùng lao động và chuyên gia các nước khác như: Palestin, Ấn Độ, Israel, Nga…

Sau khi tình hình bất ổn xảy ra tại Lybia, đến ngày 23-2, thủ đô Tripoli cũng bắt đầu căng thẳng thì công nhân được thông báo nhà máy yêu cầu nghỉ việc đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, cho đến ngày 28-2, diễn biến tình hình tại đây ngày càng phức tạp hơn nên lao động nước ngoài buộc phải sơ tán. Thế nhưng, do tình hình bất ổn nên mọi phương tiện đi lại đều rất khó khăn.

Hầu hết lái xe taxi đều không dám chạy vì sợ nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, phải mất 2 ngày sau đó anh Hùng mới thuê được xe đi đến biên giới Tunisia cách Tripoli 200km. Biên giới giữa Lybia và Tunisia là vùng sa mạc rộng lớn với thời tiết vô cùng khắc nghiệt, ngày nắng nóng, đêm mưa rét. Tại đây đã có hàng nghìn người nước khác sơ tán đang chờ làm thủ tục nhập cảnh vào Tunisia. Vì vậy đoàn của anh Hùng phải mất 2 ngày sống trong cảnh màn trời, chiếu đất giữa sa mạc.

“Cho dù như thế nào đi chăng nữa nhưng đã về lại được đất nước, chúng tôi rất mừng. Khi xuống sân bay gặp được người thân, tôi sung sướng không thể nào tả được”, anh Hùng xúc động nói và kể lại rằng, khi máy bay tiến vào không phận Việt Nam, tất cả mọi người trong máy bay đồng loạt vỗ tay ăn mừng như vừa từ… cõi chết trở về.

Và những nỗi lo hiện hữu

Bên cạnh niềm hạnh phúc về Việt Nam an toàn là một gánh nặng nợ nần, cơm áo chất chồng lên đôi vai của những người đàn ông đã một lần phải dứt áo ra đi vì cuộc sống. Bởi hầu hết những lao động Việt Nam sang Lybia làm ăn đều có hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn. Trong số lao động Hải Phòng mà tôi đã gặp đều xuất thân từ nông dân, từ gia đình lao động nghèo. Tất cả đều cố gắng vay mượn tiền ngân hàng, vay của người thân đi xuất khẩu lao động những mong cải thiện điều kiện kinh tế gia đình…

Anh Nguyễn Văn Hưng cho biết, trước khi đi gia đình anh đã phải vay mượn 60 triệu đồng làm thủ tục. Sang được hơn 1 tháng thì một người bạn đi cùng bị chết vì tai nạn lao động. Vì chẳng có ai thân thích hơn nên anh Hưng lại phải gánh trách nhiệm đưa xác bạn về quê và ở lại nhà mất 2 tháng nữa mới được trở lại làm việc. Đến nay chưa đầy 5 tháng thì tình hình Lybia bất ổn lại phải về nước trong khi công ty vẫn còn nợ lại lương tháng cuối. “Giờ mình còn chưa biết làm gì. Mong sao Lybia sớm ổn định để mình quay lại làm việc trả hết nợ nần” - anh Hưng nói.

Nỗi lo cũng hiện rõ trên gương mặt gầy gò hốc hác sau bao ngày gian khổ của anh Nguyễn Hữu Chài. Anh Chài nói rằng, lúc chưa rời khỏi Libya thì lo lắng cho tính mạng của mình, nhưng khi được an toàn thì lại lo rồi tương lai sẽ về đâu khi mà số tiền hàng chục triệu đồng vay nợ làm thủ tục đi xuất khẩu lao động mới trả được phần nào. Mong sao các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cố gắng giúp đỡ để những người lao động trở về từ Libya được trở lại cuộc sống bình thường.

VĂN HUY


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông